Tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Các ngành học liên quan tới ngôn ngữ này luôn được nhiều người quan tâm, trong đó có ngành Tiếng Anh thương mại. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng ngành học này không chuyên sâu về một lĩnh vực nào, chỉ đơn thuần học về ngoại ngữ nên tương lai đầu ra có phần hạn chế. Thực hư ra sao, hãy cùng Edu2Review tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây nhé!
bảng xếp hạng
Trường đại học tốt nhất Việt Nam
Lý lịch của chuyên ngành Tiếng Anh thương mại
Tiếng Anh thương mại thuộc khối ngành Ngôn ngữ Anh, là ngành học đào tạo ngoại ngữ phục vụ cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty đa quốc gia. Bên cạnh kiến thức về các kỹ năng cơ bản nghe – nói – đọc – viết của tiếng Anh, người học ngành này sẽ được bổ trợ nhiều kiến thức thuộc lĩnh vực kinh tế như marketing, tài chính, quản trị, luật, nhân sự...
Cùng nằm trong khối ngành Ngôn ngữ Anh, nên chuyên ngành Tiếng Anh thương mại thường bị nhầm lẫn với chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Thậm chí, một số người cho rằng nếu học ngành Sư phạm Anh cũng có thể đảm nhận các công việc chuyên môn của ngành Tiếng Anh Thương mại. Edu2Review giúp bạn phân biệt 3 ngành học này qua bảng so sánh dưới đây.
Chuyên ngành |
Tiếng Anh Thương mại |
Ngôn ngữ Anh |
Sư phạm Anh |
Mục tiêu |
Đào tạo người học sử dụng tiếng Anh thuần thục trong hoạt động thương mại. |
Đào tạo người học hiểu sâu về cách sử dụng tiếng Anh và các kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của các đất nước sử dụng tiếng Anh trên thế giới. |
Đào tạo người học có kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại các cơ sở đào tạo. |
Chương trình học |
Sinh viên học cách sử dụng 4 kỹ năng tiếng Anh một cách thành thạo và được bổ trợ thêm kiến thức thuộc mảng kinh tế (marketing, tài chính – kế toán, quản trị, luật, nhân sự…). |
Đào tạo sinh viên kiến thức về cách sử dụng tiếng Anh và tập trung nghiên cứu, phân tích các tác phẩm văn học tiếng Anh. |
Tập trung nghiên cứu ngữ pháp và từ vựng nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy. Sinh viên ngành Sư phạm Anh sẽ được học các bộ môn sư phạm như tâm lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm... |
Công việc |
Đảm nhận vị trí nhân viên trong doanh nghiệp, công ty đa quốc gia. Sinh viên sau ra trường có thể trở thành biên – phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch hay tiếp viên hàng không... |
Ngành Ngôn ngữ Anh mang tính học thuật, nên công việc chủ yếu thiên về nghiên cứu. |
Sinh viên ngành Sư phạm Anh phần lớn phù hợp với công việc giảng dạy tại các trường học, trung tâm ngoại ngữ do được đào tạo chủ yếu về nghiệp vụ sư phạm. |
Tiếng Anh Thương mại đào tạo kiến thức ngoại ngữ và kinh tế (Nguồn: idplanguage)
Tiếng Anh Thương mại – “vé thông hành” cho mọi ngành nghề
Với ứng dụng sâu rộng của tiếng Anh và xu hướng giao thương ngày càng tăng giữa các quốc gia, ngành Tiếng Anh Thương mại không ngừng tăng độ hot trong những năm gần đây. Nhiều người nghĩ rằng ngành học này không tập trung về một chuyên ngành cụ thể nên ít có khả năng xin việc, nhưng trên thực tế có rất nhiều cơ hội việc làm cho ngành học này.
