Tự học tiếng Anh luôn là 1 bài toán nan giải dành cho người mất căn bản, bởi sự hạn chế về trình độ sẽ khiến việc tiếp thu những kiến thức mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng nếu biết được phương pháp tự học phù hợp với trình độ bản thân, bạn hoàn toàn có thể lĩnh hội tiếng Anh 1 cách bình thường, thậm chí còn vượt xa những gì mà mình mong đợi. Cùng tìm hiểu những cách học tiếng Anh hiệu quả cho người đi làm mất gốc trong bài viết sau.
Xác lập mục tiêu rõ ràng cho việc học tiếng Anh
Dĩ nhiên, bạn không còn là 1 cô/cậu học sinh chỉ học tiếng Anh để đạt mục đích được điểm cao trong bài kiểm tra sắp tới. Bạn cần có những mục tiêu rõ ràng và quan trọng hơn: học tiếng Anh nâng cao cơ hội nghề nghiệp, hoặc chuẩn bị cho kế hoạch định cư lâu dài ở nước ngoài.... Xác định được rõ mục tiêu học tiếng Anh sẽ cho bạn động lực rất lớn bởi tiếng Anh có tầm ảnh hưởng quan trọng đến các dự định trong tương lai.
Hãy lập một kế hoạch rõ ràng và chi tiết cho từng giai đoạn tự học và đặt những mục tiêu cụ thể khả thi. Bạn không nên đặt những mục tiêu quá cao và vội vàng, bởi nếu thất bại, nó sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý và quyết tâm tiếp tục học tiếng Anh của bản thân. Ngược lại, khi hoàn thành được những mục tiêu khả thi, bạn sẽ nhận được sự tự tin cần thiết cho hành trình tự học tiếng Anh trở nên tốt đẹp hơn.
Động lực để học tiếng Anh đòi hỏi bạn phải có một mục đích rõ ràng (Nguồn: Glenn Carstens)
Bắt đầu từ kĩ năng nghe
Có khá nhiều điểm tương đồng khi so sánh giữa 1 đứa trẻ và người mất căn bản khi học tiếng Anh: đều "ngu ngơ" trước những điều mới nhưng luôn sẵn sàng học tập khi có cơ hội.
Cùng nhớ lại khi còn nhỏ, tiếng mẹ đẻ cũng là thứ ngôn ngữ khó nhằn, khi phải mất hơn một năm lắng nghe cha mẹ và mọi người xung quanh nói đi nói lại bên tai trong vô thức, thì chúng ta mới có thể bặp bẹ được vài câu đơn giản. Khoảng thời gian này hơi lâu, nhưng sau đó bạn sẽ thấy bản thân tiếp thu câu từ cực kỳ nhanh và bắt chước y hệt những gì người lớn nói.
Tự học tiếng Anh cũng vậy, khi bạn nghe tiếng Anh càng nhiều, não bộ sẽ quen và có thể phân biệt, phản ứng tốt hơn với âm thanh đó. Bạn có thể tranh thủ những thời gian rảnh như trên đường đi làm, tập thể dục hay vào giờ nghỉ trưa để nghe, xem những đoạn tiếng Anh bất kì. Đó có thể là một bản nhạc, một bộ phim hài hay một bản tin trên BBC, VOA…
Ban đầu chắc chắn sẽ khó khăn nhưng bạn hãy tập thói quen nghe tiếng Anh mỗi ngày, chỉ sau một thời gian, khả năng nghe tiếng Anh của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt. Hãy chọn cho mình những thể loại ưa thích, đừng ép bản thân phải nghe những chủ đề mà mình không quan tâm hoặc không thích, sẽ chỉ như "sấm đánh bên tai" mà thôi.
Hãy luyện tập thói quen nghe mọi thứ như 1 đứa trẻ vì điều đó sẽ giúp bạn tăng phản xạ với tiếng Anh (Nguồn: Florencia Viadana)
Bổ sung từ vựng và ngữ pháp
Đây chính là giai đoạn mà bạn thấy được rõ ràng kết quả học tập của bản thân. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ắt hẳn bạn đã từng nghe qua câu đồng dao: "1 ngày 10 từ, 1 tháng 300 từ, 1 năm 3650 từ", câu này ám chỉ cách học từ vựng hiệu quả được bao thế hệ giáo viên truyền đạt cho học sinh.
Quả không sai, chỉ với 10 từ mỗi ngày thì sau 1 năm, bạn đã trở thành 1 quyển từ điển mini di động. Ngoài ra, để học từ vựng hiệu quả hơn, hãy chú ý sử dụng các từ vừa học vào ngữ cảnh phù hợp, nó không chỉ giúp việc học từ vựng bớt khô khan hơn mà còn tạo cho bạn 1 phản xạ tốt với Anh ngữ.
Về ngữ pháp, bạn nên chú trọng học cấu trúc cho từng ngôi ở dạng khẳng định, phủ định, nghi vấn. Mỗi khi nghe, bạn hãy tự tập cho mình thói quen phân tích: Người ta đang dùng thì nào? Cấu trúc ra sao? Và vì sao lại dùng thì ấy trong hoàn cảnh đang nói? Khi đã hình thành được cho mình thói quen phân tích, ngữ pháp sẽ không còn là mối bận tâm.
Những mẩu giấy ghi chú tuy nhỏ nhưng công dụng thì khổng lồ (Nguồn: Teach Mama)
Luyện tập giao tiếp
1 trong những cách học tiếng Anh hiệu quả không gì khác ngoài việc thường xuyên giao tiếp. Khi bắt đầu, nếu còn chưa tự tin với vốn từ vựng và ngữ pháp của mình, thì bạn hãy tham gia vào các cộng đồng để làm quen, giao lưu với những người bạn ngoại quốc ở trên mạng và trò chuyện với họ thông qua việc chat. Sau một thời gian thấy mọi sự trôi chảy hơn, cần nâng cấp độ khó hơn một chút thì bạn hãy tìm một nơi có người nước ngoài để trò chuyện trực tiếp.
Khi nói tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi vì đó là cơ hội để bạn sửa sai, mà khi sửa sai thì bạn càng nhớ được lâu. Để cuộc trò chuyện với các người bạn nước ngoài diễn ra tốt đẹp hơn, bạn có thể tự luyện tập phát âm tại nhà: đứng trước gương tự nói để tập khẩu hình miệng, thu âm lại giọng đọc của mình và nghe để phát hiện lỗi phát âm, từ đó chỉnh sửa sao cho giống với người bản xứ nhất có thể.
Đừng vì sợ sai mà bỏ qua cơ hội cải thiện khả năng giao tiếp của bản thân (Nguồn: Helena Lopes)
Dù phương pháp có tốt hay phù hợp với bạn đến đâu, nếu thiếu đi sự rèn luyện mỗi ngày, trình độ của bạn vẫn chỉ mãi giậm chân tại chỗ mà thôi. Hãy luôn nhớ rằng, bạn cần học tiếng Anh như 1 đứa trẻ nhưng bằng ý thức và phương pháp của người trưởng thành.
Anh Duy (Tổng hợp)