Giao tiếp tốt giúp bạn xây dựng, duy trì các mối quan hệ một cách bền vững và lâu dài. Từ đó, bạn có thể tạo nên sự thành công trong công việc và cuộc sống cho riêng mình. Vì vậy, không ít người cố gắng tìm lời giải đáp cho vấn đề cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu bằng những bài học mang tính lý thuyết lại quá nhàm chán và ít có tính ứng dụng thực tế. Thực hành luôn là cách nhanh và hiệu quả hơn. Vậy, tại sao bạn không thử tham gia trò chơi rèn luyện kỹ năng giao tiếp? – một cách tiếp cận thú vị. Sau đây là 3 trò chơi đơn giản mà bạn có thể tham khảo:
Bịt mắt
Mục tiêu
Trong trò chơi này, người bị bịt mắt phải dựa vào các hướng dẫn từ đồng đội để tìm cách vượt qua các thử thách trong một căn phòng. Thông qua đó, người chơi được rèn luyện kỹ năng giao tiếp và lắng nghe, đồng thời tạo dựng niềm tin, sự gắn kết giữa các thành viên.
Yêu cầu
- Cần có hai người chơi trở lên.
- Một nửa số người chơi phải bị bịt mắt.
- Một căn phòng hoặc không gian đủ rộng (ví dụ: phòng họp).
- Các đồ dùng có thể sử dụng được để làm chướng ngại vật (ghế, bình nước…).
Thời gian: 15 – 20 phút.
Cách chơi
- Sử dụng các đồ vật sẵn có và sắp xếp chúng thành chướng ngại vật, tạo ra lộ trình đường đi cho người bị bịt mắt.
- Chia nhóm thành các cặp. Những người bị bịt mắt đứng ở một bên phòng, người không bị bịt mắt đứng ở bên còn lại.
- Những người không bị bịt mắt sẽ đưa ra hướng dẫn để đồng đội của mình đi về đích mà không chạm vào chướng ngại vật đã được sắp đặt trên đường đi.
- Sau khi một cặp hoàn thành lộ trình, hai thành viên sẽ đổi vai trò cho nhau. Đội nào hoàn thành trong thời gian ngắn nhất sẽ thắng cuộc.
Rút kinh nghiệm sau khi chơi
Cả nhóm cùng chia sẻ suy nghĩ và cảm giác của mình khi tham gia trò chơi. Là một người dẫn dắt nhóm, bạn có thể đặt câu hỏi theo các ý sau:
- Mỗi cặp đã giao tiếp với nhau như thế nào để có thể dẫn dắt bạn mình về đích?
- Khi một người bị bịt mắt, thành viên đó đã phải tự điều chỉnh suy nghĩ và khả năng nghe hiểu, giao tiếp của mình như thế nào để kết hợp tốt với bạn chơi và tránh được các trở ngại?
2. Lập đội
Mục tiêu
Trong hoạt động này, các thành viên tham gia phải nhanh chóng lập thành các nhóm nhỏ dựa trên yêu cầu mà người hướng dẫn đưa ra. Trò chơi này không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp mà còn thúc đẩy khả năng tư duy, phản xạ nhanh của từng thành viên.
Thời gian: 15 phút.
Cách chơi
- Người tham gia sẽ phải nhanh chóng lập thành một đội thỏa mãn các tiêu chí mà người hướng dẫn đưa ra. Ví dụ: lập một đội gồm những người mặc áo có màu giống nhau/yêu thích cùng thể loại nhạc.
- Người hướng dẫn hô to các miêu tả. Sau khi hoàn thành, mỗi đội có thể hô to hoặc cùng ngồi xuống để báo hiệu .
- Luôn thúc đẩy mọi thành viên tham gia tích cực và lập thành đội nhanh nhất có thể. Lặp lại hoạt động này nhiều lần với các chỉ dẫn đa dạng, gây hứng thú.
Rút kinh nghiệm sau khi chơi
- Mỗi thành viên nêu ý kiến cá nhân về việc giúp rèn luyện và nâng cao kỹ năng giao tiếp thông qua trò chơi.
- Các thành viên đã học được những gì từ trò chơi để trở nên cởi mở hơn với mọi người?
- Trò chơi đã giúp cải thiện kỹ năng gì để tăng hiệu quả công việc trong tương lai?
3. Hãy chỉ lắng nghe
Mục tiêu
Hoạt động này giúp cho người tham gia có cơ hội được chia sẻ đầy đủ quan điểm của họ về một vấn đề với bạn đồng hành. Người bạn đồng hành chỉ ngồi nghe và sau đó tóm tắt lại quan điểm của đồng đội. Mặc dù lắng nghe là một phần quan trọng của giao tiếp hiệu quả nhưng kỹ năng này lại thường bị bỏ qua trong các hoạt động nhóm. Vì vậy, trò chơi này giúp cho thành viên nhóm thực hành kỹ năng lắng nghe hiệu quả.
Yêu cầu
- Số lượng người tham gia phải chẵn.
- Chuẩn bị những tờ giấy nhỏ ghi các chủ đề riêng biệt cho từng cặp chơi.
Thời gian: 25 – 30 phút.
Cách chơi
- Mỗi cặp cử đại diện bốc thăm chủ đề.
- Các cặp ngồi đối diện nhau. Một người nói về chủ đề đó trong vòng 3 phút, người còn lại chú ý lắng nghe và không bình luận hay tranh luận lại.
- Kết thúc 3 phút, người lắng nghe có 1 phút để tóm tắt lại những ý bạn mình vừa chia sẻ mà không bày tỏ quan điểm đồng ý hay không đồng ý.
- Hai người đổi vai trò cho nhau và lặp lại quy trình trên.
Rút kinh nghiệm sau khi chơi
Chia sẻ với các thành viên trong nhóm cảm nhận của bạn về trò chơi này. Có thể nêu ra câu hỏi với các ý sau:
- Người nói cảm nhận như thế nào về khả năng lắng nghe của bạn mình? Ngôn ngữ cơ thể của người lắng nghe đã diễn tả được cảm nhận của họ về những điều được chia sẻ hay chưa?
- Người nghe cảm nhận như thế nào về việc họ không thể bày tỏ quan điểm cá nhân về chủ đề được nói tới? Cả hai người đã cùng giữ "tinh thần mở" trong suốt quá trình như thế nào?
- Người nghe đã tóm tắt như thế nào các ý của người nói? Hai người có hiểu nhau hơn sau hoạt động này?
- Họ có thể áp dụng bài học gì từ hoạt động này vào công việc thực tế?
Bằng các trò chơi thực tế, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện được kỹ năng giao tiếp và có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các đồng nghiệp. Từ đó, việc truyền đạt thông tin giữa các thành viên trong một nhóm sẽ đạt hiệu quả cao hơn giúp gia tăng chất lượng công việc.
[INLINE_FORM]
Thủy Tiên (Tổng hợp)