Bạn mong muốn luyện thi TOEIC tại nhà nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu? Mất phương hướng, chán nản, dễ bỏ cuộc là những tác nhân ảnh hưởng đến quá trình tự học của bạn.
Vì vậy, hôm nay Edu2Review sẽ đúc kết cho bạn những kinh nghiệm để quá trình tự ôn luyện này trở nên hiệu quả và thú vị. Đặc biệt, những tips này đã được bạn Nguyễn Thanh Vân – người từng mất gốc tiếng Anh chia sẻ sau 4 tháng tự học đạt 825 điểm thi TOEIC.
Bảng xếp hạng trung tâm
luyện thi TOEIC tốt nhất
Xác định trình độ hiện tại của bản thân
Đây là một bước quan trọng nhưng bị nhiều bạn bỏ sót trước khi quyết định “dấn thân” vào việc luyện thi TOEIC. Với những bạn đã có nền tảng tiếng Anh vững chắc, việc thực hiện những bài kiểm tra trình độ TOEIC này giúp bạn có lộ trình ôn luyện phù hợp và hiệu quả.
Nếu không xác định được trình độ hiện tại của mình, bạn rất dễ nản chí trong quá trình ôn luyện (Nguồn: Unflash)
Tuy nhiên, với những bạn đã mất gốc tiếng Anh, việc đánh giá trình độ như vậy có cần thiết hay không? Và câu trả lời là “có”. Vì việc đánh giá khởi điểm như vậy sẽ là tiêu chuẩn để đo lường tiến bộ, tạo động lực cho các bạn trong quá trình luyện thi.
Ngược lại, nếu bạn chỉ đâm đầu vào học, không tự đánh giá lại kết quả, không biết mình có sự tiến bộ hay không, sự mơ hồ này sẽ giết chết quyết tâm và động lực của bạn.
Điểm danh những bộ tài liệu cần thiết cho quá trình tự ôn luyện
Việc chọn lựa những tài liệu luyện thi TOEIC phù hợp với bạn là một yếu tố quan trọng trong quá trình tự mò mẫm này. Vì tự học là việc bạn tự tìm hiểu về cấu trúc đề thi, mẹo học và làm đề, tự tìm tài liệu... mà không có sự chỉ dẫn của bất kỳ thầy cô nào.
Theo kinh nghiệm tự học của bạn Nguyễn Thanh Vân, Edu2Review sẽ giới thiệu cho bạn bộ tài liệu ôn thi TOEIC cho người mất gốc.
- Starter TOEIC: Cuốn sách dành cho người học có trình độ sơ cấp, được biên soạn và cập nhật hóa về nội dung và hình thức theo thể thức thi TOEIC mới nhất, nhằm giúp thí sinh ôn luyện bám sát theo cấu trúc đề thi, từ đó đạt được kết quả cao hơn.
Tài liệu này hỗ trợ bạn thông qua những bài tập thực hành nhấn trọng âm, cung cấp những kiến thức nền tảng và những mẹo giúp bạn học tốt, xây dựng những kỹ năng cần thiết, làm quen dần với hình thức thi TOEIC. - TOEIC Essential 600 Words: Cuốn sách tổng hợp tất cả những từ vựng TOEIC thiết yếu được sử dụng trong kỳ thi, chúng được lựa chọn kỹ lưỡng từ những sách và tài liệu nổi tiếng để luyện thi. Do đó, bộ từ vựng này giúp bạn tiết kiệm được thời gian của mình trong khi quá học từ vựng.
Một số đầu sách hay giúp quá trình luyện thi TOEIC hiệu quả (Nguồn: Langmaster)
Tuy nhiên, việc ghi nhớ và vận dụng một khối lượng kiến thức lớn trong một khoảng thời gian ngắn như vậy có phải là điều khó khăn với những thí sinh? Vậy đâu là phương pháp học từ vựng TOEIC hiệu quả? Với Thanh Ngân, cô bạn học từ vựng thông qua phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, bước đầu bạn ấy sẽ học qua tất cả từ vựng, sau đó sẽ làm đề thi, nếu từ vựng đó hay xuất hiện hoặc được gặp nhiều lần sẽ giúp bạn nhớ rõ từ đó trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.
