Đại học Tài chính Marketing (University of Finance Marketing – UFM) là một trong những trường đại học công lập đi đầu trong việc theo cơ chế tự chủ tài chính. Trường được thành lập từ năm 1976, trực thuộc Bộ Tài chính Việt Nam. Bên cạnh những ồn ào về mức học phí đắt đỏ, cơ sở vật chất trì trệ hay những quy định oái oăm, Đại học Tài chính Marketing vẫn sở hữu nhiều điều thú vị mà chỉ sinh viên học tại trường mới thấu hiểu.
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
BUH có thầy Lê Thẩm Dương, UFM có thầy Phạm Trình, thầy Lê Trường Giang
Nếu là sinh viên UFM, bạn không thể không biết đến hai cái tên này. Đây là những người thầy không chỉ tận tâm trên giảng đường mà luôn giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên trong mọi tình huống và cuộc sống thông qua những câu chuyện, những bình luận, những bài đăng hài hước nhưng vô cùng giá trị dành cho sinh viên.
Có lẽ đối với sinh viên trường khác, “chân dung” của thầy Phạm Trình sẽ là ẩn số lớn. Vì cơ bản thầy thích mèo và chó và thầy chỉ đăng hình thú cưng. Đôi lúc sinh viên “săn lùng” hình ảnh thầy nhưng chỉ nhận về hình thú cưng của thầy kèm hastag “Tôi đây này”.
Dạo facebook cá nhân của thầy Lê Trường Giang, bạn sẽ thu về cho mình một kho tàng sách về tài chính quý báu. Kèm theo đó là những bài học quý báu nhưng nhẹ nhàng và dí dỏm.
Chân dung thầy giáo mưa Lê Trường Giang (Nguồn: Facebook)
Nhận dạng sinh viên UFM qua đồng phục "không chói không ăn tiền"
Không thể phủ nhận rằng màu áo đồng phục chính là đặc điểm giúp người dùng nhận dạng thương hiệu một cách hiệu quả. Không hổ danh là trường Marketing, khi UFM đã vô cùng thành công trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu của mình.
Ngày nay, khi xuống đường nếu bắt gặp màu áo xanh bạn sẽ biết ngay đó là anh Grab, áo đỏ là anh Go-Viet thì áo vàng chói lói đích thị là “nam thanh nữ tú" Đại học Tài chính Marketing.
Sinh viên không phải dạng vừa đâu
Nếu xét về sự năng động, chịu “quẩy” thì có lẽ sinh viên UFM sẽ luôn nằm trong top.
Hầu hết các chương trình, sự kiện đều thấy sự góp mặt của các bạn sinh viên UFM, từ các hoạt động tình nguyện cho đến những chương trình ca hát văn nghệ… Có thể nói rằng màu áo vàng đã phủ khắp mọi "mặt trận".
>> Xem thêm đánh giá của sinh viên về Đại học Tài chính – Marketing
Màu áo không thể nhầm lẫn của sinh viên Đại học Tài chính Marketing (Nguồn: Sao360)
Dành cả thanh xuân để đợi thang máy
Đối với sinh viên Đại học Tài chính Marketing, có một nỗi sợ lớn hơn cả rớt môn đó là đợi thang máy. Việc xếp hàng đợi thang máy lên lớp vào đầu buổi học giống như bạn đang trải qua thời gian của thế chiến thứ 2. Đôi khi mình vẫn chưa chắc chắn được rằng thời gian đi bộ qua cầu Phú Mỹ dài hơn hay là khoảng thời gian chờ đợi bước vào thang máy trường lâu hơn.
Nội quy ngang trái
Gần đây, việc nhà trường đưa ra quy định mới về đồng phục đã nhận tranh cãi. Cụ thể, sinh viên khi đến trường phải mặc áo sơ mi, áo thun có cổ, quần tây hoặc quần jeans lịch sự hoặc trang phục truyền thống của trường. Riêng sinh viên nữ còn có thêm quy định nếu mặc váy, phải dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai.
Ngoài ra, nội quy mới cũng cấm sinh viên nhuộm tóc màu nổi, cạo trọc (trừ sinh viên là tu sĩ hoặc có bệnh về tóc). Sinh viên vi phạm nội quy, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị trừ điểm rèn luyện.
Những nội quy mới trên khiến sinh viên không khỏi băn khoăn: phải chăng trường đang quá nghiêm khắc hay chỉ đơn giản muốn níu kéo thời thanh xuân cấp 3 với những quy định nghiêm ngặt?
>> Top 10 trường đại học có môi trường học tốt nhất TP. HCM
Ngôi trường với những nội quy khiến sinh viên ngơ ngác (Nguồn: Đại học Tài chính Marketing)
Nam sinh Đại học Tài chính Marketing là báu vật
Điều đầu tiên khi nhắc đến UFM đó là sự mất cân bằng về giới tính. Sinh viên UFM thường truyền tai nhau rằng tỷ lệ nam sinh đầu vào của trường vốn đã ít nhưng lại còn giảm dần đều theo thời gian. Đến khi ra trường, giới tính nam sẽ chỉ còn là từ gồm 3 ký tự trên giấy tờ.
Nếu bạn bắt gặp hình ảnh quá thân mật của các bạn nam và bạn nữ trong khuôn viên trường như ngồi chung bàn, ăn chung một bịch bánh tráng, dùng chung một cái gương... thì cũng đừng quá kinh ngạc. Các bạn ấy chỉ xem nhau là anh chị em tốt mà thôi.
Vốn là môi trường “âm thịnh dương suy”, nam sinh Đại học Tài chính Marketing được xem như báu vật, có độ quý hiếm sánh ngang với những loài trong sách đỏ. Các bạn nam sẽ có được đặc quyền mua nước, mua đồ ăn sáng, trực nhật thay cho các bạn nữ và nhận được hậu tạ hậu hĩnh, ví như một chầu làm nail.
Nam sinh được xem là báu vật (Nguồn: Đại học Tài chính Marketing)
Edu2Review mong rằng đã có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin có ích về Đại học Tài chính Marketing. Đừng quên thường xuyên truy cập Edu2Review để cập nhật những câu chuyện sinh viên các trường đại học ly kỳ khác nhé!
>>Giải đáp nhanh thông tin hướng nghiệp 2020 tại đây<<
Mai Trâm (Tổng hợp)