20 lời khuyên giúp kỹ năng kết nối đạt chuẩn từ John C. Maxwell | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      20 lời khuyên giúp kỹ năng kết nối đạt chuẩn từ John C. Maxwell

      20 lời khuyên giúp kỹ năng kết nối đạt chuẩn từ John C. Maxwell

      Cập nhật lúc 06/02/2020 14:14
      Kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn quen biết nhiều người nhưng có thể chỉ dừng lại ở mức xã giao thông thường. Trong khi đó, kỹ năng kết nối tốt sẽ giúp bạn nhận được nhiều sự hợp tác, quan tâm, giúp đỡ.

      "Ai cũng Giao Tiếp nhưng mấy người Kết Nối" là một cuốn sách hay từ tác giả John C. Maxwell. Cuốn sách này không chỉ dạy bạn những kỹ năng giao tiếp thông thường mà còn giúp bạn hiểu rõ cách để xây dựng mối quan hệ thân tình. Kỹ năng kết nối là chìa khóa để bạn xây dựng mối quan hệ bền vững. Bạn đã sẵn sàng với 20 lời khuyên từ cuốn sách này chưa?

      1. Đừng phàn nàn

      Bạn sẽ phàn nàn một vấn đề nào đó trong bao lâu? Liệu điều đó có giúp giải quyết vấn đề hay không? Thay vì xắn tay giải quyết, tại sao lại tốn thời gian đôi co và "xả" cơn tức mà rõ ràng không giúp ích cho công việc? Những người nghe cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi và có thể ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của họ. Giả sử nếu họ vì chuyện của bạn mà bị khiển trách thì chắc chắn sẽ không có mối quan hệ bền vững. Hãy dừng việc than vãn và bắt đầu suy nghĩ cách giải quyết vấn đề.

      2. Cười thật nhiều

      Một nụ cười là cách thân thiện nhất để bắt đầu nói chuyện và kết nối với mọi người. Ngay cả khi họ chưa biết tới tên tuổi, nghề nghiệp của bạn, một nụ cười chào hỏi cũng dễ dàng gây ấn tượng đẹp.

      3. Hãy lắng nghe tập trung

      Nhiều người thường lắng nghe nhưng không chú tâm, đôi khi vì phép lịch sự mà bạn chỉ cố thể hiện là mình đang nghe. Những bài viết về kỹ năng giao tiếp hay kỹ năng nghe điện thoại thường chỉ cho chúng ta cách thêm các từ như: "vâng", "ừm", "dạ"... để thể hiện bản thân đang quan tâm tới cuộc hội thoại.

      Nhưng khi bạn giao tiếp làm ăn, chỉ cần đối tác phát hiện ra bạn đang vờ nghe họ nói, mọi nỗ lực kinh doanh của bạn với người đó sẽ thất bại. Bởi vì họ nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ. Tương tự, với các mối quan hệ trong đời sống, nếu không muốn bị cho là "người giả tạo" thì bạn cần phải tập trung lắng nghe trong cuộc đối thoại. Cụ thể hơn, trong bất kỳ cuộc nói chuyện nào, hãy tận dụng kỹ năng nghe chủ động để luôn nắm bắt nội dung câu chuyện.

      Lắng nghe là cơ sở của mọi mối quan hệ tích cực

      Lắng nghe là cơ sở của mọi mối quan hệ tích cực (Nguồn: womansway)

      4. Hãy khiến họ nghĩ họ quan trọng

      Ai cũng yêu quý bản thân mình, vì vậy, nếu muốn làm quen và bắt đầu mối quan hệ với bất kì một ai thì việc bạn cần làm là khiến họ hài lòng hoặc mang lại lợi ích cho họ. Đó là lý do trong kinh doanh bạn thường thấy những khách hàng mới sẽ được nhận nhiều ưu đãi hơn. Để duy trì mối quan hệ, bạn cần phải thường xuyên quan tâm tới những vấn đề của họ. Khi đó, họ sẽ nhận thấy họ quan trọng với bạn và bạn chắc chắn cũng sẽ nhận được sự quan tâm tương ứng. Đây là một cách để duy trì và cải thiện kỹ năng kết nối.

      5. Thể hiện sự cảm kích của bạn

      Có một cách rất dễ để làm cho đối tác, sếp và đồng nghiệp vui vẻ, đó là thể hiện sự cảm kích của bạn đối với họ. Hãy cho họ thấy rằng, không có họ, bạn khó đạt tới thành công này. Một lời cảm ơn, một món quà nhỏ hay một buổi liên hoan chung với tập thể không chỉ giúp bạn truyền tải thông điệp đó mà còn là một cơ hội để bạn và mọi người trò chuyện để hiểu nhau hơn.

