Viết được hiểu đơn giản là hành động sử dụng và thể hiện những con chữ, số, biểu tượng, ý tưởng… lên trang giấy theo cấu trúc và quy luật của ngôn ngữ. Cho dù bạn là CEO, nhân viên bình thường, sinh viên hay là bất kỳ ai, việc trao đổi và diễn đạt thông tin bằng cách viết đều quan trọng. Vì vậy, bạn cần rèn luyện kỹ năng viết thật tốt để trình bày suy nghĩ của bản thân trong các loại văn bản khác nhau một cách rõ ràng, đúng ngữ pháp và dễ dàng thuyết phục người khác.
Tầm quan trọng của kỹ năng viết
- Nâng cao cơ hội thăng tiến
Trong công việc, bạn thường xuyên phải viết báo cáo, lên kế hoạch cho công ty hay đơn giản là viết một email nghỉ phép, tất cả đều cần dùng đến kỹ năng viết. Văn phong viết ảnh hưởng khá nhiều đến việc bạn khẳng định năng lực của bản thân hoặc cách người khác đánh giá bạn. Nếu bạn biết cách sắp xếp câu từ hợp lý, trình bày thông tin rõ ràng, chính xác thì sẽ dễ dàng tạo thiện cảm với cấp trên nhiều hơn là người hay viết sai chính tả, diễn đạt lung tung, thiếu chuyên nghiệp.
- Xây dựng lòng tin
Hãy thử đặt mình vào vị trí của người nhận email, tin nhắn hay bản báo cáo không rõ ràng về ý tưởng và thông tin được trình bày, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tất nhiên, điều khó tránh là việc phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu chính xác nội dung. Dẫn đến, người tiếp nhận thông tin gặp khó khăn, tốn thêm nhiều thời gian và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc cũng như đánh mất thiện cảm với viết.
Chắc chắn, bạn không hề mong muốn bản thân rơi vào trường hợp này, vì thế, hãy học hỏi những người viết giỏi để trau dồi thêm kỹ năng.
- Tạo sức ảnh hưởng và thuyết phục người đọc
Bạn biết cách sắp xếp những con chữ một cách hợp lý, số đông sẽ nhanh chóng đặt niềm tin nơi bạn. Từ đó, những bài báo cáo, phân tích hay ý kiến của bạn được đánh giá cao cũng như thu hút sự chú ý từ người đọc. Ngoài ra, với nền tảng vững chắc về viết, bạn có thể truyền cảm hứng đến những người xung quanh bằng từ ngữ của mình.
- Trao đổi thông tin hiệu quả
Trong một vài trường hợp, bạn cần giao tiếp với khách hàng thông qua email. Bằng cách sử dụng ngôn từ chuyên nghiệp, câu từ trau chuốt, rõ ràng, mạch lạc, bạn sẽ nhanh chóng tạo được ấn tượng tốt với đối tác, mặc dù cả hai chưa từng gặp mặt trước đó.
Ngược lại, nếu bạn sơ sài trong cách diễn đạt, mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp thì rất dễ khiến người đọc hiểu nhầm suy nghĩ của bạn. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa đối tác và doanh nghiệp.
Trong quá trình tuyển dụng, trước khi đến phỏng vấn, bạn cần gửi thư ứng tuyển kèm theo CV (Curriculum Vitae – Sơ yếu lý lịch) đến phòng nhân sự của doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào cách bạn viết, trình bày email xin việc như thế nào để đánh giá. Nếu tất cả đều được trình bày gọn gàng, chỉnh chu, đầy đủ, từ ngữ thu hút người đọc thì khả năng bạn được nhận việc là rất cao.
Rèn luyện năng lực viết bằng cách nào?
Để trở thành một người viết tốt, bạn cần chăm chỉ luyện tập trong một thời gian dài nhưng kết quả nhận được sẽ xứng đáng với sự nỗ lực. Hãy bắt tay vào nâng cao năng lực bằng những cách sau đây:
- Kiểm tra kỹ lưỡng chính tả và ngữ pháp trong bài viết của bạn trước và sau khi hoàn thành, nói cách khác là hãy viết một cách thật cẩn thận
- Nếu không quá giỏi về viết thì bạn chỉ nên bắt đầu với những nội dung đơn giản
- Đọc nhiều sách, báo, blog, tạp chí để học hỏi cách diễn đạt của các tác giả nhằm nâng cao kỹ năng viết
- Hạn chế dùng những từ viết tắt, nếu có sử dụng thì bạn cần chú thích rõ ràng
- Đối với từng đối tượng sẽ có những cách viết khác nhau, bạn nên hiểu rõ tâm lý người đọc để mang đến nội dung phù hợp
Viết là công cụ giúp bạn trình bày thông tin một cách có hiệu quả đến người đọc. Thông qua những con chữ, bạn có thể dễ dàng diễn đạt suy nghĩ của mình một cách chi tiết, chính xác và trau chuốt. Nếu những ý tưởng bạn đưa ra “chạm đến trái tim” của cấp trên, đối tác hay một người có sức ảnh hưởng đến bạn thì chắc hẳn con đường dẫn tới “đỉnh cao” sẽ bớt đi một phần chông gai. Vì thế, hãy cố gắng rèn luyện năng lực viết, thành công sẽ “mỉm cười” với bạn.
Đài Trang (Tổng hợp)