Giao tiếp là một hoạt động cần thiết và diễn ra liên tục nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin, kết bạn... Thông qua cách nói chuyện, người khác cũng có thể đánh giá một phần con người bạn, và ngược lại. Tuy nhiên, làm thế nào để nói chuyện một cách thu hút, thuyết phục người khác và khiến họ quý mến mình. Edu2Review hy vọng những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng nói chuyện của mình.
Sử dụng ngôn từ và ngữ điệu phù hợp
Ngôn từ là một phần quan trọng để truyền đạt suy nghĩ của bản thân đến mọi người. Tuy nhiên, sự đa dạng và phong phú của từ ngữ sẽ gây khó khăn trong một số tình huống. Vì vậy, khi giao tiếp, bạn cần xác định thời gian, trường hợp nào nên nói chuyện và sử dụng ngôn từ như thế nào (trang trọng, thân thiện, vui vẻ…). Việc dùng từ ngữ thô tục hay tiếng lóng suốt cuộc nói chuyện là một điều hoàn toàn sai lầm.
Khi nói chuyện, để người nghe không cảm thấy khó chịu, bạn nên chú ý tránh những việc sau:
- Sử dụng quá nhiều các từ “à”, “ừ”.
- Nuốt chữ, luyến từ, nói quá nhanh hay lầm bầm.
- Dùng câu quá dài, nhiều thông tin.
- Tránh nói chuyện bằng tông ngang vì sẽ làm mọi người xung quanh cảm thấy nhàm chán, buồn ngủ. Cần lên, xuống giọng đúng lúc để thu hút sự quan tâm của người nghe.
Kết hợp ngôn ngữ cơ thể với lời nói
Ngôn ngữ cơ thể có khi là những hành vi theo bản năng. Mọi người có thể đánh giá một phần con người của nhau thông qua những cử chỉ ấy. Nếu muốn tạo ấn tượng với người đối diện trong lúc giao tiếp thì bạn cần học cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Đôi khi, một cử chỉ tay của bạn cũng có thể làm người khác dễ hiểu hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, giao tiếp bằng mắt cũng có thể nâng cao chất lượng tương tác trực tiếp khi nói chuyện. Đối phương sẽ cảm thấy dễ chịu, thân thiết hơn khi bạn nhìn vào họ trong suốt cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý một vài điều:
- Không nên nhìn chằm chằm vào mắt đối phương.
- Đảo mắt liên hồi hay nhìn người khác khi nói chuyện sẽ làm họ khó chịu.
- Nháy mắt với người khác giới là việc khá mất lịch sự.
- Nhìn xuống chân sẽ thể hiện sự thiếu tự tin.
- Học cách kiểm soát cảm xúc, luôn mỉm cười khi giao tiếp và hạn chế thể hiện mọi thứ trên mặt.
Thật sự lắng nghe người khác
Người trò chuyện giỏi không phải lúc nào cũng giành thế chủ động khi giao tiếp mà còn phải có kỹ năng lắng nghe. Khi bạn làm được như vậy, đối phương sẽ thấy gần gũi, thân thiết và có mong muốn được nói chuyện nhiều hơn. Vì vậy, đừng cố gắng nói quá nhiều mà hãy chú ý tỷ lệ thời gian nói và nghe của bạn.
Để lắng nghe người khác nhưng vẫn có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện, bạn nên chú ý:
- Lắng nghe một cách cẩn thận và kiên nhẫn để tạo cảm giác bạn đang hứng thú với câu chuyện của người kể.
- Đặt mình vào vị trí người nói để hiểu và tôn trọng câu chuyện của họ.
- Trong lúc nghe, bạn nên có một số phản ứng đáp lại câu chuyện của đối phương như “à”, “ừ”, "vâng”...
- Phản hồi lại câu chuyện sẽ giúp mọi người thấu hiểu và thân thiết với nhau hơn.
- Không chen ngang hay ngắt lời người khác khi họ đang nói.
Biết cách đặt câu hỏi
Người giao tiếp giỏi có thể khuyến khích được sự tương tác của đối phương, tạo môi trường thân thiện và thu thập nhiều thông tin nếu biết cách đặt câu hỏi đúng lúc. Ngoài ra, bạn có thể hướng câu chuyện đi theo mong muốn của mình bằng những câu hỏi thông minh. Bạn cũng cần chú ý số lỗi sai thường gặp của việc đặt câu hỏi:
- Hỏi một cách hời hợt, cho có.
- Hỏi để khai thác thông tin điểm yếu của người khác nhằm công kích họ.
- Đặt câu hỏi quá dài làm câu người nghe không nhớ hết để trả lời.
- Sau khi hỏi xong lại không tập trung nghe câu trả lời.
- Đặt những câu hỏi không phù hợp với lứa tuổi, đối tượng và không gian.
- Quá nhiều câu hỏi “Có”, “Không” khi vừa bắt đầu sẽ làm cuộc trò chuyện trò nên nhàm chán.
Kết thúc cuộc trò chuyện đúng lúc
Bạn có thể thật sự bận rộn và cần kết thúc cuộc trò chuyện hoặc là không còn chủ đề để trao đổi với nhau. Một số mẹo có thể giúp bạn kết thúc cuộc trò chuyện:
- Mời đối phương làm một việc khác cùng bạn.
- Giới thiệu người đó với một người khác.
- Dẫn cuộc trò chuyện quay lại lý do bắt đầu.
- Sử dụng kiểu câu rút lui như “Tôi cần tìm chỗ đi vệ sinh”, “Tôi cần quay lại hoàn thành công việc trước buổi trưa/chiều”.
- Kết thúc bằng sự cảm kích.
Kỹ năng nói chuyện tự nhiên, lôi cuốn không thể học một cách nhanh chóng mà phải trải qua quá trình rèn luyện, tích lũy. Bạn không cần vội vàng, hãy chậm rãi từng bước để có thể trở thành nhà giao tiếp thành công.
Ngọc Liễu (Tổng hợp)