- ETS TOEIC: Đây là một trong những bộ tài liệu hay và quan trọng cho những bạn luyện thi TOEIC, với các dạng đề bám sát cấu trúc đề thi và giúp rèn luyện tối đa kỹ năng Nghe và Đọc.
- Longman Full Test: Bộ sách về TOEIC khá hay do Longman biên soạn, với nhiều bài thi mô phỏng đề thi thực tế nhằm kiểm tra và đánh giá tổng hợp, giúp người học có thể tự đánh giá năng lực hiện tại của bản thân một cách khách quan trước khi làm bài thi TOEIC thật. Phần cuối là giải đáp và giải thích các đáp án, giúp bạn củng cố và hoàn thiện những phần kiến thức bị yếu, từ đó có quá trình ôn luyện hơn.
Xây dựng mục tiêu TOEIC và kế hoạch ôn thi phù hợp
Tại sao không bắt tay vào học luôn, mà phải đau đầu xây dựng mục tiêu làm gì nhỉ? Chắc các bạn cũng đang có những thắc mắc tương tự. Nhưng bạn có nhớ một câu nói rất triết lý của thỏ trắng trong bộ phim Alice ở xứ sở thần tiên, nôm na là: “Nếu không biết đi về đâu thì đi đường nào mà chẳng được”.
Vì vậy việc xây dựng mục tiêu trong quá trình luyện thi TOEIC giúp bạn xác định được hướng đi và cách thức thực hiện để đạt được số điểm mình mong muốn trong từng thời kỳ ôn thi. Đồng thời, nó cũng thôi thúc sự tự tin, động lực và quyết tâm, từ đó, khả năng hoàn thành mục tiêu cũng cao hơn.
Phân bổ thời gian ôn luyện giúp bạn tập trung sử dụng những nguồn lực của mình để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi. Cấu trúc của bài thi TOEIC gồm có 7 phần. Mỗi phần thi đều có những điểm cần chú trọng riêng. Bạn không nên dành quá nhiều vào việc ôn tập một phần thi cụ thể nào. Rất nhiều thí sinh đã mắc sai lầm khi chỉ ôn tập phần thi mà họ yêu thích và dành thời gian quá nhiều cho phần thi đó.
Bí kíp phân bổ thời gian làm bài TOEIC hiệu quả (Nguồn: YouTube - Anh Le TOEIC)
Quá trình ôn thi để đạt 825 TOEIC của Nguyễn Thanh Vân gói gọn trong khoảng thời gian ngắn ngủi là 4 tháng. Bạn thường luyện nghe các bài tiếng Anh vào buổi sáng, bao gồm cả việc làm đề phần Listening, sau khi đã làm xong, bạn ấy có thói quen lưu lại những đoạn hội thoại đó trên điện thoại hoặc máy tính, để nghe lại trong thời gian rảnh. Mục đích của việc làm này, để giúp củng cố kỹ năng nghe, trong nhiều tình huống và chất giọng khác nhau.
Với buổi chiều, Thanh Ngân chia sẻ: “Mình dành thời gian để làm đề, đặt đồng hồ đúng thời gian thi. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy rất mệt, không thể làm cả hai phần Reading và Listening liên tục được. Nhưng sau đó, bạn sẽ quen với tốc độ làm bài thi và hoàn thành nhanh hơn”.
Trên trang facebook cá nhân, Nguyễn Thanh Vân chia sẻ kinh nghiệm đạt 825 điểm TOEIC sau 4 tháng ôn luyện tại nhà và nhận được sự quan tâm của hàng nghìn người (Nguồn: Facebook Nguyen Thanh Van)
Trên đây, là những kinh nghiệm từ luyện thi TOEIC tại nhà cho người mất gốc. Tuy không phải tất cả nhưng có thể giúp bạn định hình được những việc mình nên làm và chuẩn bị để đối đầu với kỳ thi tưởng dễ mà khó này. Dù quyết định tự học hay đến các lò luyện, điều quan trọng nhất là luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh, nghĩa là người học phải luôn bình tĩnh, kiên trì và nỗ lực trước khi chạm tới giấc mơ TOEIC của mình.
Thúy Hồng (Tổng hợp)