Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2012, ngành Logistics của Việt Nam xếp thứ 53 trên 155 nước khảo sát và đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Song song đó, nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong ngành dịch vụ này ngày càng tăng cao mở ra nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao. Vậy ngành Logistics cụ thể là gì? Sinh viên ra trường có thể đảm nhiệm những vị trí nào? Đâu là các trường đại học đào tạo ngành này? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau!
Bảng xếp hạng
các trường đại học tại Việt Nam
Ngành Logistics: Lĩnh vực "không biên giới"
Mặc dù, từ Logistics được sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến nhưng khó dịch được chính xác ý nghĩa của từ này. Đây là một quy trình khép kín, gồm nhiều công đoạn từ việc lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện.
Người làm Logistics phải đảm bảo tối ưu hóa về cả thời gian và chi phí trong việc vận chuyển hàng hóa hoặc thông tin từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Các hoạt động của Logistics bao gồm thu mua, vận tải, kiểm tra và phân tích kỹ thuật, bưu chính, thương mại bán buôn, quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng…
Có thể nói một cách đơn giản và dễ hiểu, Logistics là dịch vụ giao, nhận và lưu trữ hàng hóa sao cho tối ưu và hiệu quả. Dù vậy, chính định nghĩa tối giản này cũng phần nào toát lên sự "đa-zi-năng" của người làm nghề Logistics.
Nghề Logistics: Lĩnh vực "hot hit" trên toàn cầu
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay có 80,26% nhân lực trong các công ty Logistics chủ yếu được đào tạo thông qua công việc hàng ngày. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về Logistics lên đến 200.000 người. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực Logistics chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Để trụ vững trên thương trường Logistics với sự phát triển mạnh mẽ lên đến 30% mỗi năm, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bắt đầu bằng việc tuyển dụng những nhân viên có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt.
Nhằm "chiêu mộ" nhân tài, doanh nghiệp ngành Logistics sẵn sàng hào phóng chi mức lương "khủng". Tại Việt Nam, nhân viên Logictics mới ra trường, chưa có kinh nghiệm có mức lương khởi điểm trung bình từ 6 – 8 triệu VNĐ/tháng. Các vị trí quản lý, lãnh đạo dao động từ 3.000 – 4.000 USD/tháng, đặc biết vị trí Giám đốc Chuỗi cung ứng có mức lương từ 5.000 – 7.000 USD/tháng.
Tốt nghiệp ngành Logistics, người học có thể đảm nhiệm những công việc sau:
- Chuyên viên hoạch định và điều phối chuỗi cung ứng
- Chuyên viên quản lý kho vận
- Chuyên viên quản lý mua hàng
- Chuyên viên quản lý dự án
- Chuyên viên điều phối hệ thống vận tải
- Chuyên viên thủ tục hải quan và quản lý xuất nhập khẩu
- Chuyên viên dịch vụ khách hàng
>> Danh sách những nghề có thu nhập cao tại Việt Nam từ VietnamWorks
Một buổi talk-show về Logistics thu hút đông đảo sinh viên tham gia (Nguồn: uniacademy)
Danh sách các trường đại học đào tạo ngành Logistics
Khu vực Hà Nội:
- Đại học Ngoại thương Hà Nội
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Thương mại
- Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội
- Đại học Kinh tế (UEB) – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Học viện Tài chính – AOF
- Học viện Chính sách và Phát triển (APD)
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
Khu vực TP.HCM:
- Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại học Hoa Sen
- Đại học Văn Hiến
- Đại học Giao thông Vận tải
- Đại học Quốc tế RMIT
- Đại học Bách khoa TP.HCM
- Đại học Kinh tế – Luật
- Đại học Văn Lang
- Đại học Tôn Đức Thắng
Khu vực khác
- Đại học Hàng hải (Hải Phòng)
- Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng (Đà Nẵng)
- Đại học Đông Á (Đà Nẵng)
Với mức lương hậu hĩnh cùng cơ hội việc làm cao, ngành Logistics có thể là lựa chọn đáng cân nhắc cho những ai còn đang băn khoăn trên con đường định hướng nghề nghiệp. Thế nhưng, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ này, đòi hỏi người lao động phải có năng lực thực sự và không ngừng trau dồi bản thân. Trên đây là những thông tin cơ bản về ngành Logistics, Edu2Review hy vọng có thể giúp ích cho bạn đọc trong công cuộc định chọn ngành, chọn nghề của mình!
Mai Trâm (Tổng hợp)
Nguồn: portalcontexto