Chưa bao giờ việc tuyển sinh ngành Dược học lại nhộn nhịp như hiện nay, khi mà việc cấp phép đào tạo có phần khá “dễ dãi”. Điều này đã làm dấy lên sự băn khoăn về chất lượng đào tạo của ngành học quan trọng này khi nhiều trường đại học ngoài công lập dự kiến tuyển sinh chỉ với “vỏn vẹn” 15 điểm.
Nếu so sánh với các trường công lập như Đại học Y Hà Nội hay Y Dược TPHCM… có điểm chuẩn đầu vào chạm mốc 22, 23 điểm, quả thật tuyển sinh 15 điểm là cách biệt quá lớn đối với những cái nôi đào tạo nghề nghiệp liên quan đến tính mạng con người.
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Thực trạng của tuyển sinh ngành Dược học
Mở đầu cho làn sóng tuyển sinh ngành Dược học dưới 20 điểm chính là trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Chia sẻ về việc tại sao trường không chuyên về Y vẫn đào tạo ngành Dược, Giáo sư Trần Phương – Hiệu trưởng trường, chia sẻ: "Ngành Dược là ngành học đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhất nên nói trường tôi ngoại đạo là sai".
Cũng theo giáo sư Phương, việc mở rộng quy mô và cơ sở đào tạo ngành Dược là hoàn toàn có cơ sở và hợp lý. Hiện nay, nước ta chỉ đáp ứng 8 bác sĩ và 1.5 dược sĩ trên 1 vạn dân, trong khi con số này ở các nước tiến bộ là 40 bác sĩ và 6 dược sĩ trên 1 vạn. Từ những dẫn chứng trên, ông Phương đánh giá việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Dược là điều hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với nhu cầu xã hội.
Ngoài trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn có rất nhiều các trường tuyển sinh ngành Dược học điểm thấp, có thể kể đến như: trường Đại học Nam Cần Thơ, trường Đại học Tây Đô, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Đại Nam... với số điểm tuyển sinh vào chỉ nằm trong khoảng 15 – 16 điểm.
Kỳ thi tuyển sinh 2019 của ngành Dược quả thật rất sôi động với sự góp mặt của nhiều trường cả trong lẫn ngoài công lập (Nguồn: Lê Huỳnh Đức)
Đặc biệt hơn cả là trường Đại học Tây Đô, không chỉ có điểm đầu vào thấp, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Dược học của trường còn vượt trội hơn rất nhiều so với các ngành khác, cụ thể là 400 so với 160 hay 140 của các ngành Luật kinh tế và Kế toán.
Trước khi khái niệm ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào ra đời, điểm sàn vẫn là 1 từ quen thuộc dùng để gọi số điểm thấp nhất mà sĩ tử phải đạt được nếu muốn đặt chân vào giảng đường đại học. Quay ngược lại thời gian cách đây 5 năm, điểm trúng tuyển ngành Dược học của trường Đại học Nguyễn Tất Thành hoàn toàn bằng với điểm sàn (14 điểm), để rồi cho đến tận bây giờ, số điểm ấy cũng chỉ là con số 16.
Người trong cuộc nói gì?
Lo lắng về việc "đầu vào dễ dãi" sẽ để lại những hệ lụy khôn lường, Giáo sư Đặng Hạnh Đệ – Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, nhận định: "Các trường lớn như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TPHCM... đã tuyển đủ sinh viên chất lượng rồi, có mở thêm 100 trường y dược thì số lượng học viên đủ điều kiện học ngành này cũng không thể tăng lên.
Như vậy, muốn có sinh viên chỉ còn cách nới lỏng chất lượng đầu vào. Điều này cực kỳ nguy hiểm với ngành học liên quan đến tính mạng con người". Cũng theo giáo sư Đệ, việc nhập nhằng trong thống nhất về chất lượng đầu vào ngành Dược giữa bộ GD&ĐT và Bộ Y tế là nguyên nhân chính dẫn đến việc các trường tuyển sinh "tràn lan".
