Tại chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019" với sự tham dự của hơn 2.000 học sinh và giáo viên kỳ cựu vừa qua, báo Người Lao Động đã tổ chức talkshow mang chủ đề: "Nhận định đề thi THPT quốc gia 2019, bí quyết đạt điểm cao". Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và luyện thi, các thầy cô đã chia sẻ những bí kíp quý giá nhằm giúp học sinh tự tin hơn khi mà kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp "tới chân".
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Đề thi chú trọng vào tính vận dụng
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần hơn bao giờ hết và hiện có rất nhiều thí sinh quan tâm đến độ khó cũng như những đổi mới của đề thi năm nay. Theo thạc sĩ Huỳnh Thị Hoàng Dung – Trưởng Khoa Cơ bản trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, nếu so sánh đề thi minh họa 2019 với đề thi chính thức 2018 thì phạm vi kiến thức tập trung ở lớp 12 lên đến 90%, tăng 10% so với năm 2018, kiến thức lớp 10 và 11 khoảng 10%.
Cấu trúc của đề thi hiện được chia làm 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. 2 điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa đề thi minh họa 2019 và đề thi chính thức 2018 nằm ở mức độ thông hiểu, tỉ lệ câu hỏi tăng lên 30% trong khi năm 2018 chỉ 20%.
Theo cô Dung, đề thi năm 2019 sẽ không quá tập trung mà rải đều ở các cấp độ nhận thức. Các câu hỏi liên hệ thực tiễn, đối với môn Toán, sẽ có khoảng 2-3 câu liên quan đến tính thể tích, lãi suất ngân hàng, tính giá thành, cũng có thể có câu hỏi về liên kết vật lý và toán đặc biệt…
Đối với đề thi môn Ngữ văn, thầy Lê Duy Tân – giáo viên Ngữ văn trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho rằng, cách thức và xu hướng ra đề những năm gần đây thường xuyên kiểm tra về kiến thức sách vở lẫn sự am hiểu về các vấn đề trong cuộc sống của thí sinh. Những vấn đề được đặt ra trong đề văn ngày càng gần gũi và gắn bó với cuộc sống, đặc biệt trong 3 năm 2016, 2017, 2018 được đánh giá rất cao về tính thời sự.
Đề thi năm nay sẽ chú trọng vào tính thực tiễn và khả năng vận dụng kiến thức của thí sinh (Nguồn: letspro)
Thầy Tân cho biết thêm, đề thi môn Ngữ văn năm nay sẽ vẫn có 3 phần như mọi năm: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung câu hỏi xoáy sâu vào kỹ năng đọc hiểu, cắt nghĩa, lý giải văn bản.
Bài văn 600 chữ như năm 2016 sẽ bị rút ngắn chỉ còn 200 chữ. Thầy Tân nhận định, trong 200 chữ rất khó để biểu đạt nội dung phong phú nên yêu cầu của đề ngoài việc thí sinh phải có khả năng nắm kiến thức tốt mà còn phải có kỹ năng diễn đạt mới mong đạt được số điểm cao.
Chia sẻ và lưu ý của chuyên gia
Trước những câu hỏi về việc liệu chủ đề nào của cuộc sống trong thời gian gần đây sẽ được đề cập tại đề thi môn Ngữ văn năm nay, thầy Lê Duy Tân nhận định đề thi sẽ đề cập những vấn đề cơ bản như lòng tự trọng, cách ứng xử của mỗi cá nhân (trong cuộc sống, trên mạng xã hội...), bảo vệ môi trường, tinh thần phấn đấu… chứ không đi vào những vấn đề có tính nhất thời.
Để đạt kết quả tốt phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, các thí sinh cần lưu ý những từ khóa chính và lệnh đề được đưa ra rõ ràng trong câu hỏi. Ví dụ nếu đề cho 1 đoạn thơ và hỏi rằng: "Anh/chị nhận thức được điều gì về cảm xúc của tác giả?", thì từ khóa mà các bạn cần tập trung là "cảm xúc của tác giả" để đưa ra hướng triển khai chính xác và phù hợp với lệnh đề "nhận thức được gì".
Thí sinh cần tập trung đọc kỹ yêu cầu của đề để tránh mất điểm đáng tiếc (Nguồn: iuhers)
Thí sinh nên đọc kỹ số lượng yêu cầu trong câu hỏi, ví dụ: "Anh/chị có đồng tình với ý kiến được đưa ra trong bài viết hay không? Vì sao?". Câu này có 2 vế, thứ nhất là có đồng tình không, thứ 2 là vì sao. "Đây là những vấn đề lặt vặt, thí sinh biết nhưng đôi khi lại bỏ qua khiến mất điểm rất uổng" – thầy Tân lưu ý.
Đối với môn Toán cũng như các bài thi Khoa học tự nhiên khác, theo thạc sĩ Huỳnh Thị Hoàng Dung, để đạt được điểm như nguyện vọng thì thí sinh buộc phải nằm lòng các quy tắc như: đọc kỹ đề, câu dẫn đề, không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi và bỏ qua những câu hỏi khó để quay lại khi có thời gian.
"Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh thường mắc sai lầm là dồn hết sức cho môn thi đầu khiến môn thi cuối bị đuối sức. Do vậy, các thí sinh cần phân bổ tốt sức khỏe cho 3 môn trong bài thi tổ hợp" – cô Dung lưu ý.
Cô Bùi Thị Kiều – giáo viên tâm lý, hướng nghiệp trường THPT Marie Curie (TP.HCM), khuyên thí sinh cần giữ sức khỏe, không thay đổi giấc ngủ và tránh học dồn 1 môn mà nên học xen kẽ giữa các môn để tránh tạo ra sự nhàm chán cũng như đạt hiệu quả cao trong kỳ thi sắp tới. Trước kỳ thi, các bạn cần ghi những khó khăn, khuất tất ra giấy để có thể tiện trao đổi với thầy cô, bạn bè.
Lắng nghe những chia sẻ, hướng dẫn của thầy cô sẽ giúp bạn có tâm thế tốt hơn khi đi thi (Nguồn: baomoi)
Thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ còn tính bằng ngày và đây là giai đoạn then chốt để các bạn hoàn tất những công tác chuẩn bị cuối cùng. Edu2Review xin chúc bạn có 1 kỳ thi thật thành công và sớm hoàn thành giấc mơ đặt chân vào trường đại học mong muốn.
Anh Duy (Tổng hợp)