Khi học sinh lớp 12 bước vào học kỳ 2, đây là giai đoạn các em phải đối mặt với nhiều kỳ thi quan trọng. Bên cạnh đó, các em cũng luôn canh cánh trong lòng một bài toán nan giải: nên theo học ngành gì hay nghề nào? Sau này mình sẽ làm gì? Đây không chỉ là vấn đề khó nghĩ của học sinh mà còn là nỗi lo của quý phụ huynh.
Trước thực tế đó, vai trò của việc định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu ngày càng được nâng cao và ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của các em. Đồng thời, đó cũng sẽ là kim chỉ nam giúp các em tìm ra được hướng đi đúng đắn cho riêng mình.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… các em học sinh lớp 12 có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cũng xuất hiện trường hợp nhiều em “nhắm mắt chọn đại” dẫn đến một hệ lụy là những ngày tháng sau này trên giảng đường đại học trôi qua một cách vô nghĩa. Vì thế, để tránh tình trạng này xảy ra, ngay khi còn ngồi ở ghế nhà trường, các em cần trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết về hướng nghiệp.
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Hiểu rõ sở trường, sở thích
Yếu tố đầu tiên cần xác định để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp là năng lực cá nhân của các em. Ví dụ như, đối với những em học giỏi các môn tự nhiên, tính cẩn thận thì có thể tìm hiểu sâu về ngành Y, Nông nghiệp hoặc nghiên cứu về ngành Dược, Hóa chất, Công nghệ vi sinh… Còn những em học tốt các môn xã hội có thể chọn Tâm lý học, Báo chí, Truyền thông, Luật…
Tìm hiểu xem sở trường và sở thích thật sự của mình, sau đó liệt kê ra một vài ngành thích hợp để tìm hiểu (Nguồn: enterknow)
Có những em rất giỏi về Toán, Lý, Hóa nhưng một số khác lại giỏi Văn, Sử, Địa, vậy nên, ai mạnh về cái gì thì chọn ngành theo đúng sở trường của mình. Chọn được một nghề phù hợp cũng giống như tìm được đam mê và ngược lại, nếu chọn sai thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa, khi bạn đi làm nhưng chỉ trực chờ hết giờ để về nhà.
Xác định điều kiện của gia đình
Một bước quan trọng khác của việc chọn ngành, chọn nghề chính là xác định nguồn lực bản thân, bao gồm: tài chính, sức khỏe và các điều kiện đặc biệt của gia đình. Ví dụ như gia đình các em khó khăn thì học phí cũng là một vấn đề, trở ngại lớn cần được cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định.
Điều kiện kinh tế gia đình cũng là một vấn đề cần lưu tâm khi chọn ngành, chọn trường (Nguồn: namchaiums)
Không phủ nhận rằng dù học ở ngành nghề nào, nếu các em thật sự có chuyên môn và kỹ năng thì sẽ không khó để tìm việc. Nhưng trên thực tế, ở một số ngành đặc thù, nếu không có “mối quan hệ” sẽ rất khó để tìm được cho mình một công việc phù hợp.
Nắm được các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai
Dù rằng các em đã chọn được cho mình một ngành học phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện gia đình nhưng nhu cầu nguồn lao động của ngành nghề này đang có xu hướng giảm thì cần phải xem xét lại.
Có nhiều ngành bây giờ có thể đang “hot” nhưng trong vòng 3 – 4 năm nữa lại thừa nhân lực. Vậy nên, các em học sinh, quý phụ huynh, thậm chí là các giáo viên cần nắm rõ nhu cầu thị trường lao động trong tương lai, để định hướng con em mình đi theo con đường đúng đắn.
Nhu cầu thị trường lao động cũng là một yếu tố quyết định xem 4 – 5 năm nữa bạn là ai (Nguồn: huongnghiep24h)
Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, các trường đại học, cao đẳng thường xuyên tổ chức chương trình tư vấn, tham quan, tìm hiểu trường, giúp các em học sinh tiếp cận và khám phá bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Ngay từ bây giờ, các em nên chủ động tham gia tất cả buổi tư vấn, để có cơ hội nghe sự hướng dẫn từ các chuyên gia và quyết định hướng đi cho tương lai.
Chọn trường phù hợp với ngành học
Bước cuối cùng của các em là xác định trường sẽ theo học. Ngày nay, các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện xét tuyển cũng như ngành nghề đào tạo của các trường được công bố rộng rãi. Từ đó, quý phụ huynh và học sinh dựa vào các yếu tố về năng lực cũng như điều kiện tài chính mà tìm cho con em mình một bến đỗ phù hợp.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo một số người quen đi trước tại các trường đại học "trong tầm ngắm". Những anh/chị hơn 1 – 2 tuổi sẽ cho các em biết liệu mình có phù hợp với văn hóa, môi trường, cách thức học tập… ở ngôi trường này không. Còn đối với các bậc tiền bối hơn 4 – 5 tuổi, những trải nghiệm về ngành, nghề là điều các em nên khai thác từ họ. Và bạn hãy nhớ nhé, tạo mạng lưới quan hệ xã hội rộng luôn tốt trong bất cứ ngành nào.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cẩm nang tuyển sinh đại học là một kênh định hướng nghề nghiệp cho học sinh khá chi tiết và đầy đủ, các em có thể cập nhật thêm thông tin từ nguồn này.
Chọn đúng nghề quả là một bài toán thật sự quan trọng mà mỗi con người chúng ta đều cần phải tìm ra cho mình đáp án. Vậy nên, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 là bước khởi đầu khá quan trọng. Nếu các em chọn sai một nghề, nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc.
Cẩm Thu (Tổng hợp)