Phản hồi về việc điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, giáo sư Trần Phương bày tỏ: "Chúng tôi không coi nhẹ đầu vào, bằng chứng là trường đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại và mời về đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm trong ngành. Điểm trúng tuyển không quan trọng bằng quá trình đào tạo và đầu ra".
Bình luận về phát biểu của giáo sư Phương, Tiến sĩ Sái Công Hồng – Phó viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra dẫn chứng: "Theo nghiên cứu từ kỳ thi SAT ở Mỹ, chất lượng đầu vào quyết định 36% thành công của người học. Ngoài ra, ngành Y Dược ở các nước phát triển đều yêu cầu chất lượng đầu vào rất cao, vì ảnh hưởng trực tiếp sinh mạng con người. Xét cho cùng, hai ngành này vẫn phải giữ mức điểm đầu vào cao nhất trong các ngành học".
Những tranh cãi xung quanh điểm đầu vào của ngành Dược vẫn chưa đi đến hồi kết (Nguồn: ummclinic)
Không chỉ nhận được sự quan tâm từ các chuyên gia, việc tuyển sinh ngành Dược học điểm thấp cũng nhận được đông đảo sự quan tâm từ các bạn sinh viên, học sinh.
Bạn Nguyễn Ngọc Vỹ – sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, bày tỏ: "Đầu vào dễ không hẳn là vấn đề, chủ yếu là đầu ra như thế nào? Nếu như trường không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo thì đã không xin cấp phép, chứ điểm chuẩn đầu vào cao thì ai đảm bảo đầu ra chắc chắn tốt? Ngoài ra cũng có trường hợp thi tận 24 điểm vẫn rớt ngành Dược đấy thôi".
Không đồng tình với bạn Vỹ, bạn Lê Huỳnh Đức – sinh viên trường Đại học Y Dược TPHCM, nói: "Quá trình sàng lọc khắt khe sẽ tốt hơn. 14 – 15 điểm còn thua xa ngành Thú y thế? Những bạn cố gắng học suốt 12 năm trời thông thường vẫn có khả năng tốt hơn nửa còn lại. Nên nhớ đây là ngành liên quan đến tính mạng con người, chưa kể tuyển sinh viên kiểu đại trà như vậy sẽ gây bão hòa về nguồn lao động. Lâu dài thất nghiệp là điều dĩ nhiên".
Khi được hỏi về những trường tuyển sinh ngành Dược học thấp điểm, bạn Hoàng Can – học sinh lớp 12 trường THPT Hùng Vương TPHCM, bình luận: "Cá nhân em nghĩ việc điểm đầu vào thấp sẽ tạo ra cơ hội cho 1 số bạn thi điểm cao nhưng không đậu vào các trường có tiếng như Y Dược TPHCM hay Phạm Ngọc Thạch.
Tuy nhiên, 15 – 16 điểm lại là quá thấp đối với ngành học quan trọng như Dược, em thiết nghĩ 20 điểm phải là thấp nhất và phù hợp đối với những trường đã và đang tuyển sinh ngành Dược học".
Những thông tin về tuyển sinh Đại học luôn thu hút được rất nhiều sự quan tâm của học sinh THPT (Nguồn: thpthungvuong)
Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những thay đổi trong tuyển sinh ngành Dược. Đó có thể là ủng hộ, có thể là phản đối, nhưng kết quả ra sao còn phải phụ thuộc vào thời gian trải nghiệm của sinh viên. Kỳ thi tuyển sinh 2019 đang đến gần, nếu đang có ước mơ khoác lên mình chiếc áo blouse, hãy chắc chắn rằng bạn đang học tập chăm chỉ ngay từ bây giờ thay vì "an tâm" với 15 điểm đầu vào.
Anh Duy (Tổng hợp)