Tìm hiểu về những phương pháp giáo dục sớm cho trẻ là việc cần làm của bất kỳ ông bố bà mẹ nào có con nhỏ. Ngoài những phương pháp giáo dục truyền thống, ngày nay, phụ huynh có sự lựa chọn đa dạng hơn trong việc tìm trường cho trẻ. Nổi bật hiện nay có thể kể đến phương pháp Reggio Emilia, STEAM, Montessori… Trong đó, Montessori dường như phổ biến hơn hết khi có nhiều trường mầm non đặt tên theo phương pháp này.
Phương pháp Montessori là gì?
Montessori là phương pháp giáo dục được đặt tên theo của bác sĩ và nhà giáo dục Maria Montessori (1870 – 1952). Bà là nữ bác sĩ đầu tiên của nước Ý. Năm 1907, bà bắt đầu sự nghiệp giáo dục khi được mời tổ chức 1 trường học trong khu tái định cư nghèo khu vực San Lorenzo. Trong giai đoạn này, bà đã quan sát và nhận thấy rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Đây là nền tảng ra đời của phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác Montessori.
Tiến sĩ Maria Montessori bên trẻ em (Nguồn: iKidz)
Phương pháp giáo dục Montessori chú trọng vào khai thác tiềm năng sẵn có, không áp đặt, chỉ quan sát, đưa ra gợi ý và hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ vì bản thân mỗi bé từ khi sinh ra đã có khả năng tự học tuyệt vời. Nếu người lớn áp đặt, định hướng nhiều quá sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có. Do đó cần tạo môi trường, không gian cho trẻ em tự trải nghiệm, khám phá để tự bản thân làm được nhiều điều hơn, phát huy khả năng tự học.
Ưu điểm của phương pháp Montessori
Khác với giáo dục truyền thống, dạy trẻ theo phương pháp Montessori đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tính chủ động, tự lập và khơi gợi tiềm năng cũng như định hình nhân cách. Học sinh được tự do tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh theo mong muốn. Giáo viên lúc này chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn. Trẻ học cách tự chăm sóc bản thân từ việc nhỏ nhất như rửa tay, thay quần áo, sắp xếp đồ dùng học tập ngăn nắp… thay vì nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn.
Giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn trẻ trong phương pháp giáo dục này (Nguồn: Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori)
Phương pháp giáo dục sớm Montessori tập trung giảng dạy 5 lĩnh vực sau: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Ngôn ngữ, Toán học, Văn hóa (bao gồm Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Nghệ thuật) và vận động bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất. Trẻ lĩnh hội kiến thức thông qua học cụ được thiết kế riêng biệt dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là tiền đề tốt để phát huy trí thông minh và tiếp nhận kiến thức trong các giai đoạn phát triển sau này.
Kết quả mà phương pháp Montessori mang lại cho trẻ chính là khả năng tự lập, ham học hỏi, yêu quý môi trường sống và giàu kiến thức. Học sinh hoạt bát hơn, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người và có thể tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, trẻ sẽ luôn muốn tìm tòi, học hỏi điều mới với khả năng nhớ và tiếp thu kiến thức nhanh chóng.
Trẻ được dạy những gì từ phương pháp Montessori?
Thông thường, phương pháp Montessori sẽ chia trẻ thành 4 nhóm, bao gồm:
- Sơ sinh: 0 – 3 tuổi
- Mầm non: 3 – 6 tuổi
- Tiểu học/THCS: 6 – 9 tuổi/9 – 12 tuổi
- Thanh thiếu niên: 12 – 18 tuổi
Tuy nhiên, phương pháp này cho phép 1 nhóm tuổi trộn lẫn, nơi những em nhỏ sẽ học hỏi từ các học sinh lớn tuổi hơn.
Lớp học Montessori cho trẻ tự do hoạt động (Nguồn: Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori)
Tất cả nhóm tuổi đều tiếp thu kiến thức dựa trên khả năng học tập, độ tuổi cũng như các hoạt động đã chọn của học sinh. Chương trình học Montessori theo từng độ tuổi như sau:
- Trẻ 0 – 3 tuổi: Nhấn mạnh các giáo lý về kỹ năng vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ và các hoạt động phối hợp. Những hoạt động này nhằm xây dựng sự tự tin, thúc đẩy lòng tin và giúp trẻ tự lập.
- Trẻ 3 – 6 tuổi: Học sinh được khuyến khích học tập bằng nhiều loại tài liệu để nâng cao hiểu biết về toán học và ngôn ngữ. Trẻ cũng được hướng dẫn về sự tôn trọng, các kỹ năng giao tiếp và mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
- Học sinh 6 – 9 tuổi/9 – 12 tuổi: Đây là giai đoạn nâng cao kiến thức. Trẻ được tạo cơ hội để khám phá, học tập dưới sự dẫn dắt từ giáo viên. Các em phát triển sự tự tin và hiểu rõ hơn vai trò của mình trong cộng đồng và thế giới.
- Thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi: Ngoài các môn học chính khóa, học sinh được dạy về kỹ năng kinh tế và hành chính cũng như những ứng dụng thực tế từ những gì đã học. Nhóm này nhấn mạnh vào việc giúp một thanh thiếu niên hiểu được vai trò của mình trong bối cảnh rộng hơn.
Trẻ học địa lý qua mô hình giáo dục Montessori (Nguồn: Trường Mầm non Skyline Montessori)
Với những lợi ích mà phương pháp này mang lại, ngày càng có nhiều trường mầm non Montessori ở Việt Nam ra đời. Montessori là một trong những phương pháp thích hợp cho trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6 – giai đoạn vàng trong sự phát triển của con. Ở giai đoạn này, bố mẹ sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của trẻ về não bộ, khả năng tiếp thu và học hỏi kiến thức một cách nhanh, mạnh mẽ.
Anh Thư (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori