Sơ đồ tư duy: cứu cánh để ôn thi đại học hiệu quả (Nguồn: phapluatdansinh)
Chỉ còn 7 ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra, hẳn là các sĩ tử đang lo ngay ngáy phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả. Sơ đồ tư duy ôn thi đại học sẽ là “vũ khí” mạnh mẽ giúp bạn vượt vũ môn thành công!
Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Hiểu đúng về sơ đồ tư duy
Vẽ sơ đồ tư duy (mindmap) cho từng môn học là một trong những cách ôn thi đại học hiệu quả được nhiều bạn sử dụng. Phương pháp này dựa trên cơ sở khoa học, kết hợp sử dụng não trái và não phải để đạt hiệu suất tối đa trong học tập.
Giai đoạn 7 ngày trước kỳ thi là lúc tổng ôn tập tất cả những gì đã học, rà soát lại kiến thức để biết ưu và nhược điểm của bản thân. Kết hợp với luyện đề, nền tảng kiến thức của bạn sẽ vững vàng hơn và sẵn sàng để “ra trận”.
Còn đối với những bạn “nước đến chân mới nhảy”, không có phương pháp tổng hợp kiến thức nào nhanh hơn sơ đồ tư duy cả. Nó giúp bạn có cái nhìn hệ thống, khái quát và liên kết được các bài học – những yếu tố rất cần thiết để nhớ nhanh và nhớ dai hơn.
Cách đơn giản để vẽ sơ đồ tư duy (Nguồn: fususu)
Sử dụng sơ đồ tư duy sao cho hiệu quả?
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu rồi, bạn phải sử dụng sơ đồ tư duy như thế nào để phát huy hiệu quả tối đa trong khoảng thời gian này? Áp dụng ngay 5 tips này nhé!
Lọc từ khóa trước khi vẽ: làm giảm số chữ trên sơ đồ và giúp bạn tập trung vào những gì thật sự cần ghi nhớ. Từ khóa phải xác định là các đối tượng chính trong bài và mối quan hệ giữa chúng.
Xác định đúng dạng sơ đồ tư duy: có 2 loại thường được sử dụng là sơ đồ nhánh cây và sơ đồ quan hệ. Sơ đồ nhánh cây rất quen thuộc với các bạn, nhưng chỉ nên sử dụng khi bài có một đối tượng cụ thể, từ đó dẫn ra nhiều ý. Còn sơ đồ quan hệ sẽ biểu diễn mối quan hệ giữa các từ khóa độc lập với nhau.
Sơ đồ tư duy cần ít chữ và nhiều hình ảnh (Nguồn: hoc24)
Không dùng nhiều màu sắc gây rối mắt: nhiều bạn thích sử dụng nhiều màu sắc trong sơ đồ tư duy để kích thích tối đa não bộ, nhưng thật ra việc này sẽ gây rối mắt, không tập trung vào trọng điểm. Bạn chỉ cần dùng 1 – 3 màu và đừng chọn những màu khó nhìn, chói mắt như vàng, dạ quang...
Hình nhiều hơn chữ: đừng lo về việc bạn không phải là người giỏi vẽ, vì chỉ cần những hình minh họa cơ bản mà nhìn vào hiểu được liền ý nghĩa. Sơ đồ tư duy nên có hình nhiều hơn chữ, hoặc ít nhất 1 chữ – 1 hình. Lưu ý quan trọng là bạn nên biến từ khóa thành hình ảnh trực quan sinh động.
Ôn tập qua thực hành: để ôn tập kiến thức, bạn thường đọc đi đọc lại sơ đồ tư duy? Cách này không mang lại hiệu quả cao đâu! Tốt nhất bạn nên vẽ một sơ đồ nhiều lần. Không cần quá trau chuốt hoặc tỉ mỉ khi vẽ lại, điều quan trọng là bạn có thể ghi nhớ được ý chính và các nhánh liên quan.
Thời gian không còn nhiều nữa, các sĩ tử hãy nắm chắc 5 tips trên và bắt tay ôn luyện theo phương pháp sơ đồ tư duy đi nào!
Yến Nhi tổng hợp