Trong nền kinh tế mở cửa như hiện nay, tiếng Anh không chỉ đơn giản là yếu tố cần thiết mà dường như đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu một doanh nghiệp muốn đứng vững trên thương trường. Thay vì đẩy mạnh công tác tuyển nhân viên giỏi tiếng Anh nhưng kinh nghiệm chưa vững và chuyên ngành không sâu, nhiều nhà lãnh đạo lại ưa chuộng loại hình đào tạo tiếng Anh doanh nghiệp để tận dụng nhân tài vốn có.
Có thể nói hình thức học này vừa giúp doanh nghiệp đối mặt với thách thức trong thời kỳ hội nhập, vừa giải quyết một cách hiệu quả, đồng bộ và tiết kiệm những thiếu sót về tiếng Anh mà nhân viên công ty gặp phải.
* Bạn muốn học Giao tiếp nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm ngoại ngữ dạy Giao tiếp tốt nhất Việt Nam!
Tiếng Anh giao tiếp công sở, vì sao quan trọng thế?
Giao tiếp là chìa khóa quan trọng trong mọi hoạt động xã hội, không riêng gì kinh doanh. Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế toàn cầu như hiện nay, giao tiếp tiếng Anh lưu loát đóng vai trò như một điều kiện cần và đủ để phát triển sự nghiệp của cá nhân và ứng biến với nền kinh tế không ngừng biến động của doanh nghiệp.
Lưu loát tiếng Anh giao tiếp công sở là bước đệm thăng tiến cho nhân viên, nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp (Nguồn: Pexels)
Tuy nhiên, làm việc 8 tiếng hàng ngày, tăng ca mỗi tối hay lịch công tác cuối tuần là chướng ngại lớn trong việc học tiếng Anh của đa số nhân viên văn phòng. Trước thực trạng đó, các lớp học tiếng Anh giao tiếp dành cho doanh nghiệp chính là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề trên.
Những lớp học tiếng Anh giao tiếp thiết kế cho doanh nghiệp không chỉ giúp người học có thể ứng biến trong những tình huống thông thường, mà còn phát triển kỹ năng tiếng Anh văn phòng chuyên sâu như hội họp, thuyết trình, đàm phán, thương lượng, trao đổi qua điện thoại, viết báo cáo, thư tín thương mại...
TOEIC – thước đo năng lực giao tiếp chuẩn mực
Nếu nói giao tiếp tiếng Anh là một kỹ năng thì có lẽ TOEIC chính là một công cụ đo lường. Dựa vào kết quả của bài kiểm tra, người ta có thể đánh giá trình độ sử dụng ngôn ngữ của một người. Cụ thể như sau:
Điểm | Năng lực |
905 – 990 |
Có khả năng giao tiếp một cách hiệu quả ở bất kỳ tình huống nào. |
785 – 900 |
Có khả năng đạt hầu hết các yêu cầu về ngôn ngữ trong môi trường làm việc nhưng không phải lúc nào cũng có thể hiểu được hết. |
605 – 780 |
Có khả năng hiểu hầu hết các yêu cầu chung, nhưng vẫn còn hạn chế khi làm việc. |
405 – 600 |
Có thể hiểu cơ bản các đoạn hội thoại trực tiếp, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong các tình huống xã hội. |
255 – 400 |
Có thể hiểu được những đoạn hội thoại đơn giản về những chủ đề quen thuộc khi nói chuyện trực tiếp. |
10 – 250 |
Có thể hiểu những từ cơ bản. |
Hiện nay, nhiều công ty và tập đoàn lớn đã lấy chứng chỉ TOEIC làm điều kiện bắt buộc trong quá trình tuyển dụng, có thể kể đến như Viettel, Panasonic, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Tân cảng Sài Gòn… Tuy nhiên, bên cạnh năng lực ngoại ngữ, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc cũng là những yếu tố quan trọng không kém. Vì vậy, đào tào TOEIC ngay trong nội bộ doanh nghiệp có lẽ là phương án "vẹn cả đôi đường" mà nhiều nhà lãnh đạo áp dụng.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phát biểu: “Nền kinh tế mở cửa, các dịch vụ khai thác cảng biển, hoạt động xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài cũng tăng dần. Điều này đặt ra bài toán cần lượng lớn nhân lực biết tiếng Anh phục vụ công việc. Hiểu rõ điều đó, tổng công ty đã tạo điều kiện cho nhân viên học tiếng Anh ngay sau giờ làm việc".
Nhiều công ty đã tạo điều kiện cho nhân viên học tiếng Anh ngay sau giờ làm việc (Nguồn: EIV Education)
Tiếng Anh chuyên ngành giúp trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng
Một người giỏi Anh văn không đồng nghĩa với việc người đó cũng sẽ "đọc thông và hiểu thấu" tất cả những điều được viết bằng tiếng Anh. Chị Thu Thủy thú nhận: "Xuất thân là sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, mình khá tự tin về năng lực ngoại ngữ của mình cho đến khi đọc tài liệu khoa học về chuyên ngành cụ thể nào đó... Mình phát hiện một điều rằng mặc dù nhận biết được hầu hết cấu trúc và từ vựng nhưng thật sự dịch ra thì chẳng hiểu gì".
Cô Độc Lập – hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng của một trường đại học có tiếng tại TP.HCM chia sẻ: "Khi đi làm, các em sẽ thấy có những thuật ngữ tiếng Anh mà chỉ những người trong môi trường đó hiểu, đó là tiếng Anh chuyên ngành".
Vì vậy, những chương trình tiếng Anh chuyên ngành ra đời nhằm giúp học viên nâng cao vốn từ vựng, thuật ngữ, cùng với các tình huống chuyên sâu của từng ngành nghề. Đặc biệt, trong bối cảnh mà tiếng Anh góp mặt sâu rộng trong hầu hết mọi lĩnh vực như hiện nay thì vai trò về tiếng Anh chuyên biệt cho mỗi ngành nghề lại tăng cao.
Một vài lĩnh vực điển hình có thể kể đến như: Du lịch và khách sạn (Tourism and Hospitality), Dầu khí (Oil and Gas), Tài chính Kế toán (Finance and Accounting), Ngân hàng (Banking), Hàng không (Aviation)...
Việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh rất cần thiết với nhân viên ngân hàng (Nguồn: The Bank)
Nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam thừa nhận, họ sẵn sàng nhận một nhân viên có kiến thức chuyên ngành cơ bản nhưng biết tiếng Anh thay vì nhận một nhân viên rất giỏi kiến thức chuyên ngành mà không giao tiếp được.
Trước xu hướng đó, để giữ vững vị thế của mình trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nghiêm túc về mọi mặt, đặc biệt là yếu tố con người. Trong đó, nâng cao chất lượng tiếng Anh cho doanh nghiệp thông qua các lớp học nội bộ phù hợp nhu cầu là một phi vụ đầu tư mang đến nhiều lợi ích.
Mai Trâm (Tổng hợp)