Dưới đây là một số công việc phổ biến cho sinh viên ngành Tiếng Anh Thương mại:
- Biên phiên dịch tiếng Anh Thương mại
Đây là một nghề đòi hỏi khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo và những kiến thức về ngành kinh tế. Việt Nam đang trở thành một điểm đến mới của các nhà đầu tư quốc tế, rất cần những người đảm nhận vị trí biên phiên dịch để hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi. Bên cạnh những kiến thức được đào tạo tại trường, nếu bạn muốn theo đuổi công việc này thì nên rèn luyện thêm các nhóm kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.
- Trợ lý/ Thư ký
Công việc này có thể không đòi hỏi quá nhiều về kỹ năng chuyên môn mà nhấn mạnh hơn vào khả năng tiếng Anh của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực mà công ty hoạt động để hỗ trợ nhà quản lý. Kỹ năng biên phiên dịch cũng là yếu tố cần thiết cho vị trí này. Đối với sinh viên mới ra trường, để có kiến thức cơ bản về công việc này, các bạn có thể tham gia các khóa đào tạo kỹ năng của nghề thư ký giám đốc hoặc quản trị văn phòng.
Sinh viên ngành Tiếng Anh Thương mại có đủ kỹ năng để đảm nhận vai trò thư ký/ trợ lý (Nguồn: itechfy)
- Xuất nhập khẩu
Đối với vị trí chuyên viên xuất nhập khẩu, các nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số yêu cầu đối với ứng viên như: nắm vững quy trình xuất nhập khẩu, có kinh nghiệm làm chứng từ, kỹ năng soạn thảo các loại văn bản, hợp đồng giao dịch… Bạn nên học thêm về nghiệp vụ xuất nhập khẩu để hoàn thiện kỹ năng và đáp ứng yêu cầu công việc.
- Giảng viên Tiếng Anh Thương mại
Với bất kỳ một chuyên ngành nào, khi ra trường bạn có thể trở thành giảng viên của chuyên ngành đó nếu có thành tích tốt. Bên cạnh các kiến thức đã được học, bạn có thể sẽ phải học bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên ngành ở bậc cao học và cần chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để bổ sung kỹ năng giảng dạy.
Nên học ngành Tiếng Anh Thương mại ở đâu?
Là một ngành học chuyên sâu về tiếng Anh nên ngành Tiếng Anh Thương mại yêu cầu các sinh viên phải có nền tảng tiếng Anh khá từ bậc phổ thông. Các tổ hợp tuyển sinh của ngành đều cần có tiếng Anh. Cụ thể, ngành Tiếng Anh Thương mại tuyển sinh các tổ hợp: D01 (Toán, Văn, Anh), A01 (Toán, Lý, Anh), D10 (Toán, Địa, Anh), D14 (Văn, Sử, Anh).
Để giúp bạn tiện tra cứu các trường đào tạo ngành Tiếng Anh Thương mại trong khu vực của mình, Edu2Review mời bạn tham khảo các trường đại học có chuyên ngành này và phân chia theo khu vực.
Miền Bắc |
Miền Trung |
Miền Nam |
- Đại học Kinh tế quốc dân - Đại học Ngoại Thương - Đại học Hàng hải - Đại học Thương mại - Học viện Ngân hàng - Đại học FPT cơ sở Hà Nội |
- Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng - Đại học Hải Phòng - Đại học Phú Xuân - Đại học Quy Nhơn - Đại học FPT cơ sở Đà Nẵng |
- Đại học Ngoại thương TP.HCM - Đại học Hoa Sen - Đại học Tài chính Marketing TP.HCM - Đại học Ngân hàng TP.HCM - Đại học Kinh tế TP.HCM - Đại học Sài Gòn - Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Đại học FPT |
Trên đây là một số thông tin về ngành Tiếng Anh Thương mại mà Edu2Review đã tổng hợp. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn sớm tìm được ngành học phù hợp với bản thân. Chúc bạn thành công với lựa chọn của mình!
Khuê Lâm (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: English Learn Online