Chắc hẳn bất kỳ ai khi mới bắt đầu học tiếng Nhật cũng sẽ bất ngờ và e ngại, bởi có đến 3 bảng chữ. Bởi vậy, tiếng Nhật được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khó đến đâu cũng có thể vượt qua nếu người học đủ cố gắng. Vì vậy, dù như thế nào, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về 3 bảng chữ cái tiếng Nhật để có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này trong tương lai gần.
Bảng Hán tự – Kanji
Giống như phần lớn các nước Đông Á khác, Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa. Vào khoảng thế kỷ V TCN (trước công nguyên), chữ Hán được du nhập vào Nhật Bản và được sử dụng rộng rãi trong giới nhà sư. Ban đầu các văn bản được ghi và đọc hoàn toàn bằng âm Hán. Theo thời gian người Nhật đã giản lược và biến tấu lại cho phù hợp hơn, từ đó tạo ra hệ thống chữ viết được biết đến với tên gọi Kanbun hay còn gọi là Hán văn.
Ứng dụng những cách học vui nhộn sẽ giúp bảng chữ Kanji không còn là cơn ác mộng (Nguồn: kenh14)
Một ký tự Kanji có thể được dùng để viết một hoặc nhiều từ và có nhiều cách đọc khác nhau. Người ta phải dựa vào văn cảnh, dụng ý, vị trí của từ trong câu để quyết định cách đọc. Một số từ Kanji thông dụng có đến trên 10 cách đọc. Kanji ngày nay còn được biết tới như bảng chữ Hán của người Nhật được dùng để viết một số phần trong câu, như danh từ, tính từ và động từ. Người Nhật cũng thường sử dụng chữ Kanji trong những văn bản mang tính trang trọng.
Kanji là hệ thống chữ được đánh giá là khó nhất trong 3 bảng chữ cái tiếng Nhật. Đây không chỉ là thách thức với người học tiếng Nhật mà còn là nỗi ám ảnh của chính học sinh Nhật Bản. Người học Nhật ngữ sẽ phải học khoảng 1.945 chữ Kanji – một con số khá lớn với khả năng ghi nhớ của con người. Do vậy, các phương pháp như hình tượng hóa, học qua flashcard… đã ra đời để giúp việc học bảng chữ Kanji trở nên dễ dàng hơn.
Bảng chữ chính thức của người Nhật – Hiragana
Hiragana hay còn gọi là chữ mềm bởi lối viết nhẹ nhàng, mềm mại. Đây là bảng chữ quan trọng mà người học tiếng Nhật cần học để có thể đọc hiểu tiếng Nhật căn bản. Tiền thân của Hiragana là chữ Manyogana – bảng chữ do người Nhật tạo ra vì không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiragana thưở sơ khai gồm 48 ký tự, về sau được điều chỉnh còn 46 ký tự và duy trì đến hiện tại.
Ký tự của bảng chữ Hiragana với những đường nét mềm mại (Nguồn: Vecteezy)
Ở giai đoạn đầu, chữ Hiragana không được đánh giá cao như Kanji và bị cho là không phù hợp với tầng lớp thượng lưu bởi sự mềm mại có phần nữ tính của nó. Ngày nay, Hiragana được dùng để viết đuôi của động từ, trợ từ; còn từ khó đọc hay nhớ bằng Kanji. Hiragana còn được ứng dụng trong sách dùng cho trẻ em và khi muốn giảm nhẹ mức độ của từ hoặc lời yêu cầu.
Bảng chữ cứng – Katakana
Cùng trong thế kỷ thứ VI TCN, không lâu kể từ lúc Hiragana xuất hiện, bảng chữ Katakana đã được hình thành. Cùng với Hiragana, Katakana góp phần cho sự hoàn thiện của hệ thống chữ dành riêng cho người Nhật, có tên gọi là Kana. Katakana có nghĩa là “kana chắp vá” bởi được phát triển trên sự giản lược của bộ thủ trong chữ viết Trung Quốc. Gồm các nét thẳng, cong và gấp khúc mạnh mẽ, Katakana là bảng chữ đơn giản nhất trong 3 bảng chữ cái tiếng Nhật.
Cách đọc và viết của bảng chữ Katakana (Nguồn: Japanese Calligrapher Takumi)
Với tính chất góc cạnh của mình, Katakana được sử dụng để biểu thị cho các từ tượng thanh, các âm thô đột ngột hoặc phiên âm cho các từ nước ngoài (từ Trung Quốc). Người Nhật cũng sử dụng Katakana với mục đích nhấn mạnh, thường bắt gặp trên các biển quảng cáo, áp phích... Khác với Kanji các ký tự Katakana (và Hiragana) chỉ có 1 cách phát âm, hoàn toàn dựa trên quy tắc "tượng thanh, biểu âm".
Kanji, Hiragana, Katakana, tuy có nguồn gốc và mục đích sử dụng khác nhau nhưng đều là bộ phận không thể thiếu, cấu thành nên sự phong phú của ngôn ngữ đất nước mặt trời mọc. Hy vọng Edu2Review đã cung cấp cho quý độc giả những sự hiểu biết khái quát nhất về 3 bảng chữ cái tiếng Nhật.
Thiệu Kỳ (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: timeout