Để trả lời được cho câu hỏi hướng nghiệp cùng MBTI hay John Holland tốt hơn, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ tính chất và mục tiêu của hai bài trắc nghiệm này.
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Đôi nét về trắc nghiệm tính cách MBTI
MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là bài trắc nghiệm về tính cách do Katharine Cook Briggs và con gái của bà – Isabel Briggs Myers thiết lập dựa trên các nghiên cứu của nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Đây là bài trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi trên toàn thể giới. Chỉ tính riêng nước Mỹ, có khoảng hơn hai triệu lượt người tham gia làm trắc nghiệm tính cách MBTI mỗi năm.
Theo nguyên lý của nhà tâm lý học Carl Jung, tính cách con người có thể phân loại dựa trên 3 tiêu chí: Xu hướng tự nhiên: Extraverted (Hướng ngoại)/ Introverted (Hướng nội); Tìm hiểu và nhận thức thế giới: Sensation (Giác quan)/ Intuition (Trực giác); Quyết định và chọn lựa: Thinking (Lý trí)/ Feeling (Tình cảm). Sau đó, Briggs và Myers đã bổ sung tiêu chí thứ tư: Cách thức hành động: Judging (Nguyên tắc)/ Perceiving (Linh hoạt).
Dựa trên 4 tiêu chí trên đây, MBTI đã phân loại tính cách của con người thành 16 nhóm khác nhau. Mỗi người sau khi hoàn thành trắc nghiệm MBTI sẽ xác định được mình thuộc nhóm nào trong 16 nhóm tính cách đó.
MBTI là 1 công cụ hỗ trợ nhận dạng giúp khám phá bản thân và người khác thông qua việc:
- Nhận ra sức mạnh tự nhiên của mỗi người và tìm cách để sử dụng chúng.
- Nhận thức các điểm yếu hoặc những thách thức đối với bạn.
- Nhận định các ưu điểm, năng lực của một người.
Để xác định những điều trên, câu hỏi trong bài trắc nghiệm MBTI thường có dạng đặt người ta vào một tình huống cụ thể rồi đưa ra các đáp án miêu tả chính xác hành động hay cảm nhận mà người ta có xu hướng thực hiện. Ví dụ:
1. Hầu hết người khác nói bạn là:
- một người rất cởi mở
- hoặc một người khép kín?
2. Trong những buổi họp mặt đông người, bạn thường thấy
- dễ dàng để nói chuyện với hầu hết mọi người
- hoặc khó khăn để bắt chuyện và chỉ nói chuyện riêng với một vài người?
3. Bạn có thể kéo dài câu chuyện
- với hầu hết mọi người
- hay chỉ với những người chia sẻ với bạn những điều bạn quan tâm
Đôi nét về trắc nghiệm hướng nghiệp John Holland
Bài trắc nghiệm hướng nghiệp này mang tên của tiến sỹ tâm lý học nổi tiếng John Holland – người đặt ra cơ sở lý thuyết để phát triển bài trắc nghiệm này. Trắc nghiệm John Holland giúp người ta phát hiện các kiểu người trội nhất đang tiềm ẩn trong con người mình để tự định hướng khi lựa chọn nghề.
Trên cơ sở lý luận của mình, John Holland tóm tắt tính cách của con người và môi trường làm việc thành 6 nhóm: Realistic (R), Investigative (I), Artistic (A), Social (S), Enterprising (E) và Conventional (C).
Nhờ trắc nghiệm John Holland, người ta sẽ có được sự định hướng đối với thế giới công việc. Đồng thời, bài trắc nghiệm cũng cung cấp những cách thức hữu ích về môi trường làm việc phù hợp với từng nhóm người.
Các câu hỏi trong bài trắc nghiệm John Holland có dạng đưa ra một nhận định cụ thể, các câu trả lời mang tính ước tính về tần suất, nhiệm vụ của người làm trắc nghiệm là chọn câu trả lời đúng với bản thân mình nhất. Dưới đây là một số ví dụ từ trắc nghiệm John Holland:
1. Tôi có tính tự lập, suy nghĩ đơn giản, thực tế
- Chưa bao giờ đúng (0)
- Đúng trong một vài trường hợp (1)
- Đúng trong khoảng một nửa trường hợp (2)
- Đúng trong đa số các trường hợp (3)
- Đúng trong tất cả các trường hợp (4)
2. Tôi thích học những môn học về Kỹ thuật, công nghệ
- Chưa bao giờ đúng (0)
- Đúng trong một vài trường hợp (1)
- Đúng trong khoảng một nửa trường hợp (2)
- Đúng trong đa số các trường hợp (3)
- Đúng trong tất cả các trường hợp (4)
Vậy hướng nghiệp cùng MBTI hay John Holland tốt hơn? Câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích của chính bạn. Bạn cũng có thể làm cả 2, tuy nhiên để có kết quả trắc nghiệm chính xác thì thời gian làm trắc nghiệm nên cách nhau 3 tuần.
Mai Trâm (Theo lichkhaigiang)
Nguồn hình ảnh: Pexels