      6. Hãy nói về sở thích của họ

      Cái TÔI khiến mọi người có xu hướng "thao thao bất tuyệt" về bản thân mình. Bên cạnh việc nói về mình, hãy lắng nghe người khác nói về họ. Đôi khi họ không trực tiếp nói ra nhưng bạn có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ để suy luận về sở thích, mối quan tâm của họ. Nếu đối phương hưởng ứng nghĩa là bạn đã tạo được không khí thân thiện trong câu chuyện của bạn. Ngược lại, nếu đối phương không hưởng ứng lời nói của bạn tức là họ còn đang dè chừng hoặc họ quá khó tính.

      Cùng nhau chia sẻ về sở thích giúp các bạn hiểu nhau hơn

      Cùng nhau chia sẻ về sở thích giúp các bạn hiểu nhau hơn (Nguồn: wesmd)

      7. Hãy ghi nhớ tên gọi của đối phương

      Trong giao tiếp công việc, nếu đi gặp đối tác, đương nhiên bạn sẽ không thể nhầm lẫn tên của khách hàng/ đối tác. Nhưng khi bạn làm việc với đồng nghiệp mới thì khả năng này có thể xảy ra. Do đó, trong buổi gặp mặt nhân viên mới, hãy cố ghi nhớ tên của những đồng nghiệp bằng cách gắn tên họ với một đặc điểm nổi bật. Ví dụ như chị Kim kế toán, anh Phong 1m8...

      8. "Hy sinh" vì họ

      Kỹ năng kết nối này nghe có vẻ khá "đau khổ", nhưng bạn có thể hiểu nôm na như câu "có qua có lại mới toại lòng nhau". Bạn không thể đòi hỏi bất kì điều gì như thể là hàng miễn phí mà không đưa ra cam kết hay lợi ích cho đối phương. Muốn được đối xử tích cực thì bạn cần thể hiện tương xứng.

      9. Tự "chọc quê" bản thân

      Đừng ngại tự chọc quê mình vì trong một thế giới mọi người luôn nghĩ mình quan trọng, những câu bông đùa, châm biếm bản thân có thể ngay tức thì khiến bạn trở nên thu hút. Những câu nói đùa này nếu đặt đúng chỗ cũng có thể là một cách giải tỏa căng thẳng trong cuộc họp. Khi đã gây được ấn tượng với mọi người thì bạn cũng sẽ dễ dàng bắt chuyện và kết nối với họ.

      Bông đùa cũng có những giới hạn riêng

      Tuy vậy, bông đùa cũng có những giới hạn riêng cần lưu ý nhé (Nguồn: cloudfront)

      10. Tạo sự tương đồng

      Nếu giữa bạn và đối phương có những điểm tương đồng, mối quan hệ giữa hai người sẽ trở nên khăng khít hơn, cuộc đàm phán kinh doanh cũng có thể đi theo chiều hướng tốt đẹp hơn nếu bạn phát hiện ra mối liên hệ chung. "Sợi dây liên kết vô hình" đó có thể là cùng quê, cùng năm sinh, cùng nuôi con nhỏ, cùng yêu thích bóng đá...

      11. Tạo “sự thư giãn”

      Khi cuộc nói chuyện có vẻ căng thẳng, hãy mời người đối diện một ly trà nóng, khéo léo gợi những câu chuyện vui vẻ để “hạ hoả”. Những câu chuyện cần được khai thác khéo léo để bạn tìm hiểu thêm về nhu cầu, sở thích và thông tin của đối phương. Khi đã "dương đông kích tây" thành công bạn đừng quên quay lại vấn đề chính của buổi nói chuyện, đàm phán.

      12. Hãy nói về lỗi của chính mình trước khi đề cập đến lỗi của người khác

      Cách này khá tương đồng với kỹ năng kết nối thông qua việc "chọc quê" bản thân. Chúng ta thường có xu hướng quý trọng bản thân nên khi bị chỉ trích sẽ có phản ứng phủ nhận. Để mối quan hệ không bị căng thẳng, bạn nên nhận lỗi về mình trước. Khi đó, đối phương sẽ có cái nhìn tích cực hơn về lỗi sai và dễ dàng tiếp nhận hơn.

      Lời xin lỗi có sức mạnh lớn trong việc duy trì mối quan hệ

      Lời xin lỗi có sức mạnh lớn trong việc duy trì mối quan hệ (Nguồn: steemitimages)

      13. Đừng bảo thủ

      Đây là một lời khuyên mà bạn chắc đã được nghe nhiều nhưng lại chẳng mấy khi làm được. Không bảo thủ sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp nhận góp ý và tiến bộ nhanh hơn. Nếu là một nhân viên trong công ty, nhà quản lý chắc chắn sẽ đánh giá cao phẩm chất này của bạn.

