Nếu bạn là người đam mê đọc sách, có khả năng viết lách và cảm thụ tốt thì việc trở thành một chuyên viên biên tập sách hoàn toàn nằm trong tầm tay. Một trong những niềm vui của nghề này là được đọc những bản thảo viết tay của tác giả và khám phá ra những câu chuyện mới mẻ. Bạn có sẵn sàng cho nghề này không và đâu là những kỹ năng biên tập sách bạn cần trang bị để theo đuổi nghề?
Công việc biên tập sách gồm những gì?
Cuốn sách này mang lại những nội dung gì cho độc giả? Nó có gì mới khác biệt so với các tác phẩm tương tự? Đây là những câu hỏi mà một biên tập viên cần phải trả lời. Việc phát hiện những điểm sai sót ở bản thảo cần được sửa chữa hoặc bổ sung để hoàn chỉnh trước khi đưa in là những việc mà người biên tập viên phải xử lý. Với các sách dạng tham khảo, chuyên đề nghiên cứu, công việc biên tập còn phải tìm kiếm đội ngũ tham vấn hoặc tự mình tìm hiểu thêm những kiến thức về lĩnh vực đó để có thể tư vấn, đánh giá và hỗ trợ hoàn thiện tác phẩm cùng tác giả.
Hiện này, hình thức liên kết xuất bản trở nên phổ biến, nhà xuất bản chỉ đứng tên và phụ trách in ấn, còn các công ty sách đảm nhiệm mọi khâu từ lên ý tưởng, liên hệ và làm việc với tác giả đến việc biên tập. Đội ngũ biên tập viên trẻ tuổi được hình thành từ đó. Họ đọc bản thảo và quyết định liệu chúng có nên được xuất bản hay không?
Biên tập viên là công việc phù hợp với các bạn trẻ đam mê đọc sách (Nguồn: theladders)
Những kỹ năng biên tập sách cần có
Điều kiện đầu tiên với một biên tập viên là khả năng ngôn ngữ tốt, bạn phải biết sử dụng từ ngữ, ngữ pháp đúng chuẩn và linh hoạt, bạn cũng cần sở hữu vốn từ rộng và hiểu được các từ cổ, ít được sử dụng cũng như cập nhật những biến thể mới của ngôn ngữ hiện đại. Phần lớn các biên tập viên sách đều có trình độ học đại học trở lên, thường là bằng chuyên ngành ngữ văn hoặc các chuyên ngành thuộc khối xã hội – nhân văn. Ngoài ra, biên tập viên sách cần phải bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ để có thể tiếp cận dễ dàng với kho sách ngoại văn. Hãy tìm đến các trung tâm tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác để có thể nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng viết.
Biên tập viên sách cũng cần có kỹ năng tin học văn phòng tốt để phục vụ cho các tác vụ chỉnh sửa nội dung được thuận tiện hơn. Nếu bạn thành thạo kỹ năng thiết kế đồ họa và biết dàn trang cơ bản sẽ là một điểm cộng lớn.
Kỹ năng thiết kế đồ họa sẽ là một điểm cộng cho người làm biên tập viên ấn phẩm đọc (Nguồn: careerguide)
Để biên tập sách chuyên môn, người biên tập cần có hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó. Ví dụ như khi soát lỗi sách về khoa học kỹ thuật thì cần biết về các thuật ngữ kỹ thuật cơ bản. Những người có kỹ năng biên tập sách tốt sẽ biết cách nhờ đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia cùng lĩnh vực. Khi biên tập các tác phẩm nghệ thuật, bạn phải có độ nhạy cảm ngôn ngữ, hiểu được các ẩn ý nghệ thuật của tác giả... Chúng ta thường thấy những biên tập viên văn chương thường cũng là một nhà văn, nhà thơ.
Ngoài trình độ học vấn, yếu tố không thể không nhắc đến đối với biên tập viên sách là niềm đam mê đọc sách. Nếu bạn đam mê đọc thì bạn sẽ có khả năng cảm thụ nhất định về nội dung của tác phẩm từ đó nâng cao kỹ năng biên tập sách.
Việc biên tập ở các công ty thường được làm theo nhóm, nhờ vậy, bạn sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nhưng cũng dễ nảy sinh bất đồng do các bạn trẻ thường đề cao "cái tôi" cá nhân. Để hạn chế điều này các bạn nên rèn luyện kỹ năng lắng nghe và kỹ năng làm việc nhóm.
Làm việc nhóm cần có kỹ năng (Nguồn: sap)
Để có thể làm việc tốt với các tác giả, kỹ năng biên tập sách tiếp theo mà bạn cần lưu ý là kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức, kỹ năng giao tiếp, đàm phán, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Một cuốn sách hay có thể xuất bản sẽ phải trải qua nhiều khâu hậu kỳ, việc chỉnh sửa sẽ mất nhiều thời gian nên bạn cần có các kế hoạch dự trù phù hợp. Đồng thời, “cái tôi” của các tác giả khá cao và đôi khi bạn cần thuyết phục thông qua kỹ năng giao tiếp, đàm phán. Các sự cố phát sinh sẽ cần đến khả năng giải quyết vấn đề nhanh nhạy của bạn.
Học nghề biên tập sách ở đâu?
Người chọn nghề, nghề chọn người, không nhất thiết là bạn phải học chuyên ngành Ngữ văn thì mới có thể trở thành một biên tập viên sách. Miễn là bạn có những kỹ năng biên tập sách tốt thì đây sẽ là một ước mơ trong tầm với. Tuy nhiên, các nhân sự trong ngành biên tập sách thường tốt nghiệp các ngành Ngữ văn và các chuyên ngành ngoại ngữ, xã hội – nhân văn ở các trường sau:
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Địa chỉ: 36 Xuân Thuỷ, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- Viện Ngôn ngữ học
Địa chỉ: 36 Hàng Chuối, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
- ĐH KHXH&NV Hà Nội
Địa chỉ: 144 Xuân Thủy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- ĐH Sư phạm Hà Nội
Địa chỉ: Nhà B, 136 Xuân Thủy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- ĐH KHXH&NV TP.HCM
Địa chỉ: 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
- ĐH Văn Hiến
Địa chỉ: A2 đường D2, P.25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
- ĐH Văn Hóa TP.HCM
Địa chỉ: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM
- ĐH Mở TP.HCM
Địa chỉ: 97 Võ Văn Tần, P.6, Q.3, TP.HCM
Hi vọng những kỹ năng biên tập sách được trình bày trên đây sẽ giúp bạn hoàn thiện mình và mở ra cơ hội công việc trong lĩnh vực này. Chúc bạn thành công!
Khuê Lâm (Tổng hợp)