Trong ngành báo chí, có rất nhiều vị trí làm việc và bạn có thể tham khảo công việc của một biên tập viên. Nếu muốn thử sức ở vị trí biên tập viên (BTV), dưới đây là những kỹ năng biên tập báo chí mà bạn cần trang bị và hoàn thiện cho mình để không bỡ ngỡ khi bước chân vào nghề.
Kỹ năng chỉnh sửa bài viết
Một bài viết muốn đạt chất lượng tốt cần phải đáp ứng được các yêu cầu về cấu trúc câu hoàn chỉnh, lời văn trau chuốt, ý văn rõ ràng, nội dung bài logic, đầy đủ, hấp dẫn... Để có được một bài viết đạt chuẩn như vậy, đòi hỏi người biên tập viên phải có khả năng "bới lông tìm vết", diễn đạt ý sao cho người đọc dễ dàng nắm bắt mà câu văn không bị lủng củng, trùng lặp. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không hề đơn giản. Và đây chính là kỹ năng biên tập báo chí đầu tiên mà bạn cần rèn luyện.
Khả năng ngôn từ
Công việc liên quan đến con chữ nên khả năng ngôn từ là điều không thể thiếu của một biên tập viên. Sức mạnh của ngôn từ được coi là trợ thủ đắc lực của người làm biên tập, là cơ sở để bạn hoàn thiện kỹ năng chỉnh sửa bài viết đã nói ở trên. Khả năng ngôn từ tốt sẽ hỗ trợ bạn trong việc diễn đạt rõ ràng ý tưởng hay toàn bộ nội dung một bài viết. Ngoài ra, người biên tập cũng cần kết hợp thêm các kỹ năng mềm như lắng nghe, quan sát để giúp thể hiện quan điểm tốt hơn thông qua các bài viết của mình.

Viết lách tốt là một trong những kỹ năng biên tập báo chí căn bản (Nguồn: brightowlcopywriting)
Khả năng ngữ pháp và chính tả
Lỗi chính tả, ngữ pháp là một trong những lỗi phổ biến mà các biên tập viên hay mắc phải. Xong đây lại là một lỗi "đại tối kỵ", chỉ một sai sót ngữ pháp nhỏ cũng có thể khiến độc giả hiểu nhầm nội dung của bài viết. Khi nhìn vào một bài viết dính lỗi chính tả, độc giả có thể đánh giá người viết và cả uy tín của tờ báo.
Tỉ mỉ, cẩn thận
Công việc biên tập viên chắc chắn không dành cho người không biết kiên trì và cẩu thả. Nhiệm vụ của một biên tập viên là nhặt sạn và sửa lỗi bài viết sao cho bài viết chỉn chu và đạt chất lượng tốt nhất. Nếu không cẩn thận, tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết thì không thể hoàn thành tốt công việc. Do đó, kỹ năng biên tập báo chí quan trọng mà bạn cần rèn luyện tiếp theo đó chính là khả năng tập trung, kiên nhẫn và tỉ mỉ.

Biên tập viên báo chí không thể làm việc cẩu thả (Nguồn: sangtao88)
Quản lý đội ngũ cộng tác viên
Quản lý con người là một trong những kỹ năng biên tập báo chí quan trọng của một biên tập viên tại tòa soạn. Ngoài việc chỉnh sửa bài viết, công việc của một biên tập viên còn bao gồm cả quản lý đội ngũ nhân sự, giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn trong công việc. Người biên tập cần phải đưa ra các nhận xét, đánh giá khách quan về hạn chế, điểm yếu của mỗi người để phát triển đội ngũ của mình.
Điều quan trọng là trong quá trình điều phối, tương tác với đội ngũ cộng tác viên, bạn cần khéo léo và tinh tế để giúp họ nhận thức được vấn đề. Do đó, có thể nói quản lý nhân sự cũng là một kỹ năng biên tập báo chí quan trọng.
Trách nhiệm với công việc
Cuối cùng, một biên tập viên phải nhận thức được trách nhiệm với công việc. Trách nhiệm ở đây bao gồm hoàn thành đúng công việc được giao theo tiến độ, biết tiếp thu ý kiến của quản lý và độc giả để hoàn thiện các kỹ năng của mình, mang lại cho độc giả các bài viết chất lượng.
Với những bạn trẻ đam mê viết lách và đang có ý định thử sức với vai trò là một biên tập viên, đừng quên trang bị và bồi dưỡng cho mình những kỹ năng biên tập báo chí mà Edu2Review vừa giới thiệu ở trên. Những kỹ năng này sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trên con đường sự nghiệp phía trước, chúc bạn thành công!
Khuê Lâm (Tổng hợp)