Trong những năm 70, nhà khoa học Đức Sebastian Leitner đã nghiên cứu và phát minh ra phương pháp học tập lặp lại ngắt quãng. Trong đó, bạn chia nhỏ thời gian ra và ôn lại những gì mình đã học theo từng khung giờ nhất định, nhằm lưu giữ kiến thức được lâu dài hơn. Qua nhiều năm ứng dụng, phương pháp Leitner được các bạn đánh giá là cách học bảng chữ cái tiếng Nhật nhanh nhất, đặc biệt là khi kết hợp với flashcard.
Xem ngay bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Cách học tiếng Nhật cơ bản qua flashcard với phương pháp Leitner
Khi áp dụng cách học bảng chữ cái tiếng Nhật nhanh nhất Leitner, bạn đã biết về những chữ cái này cũng như cách đọc đúng, nhưng chưa thật sự thành thạo và phản xạ nhanh như mong muốn. Mỗi lần ôn tập, các flashcard được lấy ra lần lượt để kiểm tra mức độ nhớ. Sau đó, tùy theo việc bạn nhớ hay quên chữ cái mà flashcard được phân loại vào những cái hộp khác nhau.
Cụ thể, hộp đầu tiên là “đang học” và hộp cuối cùng là “đã thuộc”, còn chính giữa có 10 cái hộp, được đánh số: 0-8-5-1, 1-9-6-2, 2-0-7-3, 3-1-8-4, 4-2-9-5, 5-3-0-6, 6-4-1-7, 7-5-2-8, 8-6-3-9, 9-7-4-0.
Mỗi lần ôn tập được đánh số từ 0 đến 9, lặp lại từ 0 khi đi hết 9 và tương ứng với 10 cái hộp ở giữa. Nếu bạn học thành công một chữ cái bất kỳ vào lần ôn tập thứ mấy thì chữ đó sẽ được dời từ hộp “đang học” sang hộp có số tương ứng.
Ví dụ: Bạn thuộc chữ め ở lần ôn tập số 2, thì flashcard này được xếp vào hộp 2-0-7-3. Khi đó, chữ め sẽ được lấy ra kiểm tra mức độ nhớ ở lần học thứ 0, 7 và 3. Bất kỳ khi nào bạn không thuộc, め quay về ngay hộp “đang học” và phải làm lại từ đầu. Còn nếu thành công qua hết tất cả các lần học thì め được xếp vào hộp “đã thuộc” và bạn không cần quay lại với chữ cái này nữa.
Bạn có thể tự thiết kế hoặc mua những mẫu flashcard bảng chữ cái có sẵn (Nguồn: amazon)
Đây là cách học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu áp dụng nguyên lý Leitner, hơi phức tạp nên bạn phải tập trung để tránh sai sót. Nếu bạn muốn học chữ cái tiếng Nhật theo mức độ thành thạo thì chỉ cần chuẩn bị 3 cái hộp:
- Hộp 1: Những chữ cái bạn chưa thuộc, hay ấp úng, đọc sai. Hộp này được ôn tập mỗi ngày.
- Hộp 2: Những chữ cái bạn thuộc tương đối nhưng vẫn còn quên, chưa đọc ngay được khi nhìn thấy. Hộp này được ôn tập 3 ngày/lần.
- Hộp 3: Những chữ cái bạn rất thuộc, có thể phản xạ nhanh khi nhìn vào. Hộp này được ôn tập 5 ngày/lần.
Khi rút 1 flashcard chữ cái và kiểm tra độ ghi nhớ, bạn sẽ dời nó lên 1 hộp nếu đáp án đúng (từ hộp 1 lên hộp 2, từ hộp 2 lên hộp 3 hoặc giữ nguyên khi đã ở hộp 3). Nếu sai, bạn di chuyển flashcard về hộp 1 để ôn tập lại từ đầu. Quá trình học ngừng lại khi tất cả flashcard đã nằm ở hộp 3 và bạn thuộc toàn bộ bảng chữ cái tiếng Nhật.
