Điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học – Cao đẳng chưa hợp lý (nguồn: baogiaothong)
Mục đích xưa nay của mức điểm ưu tiên khu vực trong các kì tuyển sinh là nhằm khuyến khích các bạn học sinh vùng sâu vùng xa hay các tỉnh nhỏ lẻ được tiếp cận với nền giáo dục chuyên sâu. Tuy nhiên, thực tế ngày nay với tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã dần được rút ngắn, nên mức điểm ưu tiên khu vực cần được xem xét lại.
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher
Hợp lý hay không, việc điểm chuẩn Đại học lên đến 30.5?
Trong tổ hợp 3 bài thi, với mỗi môn cao nhất là 10 điểm thì điểm chuẩn lẽ ra nên dừng lại ở mức điểm tối đa 30. Ấy vậy, trong đợt tuyển sinh năm 2017 qua, có trường lại đưa ra mức điểm chuẩn 30.5, điều này cho thấy nhà trường đã cộng gộp điểm ưu tiên vào và đưa ra mức vượt chuẩn 30 tối đa cho 3 bài thi.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT nói: “Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt ĐH. Đây là điều bất hợp lý"
Ông còn cho biết theo quy chế của Bộ GD&ĐT, điểm ưu tiên là điểm cộng thêm khi xét tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn một trường Đại học tối đa là 30. Nhưng với những thí sinh dưới 30 điểm, có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Tuy nhiên, theo cách tính điểm xét tuyển, một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho thí sinh, sau đó suy ra điểm chuẩn là 30,5 được cho là điều không hợp lý.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT lên tiếng vì mức điểm ưu tiên hiện nay (nguồn: trading insight)
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết xác định điểm chuẩn trên 30 chính là trực tiếp loại thẳng thí sinh không thuộc diện được hưởng điểm ưu tiên, trái với nguyên tắc xét tuyển (xem xét điểm của 3 bài thi rồi mới xem xét tiếp đến điểm ưu tiên). Thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà không trúng tuyển thì phải xem lại chính sách.
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM bức xúc với vấn đề điểm ưu tiên (nguồn: báo Thanh Niên)
Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng điều kiện học tập của học sinh ở những địa phương vốn được coi là khó khăn giờ đã đổi khác. Với tốc độ phát triển của Internet hiện nay, học sinh dể dàng tiếp cận và học tập thông qua các diễn đàn.
Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã được rút ngắn. Hơn nữa, kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm vừa qua lại được tổ chức tại địa phương, thậm chí địa phương đóng vai trò chủ trì như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 thì khó bảo đảm tính công bằng như các kỳ thi Đại học trước đây.
Câu chuyện điểm ưu tiên: cộng bao nhiêu là đủ?
Mức điểm hiện tại mà Bộ GD&ĐT đưa ra là 0,5 điểm với khu vực II, 1 điểm với khu vực II nông thôn và 1,5 điểm với khu vực I và mức cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) không quá 3,5 điểm.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng cần duy trì chính sách ưu tiên để bảo đảm công bằng xã hội, do điều kiện học tập giữa thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi còn có sự chênh lệch. Nhưng chính sách điểm ưu tiên như hiện nay đang tạo hiệu ứng ngược, cần phải điều chỉnh giảm ít nhất một nửa.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nói thực tế cho thấy nhiều sinh viên đổ dồn về thành phố học và ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khi chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực là tạo điều kiện để học sinh ở những vùng này được học đại học, với mục tiêu nhằm sau này trở về phục vụ địa phương. Điều này làm cho chính sách cộng điểm ưu tiên không còn nhiều giá trị.
Một vị Phó hiệu trưởng trường ĐH ở TP.HCM đưa ra 2 phương án cho vấn đề điểm ưu tiên:
- Phương án 1: Theo ông với những trường vốn có điểm chuẩn cao như Công an, Quân đội, Y dược,… thì trước tiên cần quan tâm đến điểm thi của thí sinh. Phải coi điểm thi thực tế là yếu tố quyết định, sau đó mới xét đến điểm ưu tiên của thí sinh.
- Phương án 2: Hiện nay thí sinh khu vực II được cộng 0.5 điểm ưu tiên, khu vực II nông thôn được cộng 1 điểm và 1.5 điểm ưu tiên cho khu vực I thì nay giảm tương ứng chỉ còn được cộng ưu tiên 0.2 – 0.4 – 0.6 điểm.
Và ông cho rằng phương án 1 thích hợp hơn trong vấn đề tuyển sinh.
Duy Khanh tổng hợp
Nguồn: Zing News