Học tiếng Nhật như thế nào cho hiệu quả? Người mới bắt đầu nên ôn luyện từ đâu? Mất bao lâu để có thể đạt được mục tiêu mong muốn? Để tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi này, điều bạn cần làm là hãy xây dựng một lộ trình học tiếng Nhật cụ thể và phù hợp với bản thân. Nếu bạn muốn tìm hiểu trình tự thiết lập ra sao thì hãy cùng Edu2Review tham khảo những thông tin hữu ích sau đây.
Xem ngay bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Điều quan trọng đầu tiên là hãy xác định mục tiêu học tiếng Nhật của mình
Để xây dựng một lộ trình học tiếng Nhật hiệu quả, trước hết, bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
- Học tiếng Nhật để làm gì? Để làm giàu giá trị bản thân bằng một kho tàng kiến thức mới hay phục vụ cho mục đích du học, làm việc tại xứ sở hoa anh đào?
- Bạn có thực sự đam mê và quyết tâm chinh phục ngôn ngữ Nhật?
Sau khi đã xác định được điểm dừng chân mà bản thân mong muốn, việc bạn cần làm tiếp theo là lên kế hoạch học tập thật cụ thể và rõ ràng cho riêng mình. Vậy rèn luyện tiếng Nhật nên bắt đầu từ đâu?
Để đánh giá năng lực tiếng Nhật của người học, Hiệp hội và các tổ chức giáo dục tại Nhật Bản đã lấy chứng chỉ JLPT làm thước đo chung với 5 cấp độ N tương ứng. Thông thường, tiếng Nhật được phân chia thành 4 cấp độ chính: cơ bản, sơ cấp (N5, N4), trung cấp (N3) và cao cấp (N2, N1).
Mục tiêu học tiếng Nhật của bạn là gì? (Nguồn: Toanbds)
Lộ trình học tiếng Nhật: Khởi đầu từ con số 0
Tiếng Nhật có đến 3 bảng chữ cái thông dụng, gồm: Hiragana, Katakana và Kanji. Trong đó, Hiragana là loại chữ đầu tiên được chính phủ Nhật Bản sử dụng để dạy cho các em học sinh tiểu học và cũng là loại chữ "mềm" thông dụng nhất. Nếu Hiragana tạo cho người học một cảm giác mềm mại qua những nét cong uốn lượn thì với các nét thẳng, gấp khúc, Katakana thường mang đến sự cứng cáp và vững chắc hơn.
2 bảng chữ này đều chứa 46 ký tự, âm đơn giản và chỉ có một cách đọc duy nhất. Các ký tự trong bảng được chia thành 11 cột theo trình tự từ phải qua trái như sau: cột nguyên âm, cột "k", cột "s", cột "t", cột "n", cột "h", cột "m", cột "y", cột "r", cột "w" và cột "ん" (n) – phụ âm duy nhất trong tiếng Nhật.
Khi học, bạn nên bắt đầu từ bảng Hiragana, sau đó mới chuyển sang làm quen chữ Katakana. Vì cả 2 bảng đều có phát âm giống nhau nên trong quá trình luyện bảng Katakana, bạn chỉ cần ghi nhớ mặt chữ.
Hiragana và Katakana là 2 bảng chữ cái tiếng Nhật thông dụng (Nguồn: Yoko)
Sau khi đã luyện xong Hiragana và Katakana, Kanji chính là chặng đường chinh phục kế tiếp của bạn. Các chữ trong đây đều ở dạng tượng hình, mô phỏng hiện tượng thiên nhiên, sự vật và sự việc trong cuộc sống. Kanji được đánh giá là khó học nhất trong 3 bảng chữ cái tiếng Nhật, vì tùy theo ngữ cảnh mà các chữ sẽ có cách phát âm khác nhau.
Mỗi Hán tự đều được cấu thành từ 2 phần chính: phần bộ và phần âm. Có tới 214 bộ thủ trong tiếng Nhật nhưng chỉ có 50 bộ là được sử dụng nhiều nhất. Do đó, để học chữ Kanji nhanh và dễ dàng, bạn chỉ cần nắm chắc 50 bộ thủ thông dụng này.
Lộ trình học tiếng Nhật sơ cấp: Hành trình chinh phục kỳ thi N5, N4
Sau khi đã học xong các bảng chữ cái, bạn sẽ bắt đầu bước vào hành trình chinh phục tiếng Nhật sơ cấp, để hướng tới 2 cấp độ thi JLPT thấp nhất N5 và N4. Trong giai đoạn này, bạn nên "đi chậm mà chắc" để nắm vững kiến thức nền tảng, làm "bàn đạp" cho việc ôn luyện các cấp độ JLPT cao hơn sau này. 4 – 5 tháng có lẽ là khoảng thời gian hợp lý để bạn hoàn thành 50 bài học sơ cấp trong cuốn giáo trình Minna no Nihongo.
Ở giai đoạn N5, bạn sẽ học 25 bài Minna đầu tiên, tích lũy gần 700 từ vựng, 150 chữ Kanji và những mẫu ngữ pháp tiếng Nhật cơ bản. Trong khi đó, kiến thức N4 sẽ được cung cấp trong 25 bài Minna kế tiếp, giúp bạn biết thêm 3.000 từ vựng, 350 chữ Kanji và hàng loạt chủ điểm ngữ pháp khác.
