So với trường công lập và tư thục, trường quốc tế là một lựa chọn cao cấp hơn và thường được các gia đình có thu nhập khá trở lên lựa chọn. Đa số phụ huynh đều nghĩ rằng đây là môi trường phù hợp để rèn luyện cho trẻ tính tự lập và vốn ngoại ngữ. Tuy nhiên, đằng sau những điểm cộng mà ai cũng có thể thấy đó là không ít điểm trừ.
Học phí cao ngất ngưởng
Đây là khuyết điểm lớn nhất của trường quốc tế so với những loại hình đào tạo khác. Theo kết quả khảo sát, học phí trường quốc tế Việt Nam đang khá cao so với khu vực và cả thế giới. Rất nhiều trường tiểu học thậm chí còn có học phí lên đến hơn 500.000.000 VNĐ/năm. Có không ít trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thu số tiền gần 700.000.000 VNĐ/năm đối với bậc phổ thông.
Học phí của các trường quốc tế còn có xu hướng tăng theo từng năm. Tại một số trường thu học phí bằng USD thì còn tùy thuộc vào tỷ giá mà học phí có thể chênh lệch ít nhiều. Bên cạnh học phí, trường quốc tế còn thu nhiều khoản khác như phí đăng ký không hoàn lại, phí ghi danh, phí kiểm tra đầu vào, phí cơ sở vật chất hằng năm… Đáng nói, một khoản phí này có thể bằng cả năm học ở trường công lập hay 3 – 4 tháng học phí của trường tư thục.
Rất nhiều phụ huynh chưa đánh giá đúng tình hình tài chính đã gửi con vào trường quốc tế, dẫn đến việc không thể lo cho con theo học đến cùng. Học trường quốc tế là một cuộc đua dài hơi mà ở đó yếu tố tài chính đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu không đủ khả năng chi trả, phụ huynh bắt buộc phải chuyển con về trường công lập hoặc tư thục và bé sẽ gặp khó khăn khi phải làm quen môi trường quá khác biệt này.
Vững tiếng Anh nhưng yếu tiếng Việt
Các trường quốc tế thường sẽ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc cung cấp chương trình song ngữ với giáo viên bản xứ. Đây là ưu điểm song cũng gây ra không ít trở ngại, đặc biệt là với những bé mầm non, tiểu học. Ở độ tuổi này, bé nhanh chóng tiếp thu từ vựng, phát âm chuẩn hơn nhưng dễ gặp tình trạng quên hay sử dụng tiếng Việt không rành rẽ.
Ở trường quốc tế, trẻ ít tiếp xúc với tiếng Việt, đặc biệt là tại các trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Không ít trường hợp cho trẻ học quốc tế, sau đó cả gia đình lại cuống cuồng rèn lại tiếng Việt cho bé vì sợ con mất gốc. Đây là một thực tế mà rất nhiều phụ huynh đang gặp phải khi lựa chọn hình thức này.
Khác biệt về tính cách
Trẻ không chỉ học kiến thức ở trường mà còn được giáo dục văn hóa và cách sống. Đa số các trường quốc tế hiện nay đều chọn giáo dục theo phương pháp của những quốc gia tiến bộ như Mỹ, Anh, Úc, Singapore… Với bậc mầm non, những phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman, Montessori, Reggio Emilia… cũng được áp dụng để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Nhiều em vì chỉ tiếp xúc với giáo trình hiện đại mà có cách cư xử cũng hiện đại hơn, xa rời văn hóa lễ nghĩa Việt Nam. Tính tự lập cũng là một yếu tố quan trọng nhiều ba mẹ mong muốn con được rèn luyện ở môi trường này. Tuy nhiên, một số trẻ lại có thể trở nên quá tự lập dẫn đến xa cách với gia đình, người thân.
Khoảng cách về chương trình học
Có một thực tế là chương trình học ở trường công lập sẽ nặng hơn nhiều so với trường quốc tế. Để có thể kết hợp giữa chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với chương trình chuẩn quốc tế là điều không hề đơn giản. Do vậy, khối lượng kiến thức mà trẻ học ở trường quốc tế theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo thường ít được nâng cao và mở rộng.
Nhiều bé có thể đạt điểm rất cao ở trường quốc tế nhưng về mặt kiến thức thì chỉ đạt mức trung bình ở trường công lập. Một số bé có thể tự hào với điểm số mình đạt được, dẫn đến tâm lý tự cao hay lầm tưởng về khả năng của bản thân. Do vậy, nếu gia đình muốn bé theo học tại các trường đại học trong nước thì ba mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn.
Vậy có nên cho con học trường quốc tế không?
Với những gia đình có điều kiện, trường quốc tế vẫn là lựa chọn hợp lý. Trẻ sẽ được tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ thú vị, không bị áp lực bài vở và được trang bị những kỹ năng sống hữu ích. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ rất tốt cho bé trong tương lai, đặc biệt là nếu bé đi du học.
Nếu gia đình chọn trường quốc tế cho bé thì cần phải lường trước những vấn đề có thể xảy ra để có hướng xử lý phù hợp. Ví dụ, gia đình cần thường xuyên trò chuyện, theo dõi sát sao quá trình học của bé, đặc biệt là ở bậc mầm non để khắc phục ngay những vấn đề như quên tiếng Việt hay có cách cư xử chưa đúng.
Edu2Review tin rằng, môi trường nào cũng sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng. Phụ huynh nào cũng mong muốn bé sẽ nhận được những điều tốt nhất, và cho con học trường quốc tế cũng không nằm ngoài mục đích này. Ba mẹ cần đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục bé để đạt được hiệu quả cao nhất và giúp cho việc học trường quốc tế của con trở nên thật sự ý nghĩa và xứng đáng.
Khả Vy (Tổng hợp)