50/20/30 là quy tắc được đặt ra bởi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren. Bà từng là giáo sư giảng dạy bộ môn Pháp luật Thương mại tại Đại học Harvard. Bên cạnh đó, Elizabeth Warren cũng là một trong số những nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng nhất trong năm 2017 do tạp chí Times bình chọn.
Quy tắc 50/20/30 được bà đề cập đến trong quyển sách "All your worth: The ultimate lifetime money plan" của mình. Đây là quy tắc chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 danh mục chính với các tỷ lệ tương ứng.
50% thu nhập dành cho các khoản chi phí thiết yếu
Đầu tiên, hãy dành không quá một nửa thu nhập của bạn cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Đó là những khoản mà bạn chắc chắn phải bỏ ra dù đang sống ở thành phố lớn hay nông thôn. Thông thường, những chi phí này không thay đổi quá nhiều mỗi tháng, như tiền ăn, thuê nhà, chi phí đi lại, các hóa đơn tiện ích như điện, nước, internet…
Những nhu cầu thiết yếu mà bạn phải chi ra hằng tháng để đảm bảo một cuộc sống thoải mái (Nguồn: stroudhomes)
Hãy cố gắng để tổng chi phí này không vượt quá 50% số tiền bạn kiếm được. Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống nếu nguồn thu nhập của bạn thay đổi theo chiều hướng không như mong đợi. Thậm chí, nếu có thể giảm chi phí cố định dưới mức 50% thì cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn rất nhiều.
20% thu nhập dành cho các mục tiêu tài chính
Bước tiếp theo, bạn nên dành 20% thu nhập cho các mục tiêu tài chính. Đó có thể là tiền tiết kiệm cho tuổi già, các khoản trả góp, lãi suất hoặc quỹ tiền mặt khẩn cấp. Danh mục này chỉ nên được bổ sung sau khi bạn đã xem xét hết tất cả các chi phí thiết yếu.
Bên cạnh đó, các khoản chi mang tính tạo dựng tài sản lâu dài cũng nên được liệt kê trong 20% này. Đây có thể là tiền dành cho việc đặt cọc mua nhà, mua xe, phí bảo hiểm nhân thọ, giáo dục, các khoản đầu tư cho kinh doanh…
Tiền tiết kiệm đầu tư cho tương lai là vô cùng cần thiết (Nguôn: youthincmag)
Nếu có thể, hãy đầu tư cho các mục tiêu tài chính này cao hơn con số 20%. Bạn có thể trả nợ nhanh hơn hoặc sẽ ít lo lắng cho tương lai sau khi nghỉ hưu. Chuẩn bị chu đáo cho tương lai bao giờ cũng tốt hơn bạn nhỉ?
Các chuyên gia gợi ý rằng, trước khi nghĩ đến việc phải để dành càng nhiều càng tốt, hãy tìm cách để không phải trả lãi cho các khoản nợ. Chỉ khi đó, tiền tiết kiệm được mới thật sự là của bạn.
>> Xem thêm: 3 kỹ năng quản lý cần có của mỗi nhà quản trị
30% thu nhập dành cho chi tiêu cá nhân
Danh mục cuối cùng và cũng là yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong ngân sách của bạn: những chi phí không cần thiết. Đây là những khoản chi không cố định, có thể thay đổi từng ngày, từng tháng. Một số ví dụ cho chi tiêu cá nhân có thể là tiền mua sắm, du lịch, mừng tuổi…
Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi chi tiêu cho việc mua sắm (Nguồn: media.nexstardigitalmedia)
Một số chuyên gia tài chính nhận xét đây là chi phí hoàn toàn linh hoạt. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cho rằng việc có một số món hàng xa xỉ là phần không thể thiếu đối với họ. Vì thế, hãy xem xét thật kỹ các khoản chi cho danh mục này nếu bạn không muốn mình rơi vào cảnh "thắt lưng buộc bụng" cuối tháng.
Bạn cũng cần hiểu đây là giới hạn an toàn, không nên xem 30% thu nhập hằng tháng là khoản tiêu pha tùy ý. Bạn chỉ nên xem xét cắt giảm 20% thu nhập dành cho mục tiêu tài chính khi thật sự không còn lựa chọn nào khác. Chi phí thuộc danh mục chi tiêu cá nhân càng ít, tương lai tài chính càng được đảm bảo khi bạn về hưu.
Áp dụng quy tắc 50/20/30 đúng cách sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân (Nguồn: moneytalksnews)
50/20/30 là một trong những phương pháp giúp bạn hệ thống các khoản chi của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào quy tắc này cũng có thể áp dụng một cách hoàn hảo. Sẽ không có đáp án chung nào cho kế hoạch chi tiêu của tất cả mọi người. Lý do đơn giản là vì thu nhập và nhu cầu của mỗi cá nhân hoàn toàn khác nhau.
Bạn cần lập kế hoạch chi tiêu và linh hoạt thay đổi tỷ lệ này sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Đừng quên phải dành cho mình một khoản tiết kiệm tương lai bạn nhé!
Anh Thư (Tổng hợp)