Trong kỳ thi TOEIC, bạn sẽ có thời gian là 45 phút để vừa nghe vừa nghe vừa trả lời 100 câu hỏi trắc nghiệm tiếng Anh về đoạn hội thoại, miêu tả hình ảnh, cung cấp thông tin... Nay, Edu2Review sẽ chia sẻ kinh nghiệm luyện thi TOEIC tại nhà, giúp bạn ôn tập hiệu quả hơn để sẵn sàng cho việc đổi đề vào tháng 02/2019.
* Bạn muốn học TOEIC nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm ngoại ngữ tốt nhất Việt Nam!
Câu hỏi đầu tiên: tập trung hay là chấp nhận rớt?
Nếu thói quen của bạn là vừa luyện nghe TOEIC vừa “chat chit” Facebook, Instagram, kiểm tra tin nhắn... thì đừng ngạc nhiên khi ôn mãi mà không tiến bộ. Bạn luôn phải giữ cho mình sự tập trung cao độ và tâm niệm chỉ một câu hỏi: tập trung ôn hay là chấp nhận rớt?
Vậy còn những yếu tố ngoại cảnh nào thường gây xao nhãng trong quá trình nghe của bạn? Đó là tiếng động bên ngoài, đến từ người thi cùng bạn (bút viết sột soạt, tiếng ho khọt khẹt, giọng ngáy khò khò của những ai ngủ quên...), hay thậm chí là hình bóng những giám thị qua lại thường xuyên cũng có thể làm bạn mơ màng quên mất mình đang... ngồi trong phòng thi!
Nghe TOEIC có đang làm khó bạn? (Nguồn: steinhardt)
Cách tốt nhất để đối phó với những âm thanh không mong muốn này là “sống chung với lũ”, làm quen dần đến mức bạn có thể bỏ qua nó và tập trung vào việc nghe. Vì vậy, lựa chọn môi trường luyện nghe phù hợp là hết sức quan trọng.
Đừng chỉ nghe trong phòng tĩnh lặng, một mình, không ai quấy rầy, mà hãy luyện cả ở những nơi ồn ào, đông đúc, điều kiện không lý tưởng tí nào! Một vài gợi ý dành cho bạn là ghế đá công viên, cửa hàng tiện lợi, hành lang ký túc xá...
Từ khóa cần nhớ: cường độ cao, tốc độ nhanh
Một tình huống khác thường gây khó khăn cho bạn khi luyện nghe TOEIC là cảm giác nhức đầu, khó chịu khi phải tập trung nghe tiếng Anh trong thời gian dài. Cách “chữa bệnh” này là phải “đối đầu” trực tiếp với “tác nhân gây bệnh”, nâng cường độ và tốc độ nghe lên một tầm cao mới.
Nghe hằng ngày, mọi lúc mọi nơi (trên xe bus, khi đi tắm, nghỉ ngơi giải trí...). Không chỉ nghe những đoạn hội thoại ngắn mà còn thử sức với những bài phát biểu, chương trình thời sự kéo dài trên ba mươi phút (theo chủ đề mà bạn yêu thích).
Một tuyệt chiêu khác mà bạn có thể sử dụng là tăng tốc độ bài nghe để nâng độ khó khi luyện đề. Kiên trì đến lúc vượt qua được sự khó chịu khi nghe trong thời gian dài là bạn đã thành công được một nửa rồi đó!
Nghe nhiều và nhanh, sợ gì không đạt mục tiêu? (Nguồn: studyinthestates)
Vậy còn những trường hợp cảm thấy buồn ngủ khi nghe nhiều? Một lần nữa, phải làm quen với nó bằng cách luyện tập trong những thời gian khó chịu nhất:
- 6:30 sáng, vừa mới ngủ dậy
- 13:30 trưa, sau khi thưởng thức bữa trưa no căng bụng
- 21:30 tối, trước lúc chuẩn bị đi ngủ
Chỉ như vậy bạn mới có thể tự tin kiểm soát “con sâu buồn ngủ” để tập trung nghe TOEIC và đạt điểm cao được.
Luyện đọc để nghe tốt: đâu phải chuyện đùa!
Tại sao bí quyết luyện đọc nhanh lại xuất hiện trong bài viết chia sẻ kinh nghiệm luyện thi TOEIC tại nhà phần nghe? Đó là vì một thực trạng thường gặp của các sĩ tử trong phòng thi là không đọc kịp câu hỏi và đáp án, từ đó dẫn đến không chọn lọc được thông tin, dù nghe đúng rồi vẫn chọn sai.
Luyện nghe nhưng vẫn phải biết đọc nhanh (Nguồn: entrepreneur)
Kỹ năng đọc nhanh và nắm bắt yêu cầu của câu hỏi là một trong những yếu tố then chốt giúp bạn “ăn điểm” trong phần thi nghe. Một vài lời khuyên dành cho bạn:
- Đọc tiếng Anh thành thói quen: rèn luyện hàng ngày, bắt đầu với những nội dung ngắn rồi từ từ tăng độ dài bài đọc
- Nắm vững các kỹ thuật đọc nhanh cơ bản: lướt (tìm ý chính), quét (“soi” ra các chi tiết nhỏ), từ khoá (tập trung thông tin quan trọng)...
- Bổ sung từ vựng: thuộc càng nhiều từ vựng tiếng Anh phổ biến càng tốt, thông qua những cách như học tiếng Anh qua bài hát, phim ảnh, flashcard...
Với 3 kinh nghiệm luyện thi TOEIC tại nhà độc, lạ mà Edu2Review giới thiệu, hẳn là bạn đã tự tin hơn nhiều rồi phải không. Tự học mà vẫn nghe tốt đã không còn là giấc mơ xa vời của những sĩ tử luyện thi TOEIC nữa!
Yến Nhi tổng hợp
Nguồn: nghetienganhpro