Môi trường luật được ví von như là “lửa thử vàng”, những học sinh ưu tú phải vượt qua kỳ thi khó nhằn để vào được ngôi trường luật mơ ước và nỗ lực hơn nữa nếu muốn trở thành luật sư tương lai. Bạn cũng đã biết, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp tại Việt Nam khá cao, không ngoại trừ lĩnh vực nào, ngành Luật cũng vì thế mà kén người hơn bao giờ hết.
Liệu bạn tốt nghiệp từ ngôi trường hàng đầu như Đại học Luật Hà Nội có đảm bảo tìm được công việc đúng chuyên ngành không? Câu trả lời tùy thuộc vào yếu tố mà bạn có để thích nghi với công việc, nếu bạn muốn biết đó là những yếu tố nào thì hãy xem ngay bài viết dưới đây!
Trường Luật và sinh viên Luật, những điều chưa kể!
Đại học Luật Hà Nội (HLU) là một trường đại học công lập trực thuộc Bộ Tư pháp, nơi có quy mô đào tạo về ngành Luật lớn nhất Việt Nam. Không chỉ là cái nôi đào tạo ra những chuyên viên pháp lý các bậc đại học - cao học, Đại học Luật Hà Nội còn là nơi tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học pháp lý và thực hiện nhiệm vụ khác từ Bộ Tư pháp.
Xem cảm nhận của sinh viên
về Đại học Luật Hà Nội
Bài hát nằm lòng của nhiều sinh viên Đại học Luật Hà Nội (Nguồn: youtube)
-
3 điều sinh viên Luật cần biết về lĩnh vực mà mình theo đuổi:
- Học luật là phải yêu và tìm thấy giá trị từ cái mình học. Một điều chắc chắn rằng nếu bạn học luật với sự đam mê và thích thú thì học sẽ nhanh hơn và ít “khổ” hơn những người khác.
- Học luật rất khó và phải có “đầu óc” hơn là sự chăm chỉ. Học luật chính là học mối quan hệ giữa con người với con người, do đó học thuộc các điều luật không phải là điều quan trọng nhất mà cần phải hiểu và áp dụng chính xác vào vấn đề. Do đó kỹ năng mềm là thứ mà người học luật và làm luật phải có.
- Học luật chỉ một ngành là đủ dùng và nên cho mình nhiều cơ hội va chạm thực tế. Việc phân chia các ngành Luật như Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hình sự… chỉ mang tính chất tương đối. Bởi một người làm luật giỏi trên hết cần biết kiến thức luật nền tảng và mối liên kết giữa các lĩnh vực hơn là chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể. Nghề Luật là dạng nghề dạy nghề, nên không có lý do gì để bạn trì hoãn việc thực tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Những yếu tố phải có của một cử nhân Đại học Luật Hà Nội
Cùng Edu2Review khám phá ngay những yếu tố giúp cử nhân trường Đại học Luật Hà Nội trở nên "bất khả chiến bại" khi tham gia ứng tuyển.
1. Kỹ năng giao tiếp lưu loát
Giao tiếp là hoạt động đòi hỏi sự tương tác không thể thiếu trong cuộc sống của hầu hết mọi người. Đó là cách chúng ta giao lưu với người khác thông qua lời nói hằng ngày, sử dụng mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt một người giao tiếp tốt cơ hội thành công cao hơn 70% so với người hạn chế giao tiếp.
Trong ngành Luật, kỹ năng giao tiếp tốt sẽ mang đến cho luật sư lợi thế rất lớn trong việc xây dựng lòng tin với khách hàng cũng như việc thuyết phục họ trong việc ra quyết định.
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Quan điểm cá nhân của mỗi người thường rất khác nhau khi tiếp xúc với mỗi sự việc, người luật sư giỏi sẽ tìm thấy cái không ổn từ đó đưa ra hướng giải quyết. Đây chính là lúc luật sư cần vận dụng kỹ năng để đưa sự việc không theo kế hoạch về đúng lộ trình đã định.
Để thành thạo kỹ năng này, luật sư cần phải có sự hiểu biết về nghề và khả năng phân tích rõ đúng sai của sự việc. Điều quan trọng hơn là luật sư phải nhìn vào đúng bản chất của sự việc, tránh tư duy bảo thủ để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.
3. Kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập
Trong lúc làm việc, bất kỳ ai đôi lúc cũng cần những người đồng đội để hỗ trợ nhau đẩy nhanh tiến độ và “nhiều cái đầu” thì sẽ có nhiều cách giải quyết, hướng đi mới tốt hơn. Luật sư còn cần phải thấy được ưu điểm của từng người để tận dụng nguồn lực hiệu quả nhất.
Thay vì làm việc nhóm, không ít trường hợp luật sư phải hoạt động độc lập. Thiếu kỹ năng này chính là nguyên nhân khiến luật sư cảm thấy dễ bị bế tắc khi giải quyết công việc. Người luật sư cần phân định rõ vấn đề đang gặp phải là gì và từng bước giải quyết nó với tinh thần luôn vững vàng, quyết tâm để không bị cảm xúc chi phối.
4. Kỹ năng thuyết phục và đàm phán
Đây là kỹ năng tối quan trọng đối với nghề tư vấn nói chung và nghề luật nói riêng. Nếu bạn muốn trở thành một luật sư giỏi, trên hết là bạn cần học cách thuyết phục được khách hàng hoặc đối tác ký kết hợp đồng. Vì luật sư mà chỉ có kiến thức, đưa ra nhiều phương án giải quyết vấn đề nhưng không có khả năng thuyết phục thì hiệu quả cuối cùng vẫn chỉ là con số không.
5. Sự bản lĩnh, nhiệt tâm và uy tín đặt lên hàng đầu
Nghề Luật sư tuy cao quý nhưng luôn phải đối diện với muôn vàn cám dỗ, hiểm nguy. Để trở thành một luật sư được mọi người coi trọng thì bên cạnh trí tuệ cần phải có đạo đức, đạo đức đối với nghề và cái tâm khi làm việc.
Nghề Luật sư thật sự không hề "dễ sống", do đó bạn phải năng học hỏi, tu dưỡng, phải hành nghề bằng nhiệt tâm và xây dựng uy tín cá nhân, coi đó là danh dự của bản thân. Đừng để mình rơi vào vòng xoáy “cơm – áo – gạo – tiền” của cuộc sống, nghề Luật phải bảo vệ được quyền và lợi ích của người đang trong thế yếu, cần sự công bằng trong cuộc sống.
Cơ hội nào cho sinh viên ngành Luật muốn theo đuổi nghề?
Thực tế, ngành Luật đang ngày càng được nhiều người đặc biệt quan tâm hơn. Bởi xã hội hiện đại ngày nay làm việc trên cơ sở pháp luật nên nhu cầu nguồn nhân lực ngành Luật cao hơn trước đây rất nhiều, đặc biệt là trước xu thế hội nhập thế giới.
Việc đào tạo ngành Luật cũng hết sức đa dạng, không chỉ học luật để trở thành luật sư hay làm việc tại các cơ quan tư pháp. Nhu cầu của xã hội trong những lĩnh vực khác như các doanh nghiệp, hoạt động tư vấn pháp luật, kinh tế, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ cũng rất cần nguồn nhân lực chất lượng ngành Luật.
Như vậy, nhu cầu xã hội đối với ngành Luật hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi các cơ quan tư pháp như trước đây. Tại Đại học Luật Hà Nội, có tới 80% sinh viên ra trường đáp ứng được các nhu cầu làm ở các khối chuẩn đầu ra của trường.
Ngoài ra, nếu bạn học khối ngành khác có thể học Văn bằng 2 Đại học Luật. Bởi ngay trong bản thân các cơ quan Nhà nước, vai trò của những người có am hiểu về pháp luật vô cùng cần thiết và hiện đang được củng cố, phát triển. Chắc chắn trong tương lai gần, vị thế của luật sư và người làm công tác pháp luật sẽ được đề cao và có giá trị hơn nữa.
Như bạn đã đọc trong bài viết này, con đường đến thành công không hề dễ dàng đối với một cử nhân Luật vừa mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề. Bạn cũng không nên quá lo lắng, vì với những kiến thức được học tại trường cùng với những tố chất, kỹ năng có thể trau dồi, bạn sẽ nhanh chóng đạt được ước mơ của mình trong một tương lai không xa.
Bảng xếp hạng
trường Đại học Việt Nam
Quang Vinh (tổng hợp)