Hiện nay, ngành Quản trị kinh doanh không những được các bạn học sinh quan tâm mà còn có rất nhiều bậc phụ huynh tìm hiểu và định hướng cho con mình theo ngành này từ những năm cuối cấp. Vậy Quản trị kinh doanh là ngành gì và tại sao lại thu hút sự chú ý của mọi người đến vậy? Cùng Edu2Review tìm hiểu một vài thông tin về ngành này qua bài viết dưới đây nhé!
* Bạn muốn học ngành Kinh tế – Quản lý nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học đào tạo ngành Kinh tế – Quản lý tốt nhất Việt Nam!
Tầm quan trọng của ngành Quản trị kinh doanh
Như chúng ta biết, hoạt động kinh doanh không đơn giản chỉ là bán đi một sản phẩm và thu về lợi nhuận cho mình mà nó là cả một quá trình phức tạp chịu sự chi phối của nhiều điều luật, chiến lược. Doanh nghiệp, công ty muốn phát triển tốt đòi hỏi phải có hoạt động kinh doanh hiệu quả từ việc kiểm soát quá trình kinh doanh, tối ưu hóa hệ thống, tiết kiệm chi phí hay tăng nguồn tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, ngành Quản trị kinh doanh ra đời như một giải pháp giúp các chủ doanh nghiệp, công ty thực hiện những mục tiêu trên một cách hiệu quả hơn.
Ngành Quản trị kinh doanh ra đời để giúp các hoạt động kinh doanh diễn ra tốt hơn (Nguồn: namseo)
Những ai theo học Quản trị kinh doanh đa phần đều được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để trở thành một người quản lý trong tương lai. Có thể nói, hầu hết các chủ doanh nghiệp hoặc doanh nhân thành đạt đều đã từng học hoặc có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, con đường đưa bạn đến thành công trên thị trường kinh doanh ắt hẳn sẽ rất gian nan, thử thách.
Bạn hiểu như thế nào về ngành Quản trị kinh doanh?
Hoạt động Quản trị kinh doanh được thực hiện để đảm bảo tạo ra nguồn lợi nhuận tốt nhất nhằm đưa doanh nghiệp, công ty phát triển vững mạnh và đem lại nhiều giá trị cho xã hội. Vì thế, Quản trị kinh doanh không can thiệp hay quản lý toàn bộ một tổ chức mà nó hướng đến việc thực hiện hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì và phát triển công việc của tổ chức. Những hoạt động có liên quan gồm xây dựng các quy trình, kiểm soát các hoạt động và tối đa hóa hiệu suất để tạo thêm nguồn thu từ việc kinh doanh.
Một đặc điểm quan trọng của Quản trị kinh doanh là đề ra được chiến lược, hoạch định nhằm đưa doanh nghiệp, tổ chức phát triển mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Quản trị kinh doanh còn giúp đề ra chiến lược để doanh nghiệp, công ty có thể duy trì hoạt động hoặc thoát khỏi nguy cơ bị phá sản.
Hoạt động Quản trị kinh doanh giúp đưa ra định hướng phù hợp với doanh nghiệp, công ty (Nguồn: mangduhocuc)
>> Top trường ĐH đào tạo ngành Quản trị kinh doanh tại TP. HCM
Ngoài ra, nhiều người vẫn còn hay nhầm lẫn Quản trị kinh doanh với Quản trị nhân sự nhưng bản chất đây vốn là hai ngành hoàn toàn khác nhau. Quản trị kinh doanh hướng tới công việc kinh doanh của doanh nghiệp, công ty trong khi đó Quản trị nhân sự là công tác quản lý nhân sự trong tổ chức hướng tới đảm bảo quá trình làm việc hiệu quả và các phúc lợi cho nhân viên.
Cơ hội việc làm có tốt không?
Hầu hết các doanh nghiệp, công ty đều thu được lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động kinh doanh. Do đó, cơ hội việc làm đối với ngành Quản trị kinh doanh có thể nói là rất lớn. Với kiến thức chuyên môn, kỹ năng được trau dồi trong những năm đại học, cao đẳng hoặc từ các công việc lớn, nhỏ khác, bạn dễ dàng đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau như: Chuyên viên phòng kinh doanh, marketing, hỗ trợ giao dịch khách hàng, chứng khoán... Bên cạnh đó, sau khi có cơ hội thăng tiến, bạn có thể trở thành giám đốc điều hành, giám đốc tài chính hoặc làm trợ giảng chuyên ngành Quản trị kinh doanh cho các trường đại học, cao đẳng...
Cơ hội việc làm cho bạn sau khi tốt nghiệp Quản trị kinh doanh là rất lớn (Nguồn: Đại học Đông Á)
Hãy yên tâm rằng, học ngành này sau khi ra trường bạn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều công việc khác nhau, vậy nên cơ hội để bạn kiếm được một công việc tốt là rất cao.
Thuận lợi và khó khăn khi "dấn thân" vào nghề Quản trị kinh doanh
- Thuận lợi
Hiện nay, nhu cầu trên thế giới ngày càng tăng, khoa học công nghệ hiện đại thúc đẩy sự phát triển trong công việc sản xuất, kinh doanh. Với thị trường tiềm năng như vậy, bạn có cơ hội rất lớn để nắm giữ một hệ thống quản trị hiệu quả, hoạt động kinh doanh tiến triển tốt và thu về nguồn lợi lớn. Đối với những người đang ở cấp bậc thấp, kinh nghiệm mà bạn tích lũy được trong quá trình làm việc là không hề nhỏ và các vị trí quản lý, lãnh đạo có khả năng cao cũng sẽ “gọi tên” bạn.
- Khó khăn
Những người theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh phải luôn năng động, nhạy bén, tự tin và có khả năng chịu đựng áp lực cũng như sự cạnh tranh trong công việc. Để có thể phát triển và làm việc trong lĩnh vực quản trị kinh doanh đòi hỏi bạn phải am hiểu một lượng kiến thức lớn đủ để hiểu về các điều luật kinh tế, phương pháp quản trị và chiến lược kinh doanh… Bên cạnh đó, bạn luôn phải rèn luyện những kỹ năng chuyên môn cần thiết một cách thường xuyên.
Ngay từ lúc bắt đầu, bạn cần phải hiểu rõ công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Vì vậy, bạn sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi không đạt được mục tiêu, hoạt động kinh doanh trì trệ kéo theo tiến độ làm việc của toàn tổ chức bị ảnh hưởng. Đối với những cử nhân vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, con đường nghề nghiệp hẳn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Công việc đầu tiên có thể chỉ là một nhân viên kinh doanh và bạn phải nỗ lực rất nhiều để làm quen với công việc để không bỏ cuộc giữa chừng.
Những người theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh phải luôn năng động, nhạy bén tự và chịu được áp lực (Nguồn: Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội)
Với những thông tin trên đây, Edu2Review mong rằng những ai đang để mắt tới ngành Quản trị kinh doanh sẽ hiểu rõ hơn bản chất về công việc cũng như thách thức hay cơ hội mà nó mang lại, để từ đó có được quyết định đúng đắn cho tương lai sau này.
Phương Anh (Tổng hợp)