Là phần thi cuối cùng, lại phải “face to face” với ban giám khảo nên Speaking IELTS là chướng ngại vật không hề dễ đối với các thí sinh. Phần thi này kéo dài từ 11 – 14 phút, thí sinh sẽ nói chuyện trực tiếp với ban giám khảo trong một căn phòng riêng biệt và được ghi âm lại. Bài phỏng vấn thông thường chia làm 3 phần liên tục.
Vì vậy, nếu có sự chuẩn bị, lên ý tưởng trả lời sẵn cho phần Speaking, bạn sẽ gây được ấn tượng với ban giám khảo. Khi đó, điểm số IELTS cao nằm trong tầm tay của bạn. Dưới đây là một vài gợi ý của Edu2Review để bạn lên ý tưởng cho mỗi phần thi Speaking.
Part 1. Sử dụng những từ để hỏi
Thông thường trong phần thi này, bạn sẽ được hỏi về các chủ đề quen thuộc, không mang tính học thuật như học vấn, công việc, học vấn, du lịch, quê hương, nơi ở hay sở thích… Vì vậy để lên ý tưởng cho câu trả lời trong phần Speaking Part 1, bạn nên dựa vào những từ để hỏi phổ biến như What, Where, When, Who, Why và How.
Chẳng hạn, với câu hỏi Please could you describe your father?. Vận dụng phương pháp trên, sử dụng các từ để hỏi như Who, What, How, Where, Why sẽ gợi ý cho bạn miêu tả về ba ở các khía cạnh như tên (What is his name?), công việc (What hos is he doing?), đặc điểm bên ngoài (How does he look like?), nơi làm việc (Where is he working?), lý do bạn yêu ba (Why do you love him?). Tương tự, bạn có thể vận dụng phương pháp này cho các câu hỏi khác về du lịch, sở thích, quê hương…
Part 2. Một phút chuẩn bị thông minh
Ở phần Speaking Part 2, bạn sẽ được phát một chủ đề để nói liên tục trong 2 phút. Theo đó, bạn có 1 phút để chuẩn bị và được phát một tờ giấy, 1 cây bút cho việc này. Thông thường, mỗi chủ đề nói đều có 4 câu hỏi gợi ý.
Chẳng hạn, chủ đề có thể là “Describe an artist or entertainer that you admire” - Miêu tả một nghệ sĩ hoặc nhà giải trí mà bạn hâm mộ. Với chủ đề này sẽ có 4 câu hỏi gợi ý là “Người nghệ sĩ đó theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật nào?”, “Tại sao bạn biết đến họ?”, “Bạn đã gặp họ bao giờ chưa?” hay “Tại sao bạn hâm mộ họ?”.
Để có ý tưởng trả lời cho 4 câu hỏi này, bạn hãy chia tờ giấy nháp làm 4 hình chữ nhật bằng nhau, mỗi hình chữ nhật sẽ đại diện cho một câu hỏi gợi ý. Khi thời gian chuẩn bị bắt đầu, bạn sẽ lần lượt ghi câu trả lời cho 4 câu hỏi gợi ý lên các hình chữ nhật. Lưu ý, bạn nên ghi những từ khóa như tên riêng, người, năm, quốc gia, hành động... để không mất nhiều thời gian. Bạn cũng có thể vận dụng phương pháp ở phần part 1 trên trong thời gian chuẩn bị này.
Cách làm trên sẽ giúp bạn chuẩn bị bài nói logic. Khi thời gian nói 2 phút bắt đầu, bạn nên chia đều thời gian để nói cả 4 hình chứ không nên tập trung vào 1 hình nào.
Part 3. Hãy học ý tưởng theo chủ đề
Những đề tài được hỏi trong part 3 thường là chủ đề xã hội, mang tính học thuật cao như giáo dục, gia đình, du học, văn hóa dân tộc... Để đạt điểm cao trong phần này, bạn nên học ý tưởng theo chủ đề.
Ví dụ, khi bạn ôn tập chủ đề môi trường, hãy ghi lại những ý tưởng chính sẽ có khả năng xuất hiện cao như: Lý do dẫn đến ô nhiễm môi trường (rác thải, khói bụi, hoạt động công nghiệp...); hậu quả (sức khỏe con người, cảnh quan thiên nhiên...) và giải pháp (quản lý nhà nước, tuyên truyền..)… Bạn thực hiện điều này tương tự cho các chủ đề khác.
Với những gợi ý lên ý tưởng cho 3 phần thi Speaking IELTS trên, bạn hãy luyện tập ở nhà để chuẩn bị thật tốt cho lần chinh phục IELTS sắp tới nhé.
Kim Thư (tổng hợp)