Đại học An Giang được thành lập vào năm 1999 trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm An Giang. Đây là cơ sở đào tạo công lập trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam. Trường là trung tâm đào tạo nhân lực đa ngành, đa trình độ, đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng dân cư tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bảng xếp hạng các trường Đại học
tốt nhất Việt Nam
Mô hình đào tạo chất lượng
Đại học An Giang đào tạo theo tín chỉ và áp dụng mô hình CDIO cho tất cả chương trình giảng dạy. CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. Mô hình này khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ) và được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng.
Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.
Đào tạo theo mô hình CDIO là hướng tới việc giúp sinh viên chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết khi ra trường, nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Những sinh viên giỏi có thể làm chủ, điều chỉnh phương pháp học theo hướng tích cực. Ở đây, bạn sẽ được học với giảng viên là những chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Bài hát trường Đại học An Giang (Nguồn: YouTube)
Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại
Trường có tổng diện tích 447.714 m2 được xây dựng với kết cấu hạ tầng khang trang đã được đưa vào sử dụng, trong đó gồm: 15 giảng đường, 150 phòng học, 100 phòng thí nghiệm, xưởng thực tập có trang thiết bị hiện đại, 1.190 máy vi tính, 1 thư viện điện tử hiện đại với nhiều nguồn học liệu phong phú, khu kí túc xá có 237 phòng với hơn 1.620 chỗ ở cho sinh viên.
Cơ hội giao lưu quốc tế
Cho đến nay, trường đã tiếp đón và làm việc với hơn 911 đoàn khách quốc tế, khoảng 2.800 lượt học giả của 150 viện, trường từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Trường còn ký kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều viện, trường đại học ở nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Úc, Israel, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Nhật Bản... để thực hiện việc trao đổi giảng viên và sinh viên.
Ngoài ra, Đại học An Giang cũng đã tiếp nhận 76 lượt tình nguyện viên, sinh viên và chuyên gia nước ngoài từ các tổ chức quốc tế đến làm việc, thực tập và nghiên cứu. Có thể thấy, đây là môi trường đa văn hóa, có nhiều cơ hội để sinh viên giao lưu, học hỏi các nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.
Sinh viên được phát triển toàn diện
Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành trên giảng đường, sinh viên Đại học An Giang còn được tạo điều kiện để nâng cao kỹ năng mềm, chuẩn bị hành trang lập nghiệp. Trường thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn về phương pháp học tập, các lớp tập huấn kỹ năng mềm miễn phí, nhiều sân chơi trí tuệ cho sinh viên…
Nhiều hoạt động ngoại khóa như các chương trình tình nguyện, cuộc thi văn nghệ, giải đấu thể thao… được tổ chức để giúp sinh viên năng động, hoàn thiện bản thân.
Hỗ trợ việc làm cho sinh viên
Tại Đại học An Giang, người học có cơ hội học tập và làm việc tại các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên. Song song với đó là các buổi gặp gỡ, tọa đàm trao đổi với các nhà quản lý, doanh nghiệp.
Không chỉ có vậy, sinh viên còn được tham gia những Ngày hội tuyển dụng do nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức. Cụ thể, trong 5 lần tổ chức thu hút 26.130 lượt sinh viên tham gia, phỏng vấn 2.370 hồ sơ và giới thiệu 1.876 người đến thức tập tại các doanh nghiệp.
Đại học An Giang xứng đáng là nơi ươm mầm tài năng và hội tụ ước mơ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trường cũng đang tận dụng nguồn lực của địa phương kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài để phát triển và đa dạng hóa các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.
Thường Lạc (tổng hợp)