Theo bảng xếp hạng của trang web toplist, tiếng Nhật được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới. Để giải thích cho điều này, website Japaninfo nhận xét rằng tiếng Nhật "khó nhai" vì có lối viết chằng chịt của chữ tượng hình và sử dụng nhiều bảng chữ khác nhau. Ngoài ra, nó còn có một lượng từ vựng “khủng”, khiến người học “ngụp lặn trong cơn sóng” cách phát âm của từng chữ. Tuy nhiên, “con thuyền” Edu2Review mang theo “phao cứu sinh” sẽ giúp bạn chiến đấu với cơn sóng ấy bằng những cách học tiếng Nhật hiệu quả dưới đây.
BẢNG XẾP HẠNG TRUNG TÂM NHẬT NGỮ
TỐT NHẤT VIỆT NAM
Phương pháp tổng hợp các giác quan (phương pháp đa giác quan)
Trái ngược với cách học truyền thống là “đọc - nhớ” chỉ sử dụng thính giác, phương pháp này sử dụng những giác quan khác của con người như khứu giác, thị giác, xúc giác và vị giác trong quá trình lưu trữ thông tin của não. Điều này tạo ra sự liên kết giữa các hạch thần kinh trong não bộ, từ đó việc ghi nhớ sẽ hiệu quả hơn.
Đây là phương pháp để học tiếng Nhật hiệu quả vì nó không gây tâm lý áp lực và nhàm chán, thay vào đó cách này kích thích cảm giác hưng phấn của người học vì tất cả quá trình giống như một trải nghiệm hơn là việc chỉ ngồi ghi nhớ thông thường.
Để tận dụng phương pháp này, khi ghi nhớ từ vựng người học nên liên kết từ đó với một hay hai xúc giác có liên quan, thí dụ.
-
苦い (Đắng) – “nigai". (Bạn ăn một miếng khổ qua và bạn nói rằng trái khổ qua này nigai – liên kết giữa thính giác và vị giác).
-
工場 (Nhà máy) – “koujou”. (Bạn thấy một nhà máy và bạn gọi đó là koujou – liên kết giữa thính giác và thị giác).
- サッカーボール (Bóng đá) – “sakka-bo-ru”. (Bạn đá trái bóng và bạn nói là bạn đá sakka-bo-ru – liên kết giữa thính giác và xúc giác).
Bạn sẽ nhớ lâu hơn khi kết hợp các giác quan vào việc ghi nhớ (Nguồn: poliva)
Phương pháp diễn kịch
Đúng như cái tên của nó, cách học từ vựng tiếng Nhật này giống như việc bạn đang đóng kịch trên sân khấu. Trước hết, người học ghi lại những từ ngữ muốn ghi nhớ và xây dựng nó thành một tình huống trong đời sống hay câu chuyện thú vị.
Sau khi đã xây dựng nội dung câu chuyện, người học sẽ tập lời thoại và đóng kịch dựa theo cốt truyện như một diễn viên thực thụ. Người học có thể tập nói với chính mình trước gương hay diễn kịch cùng bạn bè để tăng sự hứng thú và cùng nhau tiến bộ.
Dưới đây là ví dụ của một đoạn kịch nhỏ với hai nhân vật tên Aki và Tomo. Những từ vựng mà chúng ta muốn học là はじめまして (Rất vui được gặp bạn) – “hajimemashite”, 五 (Số 5) – “go” và 三十六 (Số 36) – “san juu roku”.
-
Aki: Xin chào! Rất vui được gặp bạn, tôi tên là Aki! Tôi 36 tuổi và đã sống ở nhật được 6 năm.
-
こんにちは!はじめまして、アキです。わたしは 三十六歳で、日本には 六年住んでいます。
-
Konnichiwa! Hajimemashite, Aki desu. Watashi wa san juu roku sai de, nihon ni wa roku nen sundeimasu.
-
-
Tomo: Chào Aki, rất vui được gặp bạn. Mình là Tomo. Mình đã sống ở Nhật được 1 năm và ở Ý được 5 năm.
