Trong bữa ăn của người Nhật, itadakimasu là cụm từ được lặp lại thường xuyên như là dấu hiệu bắt đầu dùng bữa, chúc mọi người ngon miệng, hoặc thay lời cảm ơn vì một bữa ăn ngon. Vì vậy, để học tiếng Nhật Bản hiệu quả và áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày, bạn phải hiểu về itadakimasu.
Xem ngay bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Ý nghĩa và cách sử dụng cụm từ itadakimasu trong bữa ăn
いただきます có nghĩa cơ bản là nhận, chấp nhận, lấy (cách nói khiêm tốn). Cụm từ này thường được dùng trước khi ăn, vì đó là lúc bạn nhận lấy thức ăn. Hán tự của いただきます là 頂きます hoặc 戴きます, nhưng cách viết đầu tiên thì phổ biến hơn.
Học tiếng Nhật Bản không dừng lại ở ngữ pháp và từ vựng, mà còn cần nhìn vào góc độ văn hóa. Nguồn gốc của cụm từいただきますxuất phát từ Phật giáo, cho thấy sự tôn trọng đối với tất cả các sinh vật sống. Quan niệm này được đưa vào ẩm thực dưới hình thức lời cảm ơn đến với thực vật, động vật, những người nông dân, thợ săn, đầu bếp và tất cả sinh vật sống đã mang đến bữa ăn cho con người.
Ý nghĩa của việc nói いただきます là để tỏ lòng biết ơn, ngay cả khi chỉ trong một khoảnh khắc. Bắt đầu bữa ăn bằng câu いただきます có nghĩa là cam kết không bỏ phí thức ăn, vì rất nhiều sinh mạng đã phải từ bỏ cuộc sống để tạo nên một bữa ăn cho bạn.
Việc bỏ thừa lại thức ăn bị người Nhật coi là thiếu tôn trọng. Văn hóa Nhật Bản cũng có một câu nói để nhấn mạnh tầm quan trọng của thức ăn: お 米一粒一粒には、 七人の 神様が 住んでいる。 – Có 7 vị thần sống trong mỗi hạt gạo. Lần tới, khi nhìn thấy một hạt cơm còn sót lại trong bát của mình, bạn đừng ngại dành thời gian để ăn nốt nó đi.
Vì vậy, nói いただきます trước bữa ăn là một phần quan trọng trong nghi thức văn hóa Nhật Bản. Thông thường, mọi người trên bàn ăn sẽ cùng nhau nói いただきます như dấu hiệu bắt đầu dùng bữa, nhưng việc mỗi người tự nói riêng cũng không phải là hiếm thấy.
Không chỉ nói đúng, phát âm chuẩn trong quá trình tự học tiếng Nhật, mà trình tự thực hiện itadakimasu cũng rất quan trọng, với 4 bước cơ bản: chắp 2 tay vào nhau, nói いただきます, cúi đầu nhẹ nhàng để cảm ơn, nhấc đũa lên và bắt đầu dùng bữa.
Đây là nghi thức đầy đủ trong những bữa ăn cần sự trang trọng. Thông thường, bạn có thể không cần cúi đầu mà trực tiếp ăn luôn. Còn khi ăn với bạn bè hoặc người thân, bạn chỉ cần nói いただきます và có thể lược bỏ bước chắp tay hay cúi đầu. Đừng quá lo lắng vì đây chỉ là lễ nghi trên bàn ăn, bạn không cần cứng nhắc theo sát trình tự, mà hãy linh hoạt điều chỉnh tùy theo tình huống cũng như những người dùng bữa cùng bạn.
Vượt ra ngoài giới hạn bàn ăn, itadakimasu còn là gì?
Khi học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu, itadakimasu chỉ giới hạn nơi bàn ăn như một lời tri ân chân thành. Nhưng thực tế, lòng biết ơn từ câu nói いただきます đã vượt ra ngoài giới hạn này và tiến vào cuộc sống hàng ngày của người Nhật.
Với nghĩa gốc là nhận lấy, bạn có thể dùng cụm từ này khi được nhận một đồ vật cụ thể, cũng giống như cách nói “Cho tôi xin ạ” trong tiếng Việt. Trong trường hợp này, いただきますlà cách nói lịch sự hơn của もらいます.
Ví dụ:
- この 魚いりますか? – Bạn có muốn phần cá này không?
- そうですね。いただきます。ありがとうございます。 – Hẳn rồi. Cho tôi xin ạ. Cảm ơn bạn nhiều.
Tuy nhiên, nếu không chuyển về thể lịch sự mà chỉ sử dụng thể thông thường thì việc sử dụng いただく và もらう đều như nhau. Bạn cần lưu ý điều này khi tự học tiếng Nhật để tránh bị đánh giá là mất lịch sự nhé!
Ngoài ra, bạn có thể dùng một số cách nói khác mang nghĩa tương đương để thêm phần trang trọng, như 有り難く頂きます、有り難く頂戴します、有り難く頂戴致します。
Không chỉ là đồ vật cụ thể, tinh thần itadakimasu còn thể hiện sự biết ơn đối với những thứ vô hình mà bạn được trao tặng, như lời khuyên, cái ôm, công việc hoặc một cơ hội. Lúc này, cách sử dụng cụm từ sẽ hơi khác, bạn nên ghi chú lại vào cẩm nang tự học tiếng Nhật của bản thân để không quên nhé!
いただきます chỉ được dùng khi bạn chủ động đưa ra lời nhờ vả, chứ không phải khi bạn nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Ví dụ: コウイチ 大先生からアドバイスをいただきました。 – Tôi đã nhận được lời khuyên từ thầy Koichi. (Trong đó, người nói chủ động xin lời khuyên và được thầy Koichi chấp thuận).
Trong trường hợp lời khuyên do thầy Koichi chủ động đưa ra mà người nói không hỏi đến, bạn không nên dùng câu コウイチ 大先生のアドバイスをいただきます。 – Tôi sẽ nhận lời khuyên từ thầy Koichi. Đây là một sai lầm thường gặp khi học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu.
Thay vào đó, bạn phải nói コウイチ 大先生のアドバイスに 従うことにしました。 – Tôi quyết định làm theo lời khuyên từ thầy Koichi. Đây là cách nói tự nhiên và chuẩn hơn trong tiếng Nhật.
Cũng như vậy, khi một người cho bạn cái ôm an ủi, việc mở rộng vòng tay và nói いただきます là hành vi kỳ quặc. Càng bền bỉ trong quá trình học tiếng Nhật Bản, bạn sẽ càng rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm sử dụng cụm từ itadakimasu trong thực tế.
Dù là học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu hay đã gắn bó với ngôn ngữ này rất lâu rồi, lần tới khi nói いただきます, bạn hãy nhớ về ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của nó. Đừng quên phát huy tinh thần itadakimasu trong quá trình tự học tiếng Nhật, bạn nhé!
Yến Nhi (Theo Tofugu)
Nguồn ảnh cover: allabout-japan