Ngành Kinh tế đối ngoại vẫn thường bị nhầm lẫn với ngành Kinh doanh quốc tế. Điều này dễ dẫn đến sai lầm trong việc định hướng nghề nghiệp và bạn có nguy cơ lựa chọn ngành học không phù hợp. Trong bài viết này, Edu2Review se phân tích 3 hiểu lầm phổ biến nhất về ngành Kinh tế đối ngoại để giúp bạn hiểu rõ hơn.
BẢNG XẾP HẠNG
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM
Kinh tế đối ngoại – Kinh doanh quốc tế, tuy 2 mà 1?
Dù đang quan tâm và tìm hiểu về ngành Kinh tế đối ngoại hay ngành Kinh doanh quốc tế thì đây chắc chắn sẽ là câu hỏi mà bạn thường xuyên thắc mắc. Thật ra đây là 2 ngành học hoàn toàn khác nhau. Tại Việt Nam, chúng ta thường hay sử dụng cụm từ “làm kinh tế” để chỉ việc kinh doanh làm giàu khiến nhiều người nhầm tưởng kinh tế là kinh doanh, học kinh tế là học cách kinh doanh, học cách kiếm tiền.
Kinh tế đối ngoại hay còn gọi là Kinh tế quốc tế có tên tiếng Anh là International Economics, trong khi đó Kinh doanh quốc tế là International Business. Khái niệm Economics bao gồm các vấn đề liên quan đến tổng thể nền kinh tế như tình trạng thất nghiệp, lạm phát, tăng trưởng kinh tế... và liên quan tới nhiều chủ thể như cá nhân, doanh nghiệp. nhà nước. Nhưng khái niệm Business – kinh doanh chỉ xoay quanh sự vận hành của doanh nghiệp. Do đó, có thể hiểu rằng khái niệm Economics – kinh tế mang tính vĩ mô và bao hàm các hoạt động kinh doanh.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về Kinh tế đối ngoại – International Economics. Đây là ngành học nghiên cứu về mối quan hệ trao đổi, giao thương giữa hai lãnh thổ, địa giới, quốc gia khác nhau trên thế giới. Lĩnh vực kinh tế đối ngoại bao gồm thương mại quốc tế, quan hệ tiền tệ, tín dụng quốc tế, đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ quốc tế khác.
Nhiều người nhầm lẫn hai ngành học Kinh tế đối ngoại và Kinh doanh quốc tế (Nguồn: thenypost)
Với phạm trù rộng lớn của khái niệm kinh tế, các sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại cũng sẽ được đào tạo nhiều bộ môn đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đa số các chương trình học ngành này sẽ tập trung vào giảng dạy về tài chính quốc tế, marketing quốc tế, vận tải và bảo hiểm, pháp luật kinh doanh quốc tế, thanh toán quốc tế, chứng khoán, kế toán hải quan.
Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ có kiến thức chuyên sâu về quản lý thị trường ngoại hối và đầu tư quốc tế; có khả năng nhận biết, phân tích và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, sự biến động của tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, sinh viên có thể hiểu rõ và tổ chức thực hiện các chính sách thương mại hay dự án đầu tư trong, ngoài nước.
Học kinh tế nhưng làm kinh doanh là "trái ngành"?
Như phân tích phía trên, khái niệm Economics – kinh tế bao gồm cả phạm trù kinh doanh và người học ngành Kinh tế đối ngoại cũng được đào tạo nhiều bộ môn đa dạng nên việc sinh viên học ngành kinh tế và tìm kiếm công việc tại các doanh nghiệp không hề là việc “trái ngành”. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại có thể đảm nhận các vị trí nhân viên, chuyên viên hay quản lý tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan đến yếu tố quốc tế như: doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, tổ chức đầu tư quốc tế, công ty đa quốc gia, văn phòng đại diện của doanh nghiệp/ tổ chức nước ngoài...
Bạn cũng có thể đảm nhận công việc liên quan đến thanh toán quốc tế, khai báo hải quan tại các ngân hàng ngoại thương. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại cũng có thể làm việc tại doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất – nhập khẩu, bảo hiểm.
Ngành Kinh tế đối ngoại có cơ hội làm việc đa lĩnh vực (Nguồn: cobizmag)
Với vốn kiến thức đa ngành và tập trung vào các kiến thức vĩ mô, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này có thể tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại các viện hay trung tâm nghiên cứu kinh tế, các trường đại học – cao đẳng trên cả nước. Nếu vượt qua kỳ thi công chức – viên chức, bạn có thể trở thành cán bộ làm việc tại bộ phận xúc tiến thương mại, quản lý đầu tư nước ngoài hoặc trở thành cán bộ hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Tuy vậy, trên thực tế, số lượng việc làm tại các doanh nghiệp luôn lớn hơn rất nhiều so với công việc nghiên cứu giảng dạy hay cán bộ nhà nước. Do đó đa số sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nói chung.
Tiếng Anh là ngôn ngữ “độc quyền” trong Kinh tế đối ngoại
Không thể phủ nhận rằng sinh viên Kinh tế đối ngoại cần có ngoại ngữ và tiếng Anh là một lựa chọn căn bản bởi mức độ phổ biến của nó. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn các ngôn ngữ khác như Pháp, Nga, Trung, Nhật để xét tuyển và học tập khi trúng tuyển vào khoa Kinh tế đối ngoại của một số trường.
Bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến, một lựa chọn “đương nhiên” khi học các ngành liên quan tới yếu tố quốc tế thì bạn có thể nhận thấy các ngôn ngữ kể trên đều đến từ các nước có nền kinh tế lớn và mạnh trên thế giới. Và với phạm trù rộng lớn của ngành Kinh tế đối ngoại thì việc có các chuyên viên kinh tế am hiểu những ngôn ngữ này sẽ là lợi thế lớn cho doanh nghiệp, tổ chức. Vì vậy, nếu đang theo đuổi ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh thì bạn cũng có thể yên tâm khi đăng ký ngành Kinh tế quốc tế.
Kinh tế đối ngoại mang lại nhiều cơ hội cho các sĩ tử học ngoại ngữ ngoài tiếng Anh (Nguồn: arbuz)
Edu2Review thông tin thêm với bạn về các tổ hợp bộ môn xét tuyển vào ngành học này bao gồm: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học); A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh); D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh); D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga); D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp); D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung); D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).
Dưới đây là danh sách một số đại học có thế mạnh đào tạo về chuyên ngành Kinh tế đối ngoại mà bạn có thể tham khảo.
Miền Bắc |
Miền Nam |
- Đại học Ngoại thương - Đại học Kinh tế Quốc dân - Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Đại học Thương mại - Học viện Chính sách và Phát triển |
- Đại học Ngoại thương cơ sở 2 - Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM |
Hiểu rõ thông tin về ngành học là cơ sở để các sĩ tử có lựa chọn chuyên ngành đào tạo phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Hy vọng những thông tin về ngành Kinh tế đối ngoại trong bài viết này phần nào đã giải đáp những thắc mắc của bạn. Chúc bạn vượt vũ môn thành công!
Khuê Lâm (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: unairan