-
こんにちは、アキ。わたしは トモです。日本には 1年間住み、イタリアには 五年間住んでいました。
-
Konnichiwa, Aki. Watashi wa Tomo desu. Nihon ni wa ichi nenkan sumi itariya ni wa go nenkan sundeimashita.
-
-
Aki: Nước Ý à, thật thú vị!
-
イタリアは 楽しそうですね!
-
Itariya wa tanoshisou desune.
-
Còn gì thú vị hơn khi vừa học vừa đóng kịch (Nguồn: minnesotamonthly)
Phương pháp tạo thành câu chuyện
Phương pháp này có phần hơi khác so với cách học tiếng Nhật bằng diễn kịch nhưng cũng là một lối học sáng tạo. Thay vì làm nên đoạn hội thoại, phương pháp này xây dựng một câu chuyện xung quanh từ vựng được chọn, sau đó tạo liên kết giữa từ được sử dụng và cách phát âm của nó. Để tăng cường khả năng nhớ, người học có thể xây dựng một câu chuyện theo hướng vui vẻ, ngớ ngẩn hoặc logic.
Ngoài ra, khi học tiếng Nhật bằng phương pháp này, bạn sẽ được rèn thêm sự kiên nhẫn và sáng tạo thông qua hoạt động xây dựng một câu chuyện ngắn cho mỗi từ vựng. Đây là một thí dụ với từ vựng 蜂 (con ong) – “hachi”.
-
蜂 (con ong) – “hachi”: Một con ong đi tìm mật, tới bông hoa thì bị dị ứng, hắt hơi thành tiếng hắt... chì, từ đó đọc lái đi thành hachi.
- ドラゴン (con rồng) – “doragon”: Một con rồng đang xem phim hoạt hình Đôrêmon thì thấy chú mèo máy Đôrêmon ăn bánh và biến thành con rồng tên là Đôragon, đọc lái đi thành doragon.
Vận dụng tối đa trí tưởng tượng của bạn vào việc ghi nhớ từ vựng (Nguồn: tipmine)
Phương pháp tăng tần suất
Cách học từ vựng tiếng Nhật này còn được gọi là phương thức “nước chảy đá mòn” hay “mưa dầm thấm lâu”. Phương pháp sử dụng là nếu bạn không nhớ được từ vựng đó, hãy tăng số lần đọc và học nó.
Trước tiên, hãy tạo các thẻ ghi nhớ (flash card), bố trí chúng ở những nơi hay lui tới nhất như bàn học và giường ngủ. Hãy đặt ở vị trí dễ thấy nhất để mỗi lần đi đến những nơi này, bạn sẽ lập tức nhìn thấy từ vựng mình đang học.
Trong một ngày, hãy xen kẽ thời gian thực hiện hành động này một cách đồng đều sao cho việc bạn học đạt được ít nhất 10-15 lần. Để tăng tính hiệu quả, flash card nên có thêm phần định nghĩa và hãy đọc to mỗi lần bạn thấy nó.
Nhằm minh họa cho cách học này, bạn hãy xem ví dụ về thời gian biểu dưới đây với từ 歴史 (lịch sử) – “rekishi”. Với mỗi hoạt động thì ta sẽ nhìn và đọc từ “rekishi” một lần. Tổng cộng một ngày, ta sẽ học từ rekishi tới 12 lần.
Một ví dụ về việc tăng số lần học từ vựng (Nguồn: IZJapanese)
Học và nhớ cách phát âm từ vựng là thử thách mà ai cũng phải trải qua khi học tiếng Nhật, nhưng đừng vì thế mà để ngôn ngữ này đánh gục bạn trên hành trình chinh phục nó. Hy vọng những cách học tiếng Nhật trên đây sẽ giúp tạo thêm nguồn cảm hứng giúp bạn tiến đến mục tiêu thông thạo ngôn ngữ Nhật.
Nếu mong muốn tìm hiểu thêm các cách học tiếng Nhật, bạn có thể tìm đọc những bài viết khác của Edu2Review. Chúc bạn chọn được những phương pháp phù hợp, giúp nâng cao khả năng học tiếng Nhật của mình.
Cao Cường (Tổng hợp)
(Nguồn ảnh cover: nccommunitycolleges)