      14. Xin lỗi

      “Tôi sai rồi", "Tôi xin lỗi” hoặc “Hãy bỏ qua cho tôi nhé” là những câu không quá khó nói nhưng trên thực tế không nhiều người dám sử dụng. Việc xin lỗi đồng nghĩa là bạn thừa nhận lỗi sai và thẳng thắn nhìn vào sai lầm của bản thân. Điều này có thể tác động tốt tới mối quan hệ bạn đang có.

      Đặc biệt với các nhân viên bán hàng hay những nhân viên làm trong ngành dịch vụ, đây là một kỹ năng kết nối cần thiết và quan trọng để duy trì mối quan hệ tốt với đối tác hay khách hàng.

      15. Không nói chuyện phiếm khi làm việc

      Bạn có thể nói vài câu bông đùa để làm giảm căng thẳng khi làm việc nhưng nên phân biệt rạch ròi điều này với việc buôn chuyện. Nói chuyện phiếm có thể khiến bạn thoải mái hơn nhưng quá sa đà sẽ khiến bạn tốn nhiều thời gian mà chẳng làm được công việc nào. Khi câu chuyện không được hưởng ứng thì bạn nên dừng lại, đừng "cố đấm ăn xôi". Các nhân viên và nhà quản lý sẽ đánh giá không tích cực.

      16. Đừng ngắt lời người khác

      Đặt mình vào vị trí của người bị ngắt lời, bạn sẽ hiểu cảm giác của họ và biết cách hành động thế nào cho hợp lý. Kỹ năng kết nối này sẽ đảm bảo bạn không trở thành một người vô duyên. Trường hợp cuộc trò chuyện đi quá xa và bạn buộc phải ngắt lời nhưng không biết nên chọn thời điểm, hãy đọc lại lời khuyên thứ 3 nhé.

      17. Không bao giờ nói thẳng “Bạn sai rồi”

      Có nhiều cách để chỉ ra lỗi của một người, nhưng một câu phủ nhận phũ phàng như thế thật không hay chút nào. Hãy đính kèm những lập luận của bạn để trình bày rõ ràng việc tại sao bạn lại cho rằng họ đã làm sai. Bằng cách này họ sẽ hiểu về quan điểm của bạn và sẽ nhìn nhận lại việc làm của mình.

      18. Đừng trò chuyện khi đang giận

      Lúc cáu giận, hầu hết chúng ta khó làm chủ được lời nói và quan điểm của mình. Hãy tận dụng kỹ năng kiểm soát cảm xúc để tránh bộc lộ cảm xúc quá nhiều. Tương tự như vậy, đừng đến và làm phiền mọi người khi họ đang không vui, rất có thể bạn sẽ bị "giận cá chém thớt".

      Giận quá mất khôn, nên đừng bắt đầu cuộc nói chuyện trong cơn giận

      Nên trò chuyện khi đang vui vẻ tích cực (Nguồn: kissradio)

      19. Tự kiểm tra thói quen của bản thân

      Chúng ta thường đánh giá các sự vật sự việc xung quanh nhưng ít khi tự nhìn nhận về bản thân. Những thói quen xấu nào cần loại bỏ, những thành tích mới đạt được là gì, kỹ năng nào cần cải thiện thêm... Hãy lắng nghe góp ý của mọi người để có thể hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

      20. Tập luyện những bài thực hành này

      Kỹ năng mềm cần được sử dụng hàng ngày để thông thạo và trở thành phản xạ tự nhiên. Bạn cần ghi nhớ những lời khuyên kể trên và thực hành mỗi ngày.

      Tóm lại, kỹ năng kết nối đòi hỏi bạn phải tinh tế và khéo léo trong cả những hành động nhỏ nhất. Sẽ rất khó khăn để bạn lưu ý và thay đổi ngay lập tức, nhưng kiên trì rèn luyện kỹ năng cần thiết này hàng ngày sẽ giúp bạn cải thiện các mối quan hệ của bản thân!

      Khuê Lâm (Tổng hợp)

      Nguồn ảnh cover: bustle


      Có thể bạn quan tâm

      Kỹ năng, nghiệp vụ

      Phương pháp cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả bạn nên tham khảo ngay! (phần 1)

      06/02/2020

      Có kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn có được nhiều lợi thế trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, ...

      Kỹ năng, nghiệp vụ

      Vì sao kỹ năng giao tiếp lại cần thiết?

      06/02/2020

      Kỹ năng mềm là một trong những tiêu chí quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá khả năng của một ...

      Kỹ năng, nghiệp vụ

      Học kỹ năng giao tiếp, thuyết trình chuyên sâu bài bản tại Học viện Kỹ năng VTALK TP. HCM

      24/10/2023

      Học kỹ năng hiệu quả là phải áp dụng được vào thực tế chứ không chỉ là lý thuyết suông, và một ...

      Kỹ năng, nghiệp vụ

      Học lập trình cho bé – Xu hướng giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0

      11/10/2022

      Ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản hay Úc, lập trình đã trở thành bộ môn bắt ...