Trong giai đoạn tuyển sinh đại học, trước ngưỡng cửa chọn ngành, nhiều bạn trẻ vẫn thắc mắc về bản chất nghề và dễ nhầm lẫn các vị trí công việc, đặc biệt là ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng thuộc lĩnh vực du lịch. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn phân biệt 2 ngành học này và cung cấp thông tin để bạn có cơ sở lựa chọn phù hợp.
Bảng xếp hạng
các trường đại học tại Việt Nam
3 điểm khác biệt giữa ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng
Bản chất ngành
Ngành Quản trị khách sạn (hoặc Quản lý khách sạn) là ngành học đào tạo về các hoạt động quản lý và tổ chức khách sạn một cách hiệu quả và hợp lý. Cụ thể, người làm công việc này cần lên kế hoạch làm việc chi tiết và khoa học cho từng bộ phận; phân công và đôn đốc nhân viên thực hiện; lập báo cáo kết quả tài chính; đề ra quy tắc quản lý nhân sự; quản lý tỷ lệ phòng đã đặt và phòng trống…
Ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng có bản chất không giống nhau (Nguồn: ezcloud)
Bên cạnh đó, Quản trị nhà hàng (hoặc Quản lý nhà hàng) lại là ngành học chuyên sâu về lĩnh vực nhà hàng, phương diện văn hóa ẩm thực. Công việc của người làm ngành này là quản lý các khâu về ẩm thực của nhà hàng tại các yến tiệc, hội nghị, sự kiện…
Có thể nói, 2 ngành này đều yêu cầu người học sở hữu những tổ chất như năng động, tự tin, kỹ năng giap tiếp tốt, khả năng tổ chức và sắp xếp công việc. Ngoài ra, bạn cũng cần có vốn kiến thức sâu rộng về các nền văn hóa, đặc điểm của con người ở nhiều quốc gia khác nhau. Riêng về đặc thù công việc, ngành Quản trị nhà hàng đòi hỏi người học có thêm sự đam mê, yêu thích khám phá ẩm thực.
Nội dung đào tạo
Vì bản chất của 2 ngành không giống nhau nên chương trình đào tạo cũng có những điểm khác biệt nhất định:
Tiêu chí phân loại |
Quản trị khách sạn |
Quản trị nhà hàng |
Môn học cơ sở |
Tổng quan du lịch và khách sạn, Quản trị du lịch, Tiếp thị du lịch… Quản trị nguồn nhân lực, Thương mại điện tử, Thanh toán quốc tế, Nghiệp vụ lễ tân… |
Nguyên lý kế toán, Dinh dưỡng học, Phương pháp xây dựng khẩu phần thực đơn, Tài chính du lịch… Vệ sinh an toàn thực phẩm, Vi sinh thực phẩm… |
Môn học chuyên ngành |
Quản trị khách sạn và khu nghỉ dưỡng, Quản trị tiền sảnh, Quản trị buồng phòng, Quản trị sự kiện, Quản trị ẩm thực… Hành vi tổ chức, An toàn – vệ sinh trong khách sạn nhà hàng, Quản trị dự án du lịch… |
Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Thương phẩm học hàng thực phẩm, Tâm lý và giao tiếp kinh doanh du lịch, Ứng dụng nghiệp vụ nhà hàng… Lý thuyết chế biến món ăn, Kỹ thuật chế biến các món Á – ÂU – Việt, Kỹ thuật cắt tỉa rau quả, Kỹ thuật chế biến các món bánh Á – Âu và truyền thống Việt Nam… |
Công việc sau khi ra trường
Một trong những yếu tố nhận diện sự khác biệt giữa ngành Quản trị khách sạn với Quản trị nhà hàng là vị trí công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Với hành trang nghề nghiệp vững chắc và vốn kỹ năng, ngoại ngữ nổi trội, cử nhân ngành Quản trị khách sạn có nhiều cơ hội làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước và quốc tế. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể bắt đầu với các vị trí: lễ tân, nhân viên đặt phòng, chăm sóc khách sạn, nhân viên sales, chuyên viên...
Đối với sinh viên ngành Quản trị nhà hàng, sau khi ra trường, bạn có thể đảm nhận công việc ở nhiều vị trí khác nhau, như: chuyên viên tổ chức sự kiện ẩm thực tại các nhà hàng, khách sạn; chuyên viên tư vấn, tổ chức và điều hành tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, chuỗi nhà hàng, trung tâm hội nghị, tiệc cưới...
Từ những vị trí đơn giản ban đầu, trải qua quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức và những kinh nghiệm cần thiết, bạn sẽ có cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn, như: trưởng nhóm, quản lý, giám sát, trưởng bộ phận, giám đốc điều hành... Thời gian thăng tiến nhanh hay chậm phụ sẽ thuộc vào sự nỗ lực của từng người.
Nếu chăm chỉ, bạn có thể thăng tiến trong ngành Nhà hàng – Khách sạn (Nguồn: ezcloud)
Nên học ngành Quản trị khách sạn hay Quản trị nhà hàng?
Việc lựa chọn ngành học nào xuất phát từ mong muốn và định hướng nghề nghiệp của bạn. Nếu yêu thích công việc liên quan đến ẩm thực và định hướng trở thành quản lý nhà hàng, giám đốc F&B (Food and Beverage Service), bạn nên theo học ngành Quản trị nhà hàng. Bên cạnh đó, ngành Quản trị khách sạn sẽ phù hợp cho những bạn trẻ yêu thích dịch vụ lưu trú, đón tiếp, chăm sóc tất các vấn đề liên quan đến khách du lịch hay mong muốn làm việc tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp trong và ngoài nước.
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn thực hành trực tiếp (Nguồn: timviec)
Hậu dịch bệnh COVID-19, du lịch sẽ là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự ưu tiên và đầu tư nhằm phục hồi, nhanh chóng khôi phục hoạt động của ngành công nghiệp "không khói" này. Vì thế, trong tương lai, cả 2 ngành này đều có thể mang đến nhiều việc làm tốt, cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến nghề nghiệp cho bạn.
Các trường đào tạo ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng
Một số trường đại học đào tạo ngành Quản trị khách sạn:
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Đại học FPT
- Khoa Du lịch (Đại học Huế)
- Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng)
- Đại học Kinh tế TP. HCM
- Đại học Kinh tế Tài chính TP. HCM
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH)
Các trường đại học đào tạo ngành Quản trị nhà hàng hệ chính quy:
- Đại học Hạ Long
- Khoa Du lịch (Đại học Huế)
- Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH)
- Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM
- Đại học Công nghiệp TP. HCM
- Đại học Tài chính Marketing
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn tại Đại học Kinh tế Tài chính TP. HCM (Nguồn: UEF)
Mặc dù, giữa 2 ngành có nhiều sự khác biệt về nội dung đào tạo, vị trí công việc nhưng Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng cũng có nhiều điểm tương đồng về kiến thức nền tảng, lĩnh vực làm việc. Điều đó thật sự phù hợp với sinh viên có mong muốn học thêm văn bằng hai để "lấn sân" sang lĩnh vực tương đồng.
Hãy lựa chọn lĩnh vực mình thích để quyết định ngành học phù hợp, bạn nhé!
Anh Thư (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: Booking