Bộ giáo trình Minna no Nihongo sẽ đồng hành cùng bạn trong việc luyện tiếng Nhật sơ cấp (Nguồn: aminoapps)
Lộ trình học tiếng Nhật trung cấp: Làm thế nào để lấy được chứng chỉ JLPT N3?
Với lộ trình này, bạn sẽ không còn luyện tập với quyển giáo trình Minna no Nihongo, mà thay vào đó là sử dụng kết hợp 3 bộ Shinkanzen Master, Speed Master và Somatome. Bộ tài liệu tổng hợp này sẽ cung cấp cho bạn hơn 5.000 từ vựng từ N5 đến N3, 750 chữ Kanji và 250 mẫu ngữ pháp, đáp ứng đầy đủ kiến thức N3 cần thiết.
Đặc biệt, ở cấp độ N3, bạn cần tăng cường rèn luyện 2 kỹ năng nghe – nói, đồng thời nâng cao khả năng giao tiếp của mình. Bài hát, phim ảnh hay các buổi talkshow bằng tiếng Nhật chính là những công cụ hỗ trợ cần thiết, giúp bạn ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp nhanh và kỹ càng cũng như cải thiện tốc độ phản xạ trong giao tiếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập luyện cùng thầy cô và bạn bè tại các trung tâm tiếng Nhật hay những câu lạc bộ Nhật ngữ.
Lộ trình chinh phục tiếng Nhật cao cấp N2, N1
Nếu muốn đạt trình độ tiếng Nhật N2 thì bạn cần nắm vững khoảng 6.000 từ vựng, 1.000 chữ Kanji và nhiều chủ điểm ngữ pháp quan trọng khác. Đặc biệt hơn là kỹ năng nghe của bạn phải nằm ở mức độ trung cấp. Trong khi đó, kiến thức N1 gồm: gần 10.000 từ vựng, 2.000 Hán tự cùng các cấu trúc ngữ pháp nâng cao.
Tương tự như chinh phục JLPT N3, bộ giáo trình ôn luyện N2, N1 cũng khá đa dạng, bao gồm: Somatome, Mimi Kara Oboeru, Speed Master, Shinkanzen Master cùng với những sách luyện đề thi thử.
- Để tăng cường ngữ pháp hiệu quả, bạn nên chọn Shinkanzen Master Bunpou hoặc Somatome Bunpou. Trong đó, Shinkanzen Master Bunpou được nhiều người học đánh giá cao hơn vì có nội dung trình bày chi tiết và cụ thể.
- Shinkanzen Master Goi, Speed Master Goi là 2 tài liệu mà bạn nên cân nhắc khi mở rộng từ vựng, chuẩn bị cho kỳ thi JLPT sắp tới.
- Nếu bạn đang muốn tìm tài liệu luyện Kanji thì đừng bỏ qua Shinkanzen Master Kanji và Soumatome Kanji. Quyển Shinkanzen Master Kanji được thiết kế một cách có hệ thống, giúp bạn từng bước ôn luyện Hán tự hiệu quả và Soumatome Kanji thích hợp cho những bạn không có nhiều thời gian học tập.
- Mimi Kara Oboeru, Speed Master là 2 bộ tài liệu hữu ích giúp bạn rèn luyện 2 kỹ năng quan trọng: đọc hiểu và nghe hiểu.
Để chinh phục JLPT N2, không thể thiếu bộ giáo trình Somatome (Nguồn: 5giay)
Cần phải học tiếng Nhật bao lâu để có thể thi được JLPT?
Lộ trình học tiếng Nhật chỉ được xem là hoàn hảo khi có đủ cột mốc thời gian. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Giáo dục Quốc tế Nhật Bản, thông thường, để đạt được chứng chỉ JLPT, bạn thường mất:
- Thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật N5: gần 2,5 tháng (150 giờ)
- Thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật N4: gần 5 tháng (300 giờ)
- Thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật N3: gần 7,5 tháng (450 giờ)
- Thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật N2: gần 10 tháng (600 giờ)
- Thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật N1: gần 15 tháng (900 giờ)
Trên đây chỉ là cách tính tương đối. Vì trong thực tế, tùy theo năng lực học tập của mỗi bạn mà thời gian ôn luyện sẽ khác nhau. Có nhiều bạn phải bỏ ra thời lượng gấp 2, gấp 3 lần để chinh phục các kỳ thi tiếng Nhật cao cấp JLPT N2, N1, trong khi những bạn khác có thể rút ngắn quá trình học tập của mình bằng lộ trình cấp tốc cùng quyết tâm cao độ.
Cần bao nhiêu thời gian để ôn luyện JLPT? (Nguồn: pakutaso)
Khi đã xác định được mục tiêu, có một lộ trình học tiếng Nhật cụ thể, rõ ràng cùng sự quyết tâm cao độ thì dù cho xuất phát điểm ở đâu, bạn vẫn dễ dàng chạm tới đích đến mong muốn của mình.
Minh Thư (Theo Du học Kokono)