Cách học tiếng Nhật cơ bản này sẽ giúp các bạn lặp lại một cách khoa học để ghi nhớ bảng chữ cái. Bạn có thể lựa chọn phương pháp 12 hộp hoặc 3 hộp tùy theo nhu cầu của bản thân.
Những chữ cái tiếng Nhật thường bị nhầm lẫn nhất
Trong tiếng Việt, nói chung khá dễ dàng để phân biệt những chữ cái khác nhau (trừ khi bạn có chữ viết tay quá khủng khiếp). Nhưng tiếng Nhật là một câu chuyện hoàn toàn khác. Không chỉ có hệ thống chữ viết lạ thường với 3 bảng riêng biệt và không sử dụng ký tự Latinh, mà rất nhiều chữ cái trong tiếng Nhật còn “na ná” nhau, dễ làm bạn “tẩu hỏa nhập ma” nếu học không kỹ.
Bạn có "sốc" khi thấy những ký tự tiếng Nhật na ná nhau? (Nguồn: theculturetrip)
Bảng chữ cái Hiragana là điều đầu tiên bạn phải làm quen khi học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu, vì nét chữ tương đối đơn giản và dễ nhớ. Nhưng bạn vẫn có thể gặp chút bối rối với những chữ cái khá giống nhau này:
- め (me) và ぬ (nu): め thêm vòng xoắn ở đuôi là thành ぬ.
- ろ (ro) và る (ru): ろ thêm vòng xoắn ở đuôi là thành る.
- こ (ko) và に (ni): こ thêm gạch bên trái là thành に.
- ほ (ho) và ま (ma): Tuy khá giống trường hợp に và こ, nhưng cách viết ま hơi khác so với phần bên phải của ほ, cụ thể là gạch ngang đầu tiên không sát lên trên.
- れ (re), わ (wa) và ね (ne): Chỉ khác biệt ở nét cuối cùng.
- う (u) và つ (tsu): う là trường âm, được viết nhỏ hơn sau một âm khác, báo hiệu bạn phải đọc kéo dài âm trước đó. Còn つ là chữ cái được phát âm riêng biệt và được viết cùng kích cỡ với những chữ khác.
- さ (sa), き (ki) và ち (chi): さ thêm một nét là thành chữ き, còn ち thì viết ngược bên với さ nên rất dễ gây lẫn lộn.
Tiếp theo, khi bạn chuyển sang “người anh em” góc cạnh hơn mang tên katakana, câu chuyện trở nên phức tạp hơn với các cặp chữ cái:
- ツ (tsu) và シ (shi): Cùng là mặt cười, nhưng ツ có nét gạch từ trên xuống, trong khi シ có nét gạch từ dưới lên.
- ン (n) và ソ (so): Tương tự như ツ và シ, ン có nét gạch từ trên xuống, trong khi ソ có nét gạch từ dưới lên.
- ク (ku) và タ (ta): ク thêm một nét là thành タ.
- ワ (wa), ウ (u), フ (fu) và ラ (ra): Phần dưới khá giống nhau, nhưng ở trên thì có những điểm khác biệt nhẹ mà bạn cần lưu ý ghi nhớ.
- イ (i) vàト (to): Ngược phía với nhau và nét của イ cũng mềm mại hơn ト.
Tưởng chừng đơn giản hơn Kanji, nhưng cả Hiragana và Katakana đều có những chữ cái trông giống nhau mà bạn phải hết sức lưu ý để không bị lầm lẫn trong quá trình đọc viết. Sai một ly, đi một dặm, hãy ôn tập thật kỹ lưỡng với cách học bảng chữ cái tiếng Nhật nhanh nhất Leitner, bạn nhé!
Yến Nhi (Theo Tofugu)
Nguồn ảnh cover: wallpaperflare