Khi trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người trong một buổi nói chuyện, có thể khiến bạn dễ rơi vào trạng thái bối rối và mắc phải sai lầm. Edu2Review xin tổng hợp 7 sai lầm phổ biến trong trường hợp này và giải pháp khắc phục để giúp bạn hoàn thiện kỹ năng nói trước đông hiệu quả.
Mất bình tĩnh
Đây là một trong những sai lầm mà hầu hết ai cũng có thể gặp phải. Cảm giác choáng ngợp trước đám đông sẽ khiến bạn mất bình tĩnh vã kéo theo nhiều rắc rối. Có 3 phương pháp để kiểm soát cảm xúc mất bình tĩnh mà các diễn giả nổi tiếng hay áp dụng đó là:
- Luyện tập bài phát biểu trước gương thật nhuần nhuyễn: Đây là cách mà tất cả các diễn giả áp dụng và đã được kiểm chứng. Chuẩn bị chu đáo là phương án giúp bạn giữ được bình tĩnh tốt nhất.
- Chia sẻ và xin lỗi: Hãy “đánh phủ đầu” bằng cách chia sẻ những khó khăn, áp lực bạn đang gặp phải với đám đông của bạn. Đây là cách để bạn chiếm sự đồng cảm của công chúng. Bạn cũng có thể chủ động lên tiếng xin lỗi, nếu bạn cảm thấy bản thân làm chưa tốt. Trút bỏ được những điều này, bạn sẽ lấy lại được sự bình tĩnh.
- Sử dụng thuốc an thần: Đây là phương án cuối cùng nếu bạn thực sự mất kiểm soát nhưng lại không thể bỏ lỡ sự kiện. Một số loại thuốc sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và có được trạng thái tốt nhất. Tuy nhiên, bạn cần phải sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Mất bình tĩnh làm bài thuyết trình kém hoàn hảo (Nguồn: caromonthealth)
Quên nội dung trình bày
Rất nhiều người khi đứng trước đám đông thường “đứng hình” rất lâu vì quên mất nội dung cần trình bày. Nguyên nhân chủ yếu là do bạn chưa chuẩn bị kỹ càng nội dung. Bạn có thể lập dàn ý những điều cần nói ra giấy, hãy sử dụng kỹ năng ghi chép dạng liệt kê để bạn có thể dễ dàng nhận ra các ý cần nói. Tuy nhiên đừng quá phụ thuộc vào nội dung chuẩn bị sẵn bởi điều này khiến bạn trông không chuyên nghiệp.
Tại nhiều địa điểm tổ chức diễn thuyết, các diễn giảng thường sử dụng máy nhắc chữ khi nội dung phải trình bày quá dài và khó nhớ. Nếu tại nơi bạn chuẩn bị diễn thuyết cũng có hỗ trợ công nghệ này, hãy tận dụng nó để đảm bảo bài phát biểu được trọn vẹn.
Không diễn tập trước khi phát biểu chính thức
Dù bạn là một diễn giả chuyên nghiệp thì việc luyện tập trước khi diễn ra bài phát biểu, diễn thuyết luôn là điều cần thiết. Cẩn thận hơn, bạn có thể đến địa điểm mà sự kiện được tổ chức để khảo sát hệ thống thiết bị, thiết kế không gian và có thể đưa ra những đề xuất điều chỉnh cần thiết.
Đừng quên luyện tập trước khi sự kiện chính thức bắt đầu (Nguồn: abv.edu)
Nếu bạn chưa có kỹ năng nói trước đám đông, hãy tưởng tượng như mình đang đứng trước đám đông và luyện tập nhiều lần. Bạn sẽ không còn cảm thấy ngại ngùng hay mất bình tĩnh khi đối mặt với đám đông. Bạn cũng nên chuẩn bị cho cả những tình huống xấu nhất và cách giải quyết khi tình huống xảy ra. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống.
Bên cạnh việc tập diễn thuyết, hãy tìm người thân hoặc bạn bè, những người có thể đưa ra nhận xét và giúp bạn cải thiện bài nói của bạn. Những ý kiến khách quan có thể sẽ đưa đến những quan điểm mới và thú vị hơn cho phần chuẩn bị của bạn.
Cố gắng bắt chước người khác
Khi học giao tiếp tiếng Anh, có nhiều lời khuyên rằng bạn nên bắt chước cử chỉ, ngữ điệu khi nói của ai đó để đẩy nhanh hiệu quả học tập. Tuy nhiên, với trường hợp bạn cần nói trước đám đông thì đây lại là cách làm sai lầm.
