Trong trường học thường không có hướng dẫn kỹ năng viết CV. Khi đi xin việc, nhiều người lựa chọn phương án “nhân bản” các mẫu CV được chia sẻ miễn phí trên mạng. Cách làm này có thể khiến CV của bạn không tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Dưới đây là những bí kíp từ Edu2Review giúp “nâng cấp” CV của bạn!
Đầy đủ thông tin liên hệ cá nhân
Đây là kỹ năng viết CV cơ bản mà bạn nên nhớ. Hãy liệt kê đầy đủ những thông tin về tên gọi, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và email. Những thông tin này sẽ giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá mức độ phù hợp của bạn với vị trí làm việc. Ví dụ địa chỉ của bạn tại Hà Nội nhưng công việc lại làm tại Sài Gòn chẳng hạn. Qua những dòng tóm lược, nhà quản trị sẽ bước đầu biết bạn có thật sự phù hợp hay không.
Ngoài số điện thoại và email, bạn có thể ghi thêm một số phương thức liên hệ khác nếu có. Bạn không cần lo lắng việc ghi thêm các phương thức liên hệ bằng mạng xã hội sẽ khiến CV trông thiếu nghiêm túc. Nhiều nhà tuyển dụng trong lĩnh vực truyền thông, nghệ thuật, quảng cáo... sẽ thông qua các kênh liên hệ mạng xã hội để đánh giá được mức độ phù hợp của bạn với công việc.
Điền đầy đủ thông tin liên hệ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng liên hệ với bạn (Nguồn: forbesimg)
Thêm vào bất kì giải thưởng, chứng nhận và sự công nhận nào bạn có
Đừng hiểu nhầm hành động này với sự khoe khoang, nó sẽ là cơ sở tương đối để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực của bạn, nhất là đối với những sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc. Những sinh viên có điểm số tốt nên ghi đầy đủ và nhấn mạnh những thành tích bạn đạt được, qua đó chứng tỏ khả năng học tập, tư duy của bạn. Thậm chí nếu bạn không giành được bất kỳ giải thưởng nào nhưng điểm số học tập tốt hoặc bạn giành được học bổng tại trường thì đây vẫn là những thông tin nên đưa vào CV.
Nếu là sinh viên sắp ra trường, hãy nhấn mạnh vào trình độ học vấn, bằng cấp và chứng chỉ có được. Đừng quên kỹ năng viết CV này! Thông tin về ngành học hay bất kỳ khóa học nào bạn đã tham gia sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về kiến thức chuyên ngành của bạn.
Trường hợp nếu bạn đã đi làm rồi, hãy ghi rõ về các dự án bạn đã tham gia, thành công của những dự án đó. Đặc biệt, hãy ghi thêm thông tin của người có thể chứng minh những thành tích đó cho bạn, ví dụ như quản lý cũ, đồng nghiệp.
Hãy tranh thủ "ghi điểm" bằng cách thêm các thành tích bạn đã đạt được vào CV (Nguồn: kinstacdn)
Một lưu ý cho kỹ năng viết CV này là bạn nên trình bày theo dòng thời gian và đặt các thông tin mới nhất lên đầu. Với cách trình bày này, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng theo dõi thông tin hơn và đồng thời bạn cũng giành một điểm cộng vì phong cách trình bày khoa học, chuyên nghiệp.
Nên có phần kỹ năng
Không cần tới khi phỏng vấn xin việc thì bạn mới nghiên cứu kỹ bản mô tả công việc, ngay từ khi gửi CV, bạn nên tìm hiểu xem những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần cho vị trí công việc đó. Hãy so sánh với bản thân, bạn đã đáp ứng được những yêu cầu kỹ năng nào? Tiếp đến, hãy trình bày những kỹ năng đó vào CV để chứng minh rằng bạn là một ứng viên sáng giá.
Tùy theo lĩnh vực công việc mà nhà tuyển dụng sẽ có các yêu cầu khác nhau, nhưng nhìn chung, có 6 nhóm kỹ năng mà bất kỳ công ty nào cũng mong muốn nhân viên của mình có được:
- Kỹ năng giao tiếp: Bạn cần kỹ năng giao tiếp để có thể truyền đạt ý kiến, trình bày quan điểm cá nhân với sếp của bạn, đồng nghiệp và khách hàng một cách hiệu quả.
- Kỹ năng tin học văn phòng: Hầu hết các công việc đòi hỏi bạn có hiểu biết cơ bản về các công cụ như Excel, Word…
- Kỹ năng phản biện: Một nhân viên có kỹ năng này đồng nghĩa với việc họ sẽ có khả năng phân tích logic và có chí tiến thủ. Tất nhiên, không doanh nghiệp nào lại bỏ qua một nhân viên tiềm năng như vậy.
- Kỹ năng lãnh đạo: Không phải nhân viên nào cũng có thể trở thành quản lý, nhưng một nhân viên có kỹ năng lãnh đạo là người có tầm nhìn, biết cách động viên đồng nghiệp và luôn chủ động trong mọi tình huống sẽ giúp công ty dễ dàng đạt tới mục tiêu.
- Khả năng thích nghi: Một nhân viên giỏi nhưng không thể hòa hợp với văn hóa của công ty đôi khi sẽ là một trở ngại làm giảm hiệu quả công việc. Do đó, khả năng thích nghi sẽ là một điểm cộng cho bạn nếu nó được thêm vào CV.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Kỹ năng này có vai trò rất lớn trong sự phát triển chung của doanh nghiệp. Do đó, người có kỹ năng viết CV chuyên nghiệp không thể bỏ qua điểm lưu ý này trong hồ sơ xin việc.
Các kỹ năng mềm là một tiêu chí quan trọng khi tuyển dụng (Nguồn: tangraminteriors)
Ngôn ngữ trình bày chuyên nghiệp
Không sử dụng tiếng lóng, từ viết tắt trong CV, đây có lẽ là kỹ năng viết CV cơ bản mà hầu như ai cũng hiểu. Bạn nên sử dụng những font chữ chuyên nghiệp, phổ biến và dễ đọc như Arial hay Times New Roman. Chỉ là những chi tiết rất nhỏ nhưng chúng sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Đặt tên file CV
Đôi khi người đầu tiên đọc CV của bạn không phải là nhà tuyển dụng mà chỉ là nhân viên nhân sự. Giữa hàng ngàn hồ sơ, họ sẽ rất vất vả để phân loại CV. Do đó, bạn cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ bằng cách lưu tên file dễ phân biệt nhất có thể. Nếu công cty có quy định cách đặt tên file và ghi tên email thì bạn đơn giản chỉ cần làm theo đó, còn trường hợp công ty không đưa ra hướng dẫn thì bạn nên đặt tên file CV theo mẫu sau: CV – Công việc/Vị trí ứng tuyển – Họ và Tên – Phiên bản (theo thời gian).
Trên đây là 5 lưu ý để hoàn thiện bản CV của bạn, vẫn còn nhiều yếu tố khác mà bạn cần quan tâm để rèn luyện kỹ năng viết CV. Làm thế nào để viết một email xin việc chuyên nghiệp và tránh được những lỗi sai không đáng có? Hãy tham khảo hướng dẫn cách viết email xin việc từ Edu2Review.
Khuê Lâm (Tổng hợp)