Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng đều muốn có được 1 nhân viên gắn bó lâu dài với công ty. Chính vì điều này mà khi đi phỏng vấn, đa phần mọi ứng viên đều được hỏi về định hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới.
Ngoài ra, câu hỏi này cũng là 1 cách để kiểm tra sự tìm hiểu của ứng viên về công việc sắp tới, cũng như tham vọng và mong muốn cầu tiến trong sự nghiệp. Vậy nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở câu trả lời của bạn?
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Động cơ của nhà tuyển dụng
Muốn biết nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì thì phải biết rõ động cơ nào khiến họ đặt câu hỏi như vậy. Trên thực tế, sẽ không có bất cứ nhà tuyển dụng nào mong đợi bạn có thể trả lời được chính xác về tương lai của 1825 ngày sắp tới cả, họ đơn giản chỉ muốn kiểm tra xem liệu bạn có bao nhiêu sự nghiêm túc đối với vị trí ứng tuyển.
Sẽ không có người làm nhân sự nào quan tâm đến việc bạn có mục đích gì sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, nhưng họ lại rất quan tâm đến việc bạn có thể gắn bó bao lâu với công ty. Câu hỏi về định hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới sẽ giúp họ hiểu hơn về bạn: Bạn có thực sự đam mê công việc ứng tuyển? Bạn có phải là 1 người thích nhảy việc không? Liệu nếu có 1 công việc lương tốt hơn thì bạn có sẵn sàng nghỉ việc ở công ty họ hay không?
Nhà tuyển dụng nào cũng nơm nớp lo sợ ứng viên mà mình phỏng vấn chưa làm tới 1 tháng đã "không cánh mà bay" (Nguồn: quantrinhansuonline)
Chi phí và thời gian để đào tạo 1 người mới là khá lớn, vậy nên nhà tuyển dụng phải rất cân nhắc đối với quyết định trao việc cho người mới. Tồi tệ hơn, nếu bao nhiêu công sức huấn luyện của công ty dành cho bạn bị lãng phí sử dụng cho công ty khác sẽ khiến nhà tuyển dụng thật sự "phát điên". Xuất phát từ những nỗi sợ về việc đào tạo sai lầm, nhà tuyển dụng thường đặt ra câu hỏi : "Định hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới của bạn là gì?" cho mỗi ứng viên tham gia phỏng vấn.
Những điều không nên đề cập khi phỏng vấn
Bạn không nên nói quá nhiều về kĩ năng phục vụ hay bán hàng trong khi bạn đang tìm kiếm một vị trí tại bộ phận IT, hay đề cập đến việc sẽ làm ở ngân hàng sau 5 năm trong khi vị trí phỏng vấn hiện tại của bạn là quản lí nhà hàng. Việc nói về những định hướng trái với công việc phỏng vấn sẽ khiến bạn mất rất nhiều điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Hãy khéo léo lựa chọn những chủ đề liên quan đến công việc bạn đang phỏng vấn, trình bày sự hiểu biết về những chủ đề đó để thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy sự nghiêm túc trong quá trình tìm hiểu công việc của bạn. Ngoài ra, đừng quên thể hiện quyết tâm và đam mê trong việc đạt được những chức vụ cao hơn, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá cao nỗ lực của bạn trong quá trình phỏng vấn.
Lựa chọn những chủ để một cách thông minh trong quá trình phỏng vấn sẽ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (Nguồn: Jobright)
Khi phỏng vấn nên nói gì để thu hút nhà tuyển dụng?
Trên thực tế, việc cân nhắc nhiều sự lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai của bạn là điều hoàn toàn bình thường, thế nhưng đừng bao giờ dại dột nói ra những dự định thực tế đó kể cả khi buổi phỏng vấn yêu cầu bạn phải nói sự thật 100%. Vì vậy, thay vì nói ra sự thật, hãy khéo léo trả lời bằng những cách sau:
- Trả lời 1 cách chung chung
Nếu bạn chưa chuẩn bị hoặc không rõ về định hướng tương lai thì khi phỏng vấn, bạn có thể đưa ra câu trả lời chung chung như: "Em muốn trở thành 1 chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng (nếu bạn đang ứng tuyển vị trí sales)" hoặc "Quản lí quầy bar là những gì mà em đang hướng tới (nếu bạn đang mong muốn trở thành 1 bartender)". Cách trả lời này sẽ không thật sự gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng, nhưng chí ít, bạn cũng thể hiện được 1 phần đam mê và quyết tâm của bản thân.
- Thể hiên sự quan tâm dài hạn đối với công vệc
Cách trả lời này sẽ đánh trực tiếp vào tâm lí lo sợ nhân viên nhảy việc của nhà tuyển dụng. Bạn có thể nhấn mạnh sự hiện diện lâu dài của mình tại công ty: "Em có thể nhìn thấy được viễn cảnh 5 năm sau khi mình là giám đốc bộ phận tại công ty" hoặc có thể là "Em thật sự đam mê và tâm huyết với công việc này nên không có gì ngạc nhiên khi 5 năm sau em sẽ là 1 trong những trụ cột tại công ty". Thể hiện định hướng lâu dài với công việc sẽ khiến bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng phải nhớ đến bạn khi cuộc phỏng vấn kết thúc.
- Vạch ra chiến lược ngắn hạn để hoàn thành mục tiêu dài hạn
Đây là vũ khí mạnh nhất để chinh phục những nhà tuyển dụng khó tính. Cách trả lời này đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị kĩ đối với công việc ứng tuyển, tìm hiểu những công việc liên quan và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tuyển dụng.
Ví dụ như: Kết thúc 6 tháng đầu tiên, em sẽ có đầy đủ kĩ năng cần thiết cho công việc. Hết năm thứ nhất em mong muốn hoàn thành 1 dự án lớn cho công ty. 2 năm sau nữa, em muốn tự mình sẽ là người quản lí dự án đó và định hướng 5 năm của em kết thúc với vị trí giám đốc bộ phận.
Cách trả lời liệt kê chi tiết và rõ ràng như vậy sẽ ghi rất nhiều điểm trong mắt nhà tuyển dụng bởi sự nghiêm túc trong khâu chuẩn bị và quyết tâm cao độ để thực hiện những công việc sắp tới.
Biết được khi phỏng vấn nên nói gì là bạn đã có được 65% thành công trong việc giành được công việc ứng tuyển (Nguồn: Le&Associate)
Ngày nay, trong một thị trường việc làm cạnh tranh, nhà tuyển dụng có xu hướng “bới lông tìm vết” các lỗi sai của các ứng viên nhằm tìm ra được ứng viên phù hợp nhất trong số các hàng trăm ứng cử viên tham gia tìm việc. Muốn trở thành điểm nhấn trong mắt nhà tuyển dụng, hãy chắc chắn rằng buổi phỏng vấn sẽ là sân khấu còn những điều bạn nói sẽ biến bạn thành ngôi sao.
Anh Duy (Tổng hợp)