Sự thực là khi bắt chước người khác, bạn không thể làm tốt như họ, nguyên nhân do bạn không có những kỹ năng giống như họ. Và nếu như bạn đang cố bắt chước một ai đó thì đâu là lý do nhà tổ chức lại phải lựa chọn một “phiên bản lỗi”?
Cố gắng bắt chước một ai đó sẽ chỉ chứng tỏ bạn không đủ tự tin về năng lực bản thân. Kỹ năng nói trước đám đông yêu cầu bạn phải là chính mình, hãy diễn tả những điều bạn muốn diễn đạt theo phong cách của riêng bạn.
Hãy là chính mình, đừng trở thành bản sao lỗi của người khác (Nguồn: kenhtuyensinh)
Không dám chia sẻ quan điểm cá nhân
Khi đứng trước một đám đông có những khán giả mà học vị cao hơn mình, nhiều diễn giả thường không dám chia sẻ quan điểm thật của mình do lo sợ bị đánh giá là nói sai. Nếu vấn đề đang đề cập liên quan đến kiến thức học thuật, giải pháp là hãy “thú nhận” với khán giả về những hạn chế về khả năng hiểu biết của bản thân và luôn sẵn sàng học hỏi từ chính những khán giả.
Còn nếu trường hợp bạn chia sẻ liên quan đến các vấn đề xã hội thì quan điểm của cá nhân ở đây không mang ý nghĩa đúng – sai mà nó chỉ đơn thuần trình bày và thể hiện thế giới quan của bạn. Hãy tự tin thể hiện điều đó và thuyết phục họ về quan điểm của bạn và những lý do cho thấy điều đó là hợp lý. Đơn giản vì mỗi người luôn có một quan điểm khác nhau nên bạn không cần quá bận tâm về những phán xét của mọi người.
Những lỗi sai trong cách nói chuyện
Những sai lầm mà bạn thường gặp khi nói chuyện trước đám đông là cố tỏ ra trịnh trọng, “đao to búa lớn” dẫn đến vẻ thiếu tự nhiên. Bên cạnh đó, những lỗi về diễn đạt khi diễn thuyết như: nói nhỏ, nói lắp, dừng đột ngột, không nói đúng trọng tâm vấn đề… cũng xảy ra khá nhiều. Đây là sai sót bạn cần lưu ý nếu muốn hoàn thiện kỹ năng nói trước đông của mình.
Dưới đây là những hướng dẫn để bạn hạn chế lỗi sai này:
- Nói to, rõ ràng: Rèn luyện kỹ năng nói chuyện trước gương hay thử ghi âm sẽ giúp bạn điều chỉnh khẩu hình miệng, cách phát âm, biểu cảm gương mặt.
- Sửa ngay lỗi nói lắp bằng cách tự luyện tập một mình: Lỗi nói lắp thường gặp khi ta quá căng thẳng, việc này chỉ có thể giải quyết khi bạn luyện tập thật nhiều và biết cách kiểm soát cảm xúc cá nhân.
- Nói theo chủ đề và các nội dung chính đã được soạn sẵn: Bạn có thể lấy ví dụ để bài nói sinh động hơn nhưng đừng lan man mà quên đi nội dung chính.
Chú ý tới đối tượng người nghe để tránh các lỗi diễn đạt (Nguồn: dartmouth)
Không sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Theo nhiều nghiên cứu, hầu hết người nghe chỉ dành 20% sự chú ý đến nội dung bài nói và 80% còn lại dành cho các cử chỉ, phong thái của người nói. Do vậy. để trở thành nhà diễn thuyết giỏi, bạn cần phải thành thạo cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi diễn thuyết.
Các hành động bạn nên thực hiện khi diễn thuyết:
- Thu hút khán giả qua ánh mắt: Lưu ý không nhìn thẳng vào mắt khán giả, để tránh gây cảm giác khó chịu cho khán giả.
- Kết hợp các cử chỉ tay phù hợp với nội dung đang nói: Chú ý không đưa tay quá cao hoặc quá thấp, vì điều này có thể phân tán sự chú ý từ phía khán giả. Bên cạnh đó, hành động lắc bàn tay, co duỗi nắm tay cũng sẽ làm bạn bớt run hơn.
- Nên đi lại thường xuyên thay vì chỉ đứng im một chỗ.
Trên đây là một số lỗi sai khiến kỹ năng nói trước đám đông của bạn không được đánh giá cao. Hãy cố gắng khắc phục bằng cách luyện tập thường xuyên.
Khuê Lâm (Tổng hợp)