Quan hệ công chúng (Public Relations – PR) đã được hình thành từ rất lâu trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn còn là một ngành học khá mới mẻ. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng phát triển cùng với những bước đột phá của công nghệ trong thời đại 4.0 cũng là lý do giúp Quan hệ công chúng định hình ngày càng rõ nét hơn trong lĩnh vực nghề nghiệp.
Chính vì vậy, Quan hệ công chúng dần trở thành nghề nghiệp thu hút đông đảo giới trẻ nói chung và các sĩ tử trong mùa tuyển sinh nói riêng. Học ngành Quan hệ công chúng ra trường làm gì? Tất cả sẽ được tiết lộ trong bài viết sau đây.
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Thế nào là Quan hệ công chúng – PR?
Đầu tiên, chúng ta nên tìm hiểu khái niệm về PR để có cái nhìn tổng quát hơn về ngành này. Vậy PR là gì? PR (Public Relations) là mọi nỗ lực có kế hoạch để tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ hai chiều giữa một tổ chức với công chúng của tổ chức đó, đồng thời hướng tới việc tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng đối với tổ chức.
Nói một cách đơn giản, PR nhằm cải thiện cái nhìn về một cá nhân/ tổ chức bằng cách phát thông tin tới giới truyền thông và lôi kéo sự chú ý của họ. Mặc dù hiệu quả không thể sờ thấy được nhưng việc tạo ra hình ảnh riêng và tăng thiện cảm từ phía khách hàng, công chúng là những kết quả cuối cùng mà người làm PR muốn đạt được.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thời đại hội nhập, PR được xem là nghề “giữ hồn” cho thương hiệu, giúp tên tuổi của thương hiệu đó được “sống” và được nhiều người yêu thích.
Học ngành Quan hệ công chúng ở trường nào?
Ngoài việc tìm hiểu về ngành PR , bạn cần phải tham khảo thêm điểm chuẩn trúng tuyển tại các trường để có thể lựa chọn nơi đầu tư kiến thức phù hợp với điều kiện và năng lực của bản thân. Sau đây, Edu2Review sẽ chia sẻ với bạn một vài trường đào tạo ngành PR đáng để tham khảo:
- Học viện Báo chí – Tuyên truyền
- Địa chỉ: 36 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Điểm chuẩn 2018: 21,25 điểm (D01), 21 điểm (D78), 18 điểm (D02, D04, D05, D06, D79, D80, D81, D82, D83)
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Địa chỉ: 336 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội
- Điểm chuẩn 2018: 21,25 điểm (D01), 21 điểm (D78), 18 điểm (D02, D04, D05, D06, D79, D80, D81, D82, D83)
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Địa chỉ: 207 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Điểm chuẩn 2018: 24 điểm (A01, C03, C04, D01)
- Đại học Đại Nam
- Địa chỉ: Số 1 Phố Xốm, phường Phú Lâm, quận Hà Đông, Hà Nội
- Điểm chuẩn 2018: 14,5 điểm (C00, C19, C20, D15)
- Đại học Văn Lang
- Địa chỉ: 45 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM
- Điểm chuẩn 2018: 18 điểm (A00, A01, C00, D01)
- Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM
- Địa chỉ: 276 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM
- Điểm chuẩn 2018: 16 điểm (A00, A01, D01, C00)
Cơ hội việc làm dành cho sinh viên
Để trả lời cho câu hỏi học ngành PR ra trường làm gì thì bạn cần phải xác định mục tiêu và định hướng của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành PR có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau:
- Chuyên viên PR: đảm nhận các vị trí công việc như phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ… tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức kinh tế, quốc tế và tổ chức xã hội, phi chính phủ….
- Phóng viên, biên tập viên làm việc tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông…
- Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng: làm các công việc như trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu. Các bạn sẽ làm việc tại các công ty, tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các Bộ và Sở, Ban, Ngành liên quan đến truyền thông.
- Nghiên cứu, giảng dạy môn PR trong các cơ sở giáo dục đại học, tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng; trợ lý giảng dạy và tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp; nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về truyền thông và quan hệ công chúng.
Đến đây chắc bạn đã lý giải được độ “hot” và triển vọng của ngành PR rồi phải không? Giờ thì các bạn chỉ việc cố gắng “dùi mài kinh sử” để đạt được điểm số cao nhất, vào được ngôi trường mình mong muốn mà không cần phải băn khoăn về việc học ngành Quan hệ công chúng ra trường làm gì, có dễ xin việc làm hay không?
Cẩm Thu (Tổng hợp)