Vì sao đa số sinh viên không chọn theo ngành Sử học? (Nguồn: Tạp Chí Cuộc Sống)
Mỗi năm khi mùa tuyển sinh đến thì lượt tìm kiếm thông tin về cách ngành nghề như kinh tế, thương mại hay dịch vụ tăng vọt. Tuy nhiên, "Sử học" lại là một từ khóa được khá ít người tìm kiếm.
Một trong những lý do chính khiến nhiều người "lạnh nhạt" với ngành Sử học là họ chưa thực sự rõ phải học những gì? Những kiến thức đó áp dụng được ở những lĩnh vực nào? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này.
Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Học từ hôm qua, chuẩn bị cho ngày mai
Ngày 02 tháng 12 năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc, Ban nghiên cứu Lịch Sử trực thuộc Trung ương Đảng và ngành Sử học đã được ra đời.
Sở lược về ngành Sử học (Nguồn: USSH)
Ngành Sử học chuyên nghiên cứu và bàn luận về những vấn đề trong quá khứ, để từ những kiến thức của quá khứ có thể rút ra những quy luật, những bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai.
Sử học có các chuyên ngành đào tạo như: Sư phạm Lịch sử, Khảo cổ học, Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Lịch sử Thế giới, Nhân học hay Văn hóa học.
Với các môn học điển hình như:
- Tôn giáo học đại cương
- Thể chế chính trị thế giới
- Nhân học đại cương
- Lịch sử triết học đại cương
- Lịch sử Việt Nam đại cương
- Cơ sở văn hóa Việt Nam
- Một số phương pháp nghiên cứu Lịch sử
- Cơ sở khảo cổ học
- Tiếp xúc văn hóa Đông – Tây ở Việt Nam thời cận đại
Ngoài ra bạn còn thế được đào tạo về các kỹ năng chuyên môn như:
- Giao tiếp ứng xử
- Thuyết trình trước công chúng
- Tổ chức quản trị sự kiện
- Phát ngôn viên tổ chức
Với các môn học điển hình và các kỹ năng chuyên môn, Sử học đang được giảng dạy ở các trường đại học. Có thể nói một tấm bằng cử nhân Sử học sẽ giúp cho bạn tìm được công việc trong khá nhiều lĩnh vực.
Học một ngành làm nhiều nghề
“Học sử ra làm gì?” có lẽ là câu hỏi mà các bạn học sinh cũng như phụ huynh thường đặt ra cho các trường đào tạo ngành Sử học.
Kỳ thực mà nói, tầm áp dụng của kiến thức Lịch sử không hề hẹp như bạn nghĩ! Học Sử không có nghĩa là bạn sẽ chỉ trở thành một nhà nghiên cứu. Bạn còn có thể làm việc trong các ngành về văn hóa, xã hội hoặc thậm chí là kinh tế.
Nếu là một cử nhân ngành Sử học, bạn có thể:
- Giảng dạy tại nhiều cấp độ trường lớp từ trung học cho đến đại học,
- Tư vấn hoạch định chiến lược phát triển kinh tế
- Làm việc tại các đơn vị quản lý di tích lịch sử, văn hóa.
- Tham gia tổ chức các sự kiện về Lịch Sử
- Tham gia vào các chương trình truyền hình, phát thanh về Lịch Sử
- Tham gia các hội thảo, các chương trình hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước.
Sinh viên ngành Sử học sẽ có khá nhiều cơ hội nghề nghiệp, nếu học tập chăm chỉ và biết cách vận dụng những kiến thức mình biết
Qua đó bạn có thể thấy, ngành Sử học không “kén chọn” nghề nghiệp. Điều cốt yếu là sinh viên ngành sử phải hiểu rõ được những gì mình đang học. Từ đó họ sẽ biết được những kiến thức mà mình đã học có thể được áp dụng vào những ngành nghề nào.
Nguyên nhân sâu xa
Học sinh ngại học Sử, sợ thi Sử! Đó là thực trạng chung của việc dạy và học Lịch sử trong các trường trung học hiện nay. Từ các nhận định này, ở trường trung học mà “hiếm” có ai lựa chọn ngành Sử để tiếp tục học tập ở môi trường đại học. Vậy lý do là gì?
PSG. TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng lý do chính dẫn đến thực trạng trên là do công tác biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử chưa thật sự được Bộ GD – ĐT đầu tư.
Nguyên nhân chính là do học sinh "sợ" môn Lịch sử (Nguồn: Báo Lao Động)
Sách Sử viết quá dài và quá nhiều số liệu là điều mà nhiều học sinh vẫn thường phản ánh khi học môn Sử. Ông Nghiêm Đình Vỳ thừa nhận điều đó là đúng – “Điều này đúng và không trách ai được. Vì lúc viết sách giáo khoa hiện hành, trình độ chỉ có thế. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng khoa học cơ bản như thế nào thì đưa vào sách như thế ấy. Việc cần làm bây giờ chính là chỉnh sửa và đổi mới.”
Ông Nghiêm Đình Vỳ cho rằng – “Sách giáo khoa Lịch sử nên được viết theo dạng kể chuyện kết hợp giữa Sử và Địa. Ví dụ như kể tên nước Việt Nam qua các thời kỳ từ Văn Lang cho đến ngày nay, hay cố đô qua các thời kỳ lịch sử, hoặc có thể làm một chuyên đề cho học sinh đi du lịch qua các dòng sông để vừa học Địa lý, vừa biết Lịch sử.”
Bên cạnh sách giáo khoa, đội ngũ giảng dạy cũng là một lý do ảnh hưởng đến việc làm cho học sinh “sợ” Sử học. Người thầy là gốc rễ của đổi mới giáo dục. Thầy, cô giỏi kèm phương pháp dạy hay sẽ làm cho học sinh không nhàm chán với các sự kiện và con số trong Lịch sử. Vì vậy, công tác bồi dưỡng giáo viên cũng cần được tái cấu trúc.
Cần lắm một cái nhìn khách quan hơn về ngành Sử học của học sinh, sinh viên và quý phụ huynh. Đồng thời, chúng ta cũng nên tin tưởng rằng, Sử học sẽ có nhiều thay đổi về giáo trình và cách giảng dạy trong thời gian tới.
Hy vọng, trong tương lai, Sử học có thể sẽ trở thành một cái tên “hot” không kém các ngành nghề như kinh tế, tài chính hay ngân hàng.
Tuấn Đạt (tổng hợp)