Để trở thành một nhân viên xuất sắc, bạn cần phải có các kỹ năng văn phòng để tùy cơ ứng biến với các tình huống khác nhau trong công việc. Đặc biệt là khi con người ngày càng trở thành một nhân tố được coi trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển của một công ty. Hãy kiểm tra danh sách sau đây để xem bạn cần bổ sung những kỹ năng nào nhé!
1. Kỹ năng ngoại ngữ
Trong xu thế hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, ngoại ngữ trở thành một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực của người đi làm. Đặc biệt là tại các công ty nước ngoài, thường sử dụng tiếng Anh để làm việc và giao tiếp. Giới hạn về kỹ năng này là một sự thiệt thòi đối những ai muốn làm việc trong môi trường quốc tế, có nhiều quốc tịch khác nhau.
Kể cả đối với những công ty không yêu cầu về ngoại ngữ, hồ sơ xin việc của bạn vẫn sẽ nổi bật hơn so với các ứng viên khác, nếu bạn biết thêm ngôn ngữ thứ 2 hoặc thứ 3. Nguyên nhân là nhờ vậy mà bạn được đánh giá là người có phản xạ tốt, tiếp thu nhanh.
Nói đến đây, chắc hẳn là bạn đã biết bản thân nên làm gì nếu có nguyện vọng tìm được một công việc lương cao, đãi ngộ tốt, phải không nào?
Ngoại ngữ là công cụ giúp bạn thăng tiến trong công việc (Nguồn: unsplash)
2. Kỹ năng tin học
Sử dụng vi tính thành thạo và bổ sung đầy đủ các kiến thức tin học văn phòng là các hành động cần thiết đối với người đi làm, nếu muốn công việc diễn ra trôi chảy hơn. Tại các công ty hiện nay, đa số đều yêu cầu bạn phải thành thạo các thao tác tin học văn bản, trình chiếu, bảng tính hoặc sử dụng được các công cụ như Microsoft Office (Word, Excel, PowerPoint...).
Chính vì thế, bạn cần chuẩn bị trước cho mình kỹ năng sử dụng vi tính để tự tin hơn khi bước ra ngoài xin việc.
Thành tạo kỹ năng tin học là một lợi thế khi đi làm (Nguồn: unsplash)
3. Kỹ năng tư duy phản biện
Tư duy phản biện là khả năng vận dụng các lập luận để đánh giá một vấn đề hay giả thiết nào đó. Thay vì suy nghĩ cảm tính, người có tư duy phản biện thường sẽ đứng ở nhiều góc độ khác nhau để cố gắng đưa ra các giải pháp thuyết phục người khác.
Giả sử, trong một buổi họp, bạn hãy thử tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu mọi người không có thói quen tư duy để phản biện lại các ý kiến từ người khác. Bất kỳ quan điểm nào được đưa ra, các thành viên cũng đều tán thành hoặc không nói gì. Trong khi, các công việc đi kèm với các vấn đề cần xử lý thì vẫn còn đấy! Liệu điều đó sẽ tốt cho bạn, cho tập thể hay cho công ty?
Câu trả lời dĩ nhiên là "Chẳng tốt cho ai cả, nếu không nói là tệ!". Các doanh nghiệp luôn cần những nhân viên có chính kiến, nói ra được suy nghĩ của mình một cách tính cực nhưng biết tiếp thu. Sở hữu kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp bạn tránh được kiểu "lý sự cùn", đưa ra các ý kiến không có logic hay phản biện người khác một cách thiếu thuyết phục. Điều này sẽ khiến bạn trở nên khác biệt hơn so với người khác, vì bạn biết sử dụng các kiến thức có tính chuyên môn cao để ứng biến linh hoạt trước các tình huống.
Khả năng tư duy tốt là chìa khóa tạo nên sự khác biệt (Nguồn: freepik)
Người có tư duy phản biện sở hữu các khả năng sau đây:
- Quan sát: Mỗi sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt, người có khả năng tư duy phản biện thường nhìn thấy mặt mà người khác khó nhìn thấy và có khả năng quan sát cao.
- Luôn tìm kiếm câu trả lời: Sau khi quan sát và hiểu bản chất của vấn đề, họ sẽ bắt đầu đưa ra những câu hỏi như Tại sao? Làm thế nào? để phân tích vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau.
- Tư duy logic: Đây là khả năng kết nối các mấu chốt của các vấn đề lại với nhau để tìm ra câu trả lời.
Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, có thể tham khảo tại đây: Tầm quan trọng của kỹ năng tư duy phản biện
4. Kỹ năng sáng tạo
Nếu không có kỹ năng sáng tạo, xã hội chắc hẳn sẽ không phát triển như ngày nay. Đặc biệt, sự sáng tạo sẽ cực kỳ hữu ích nếu bạn làm trong các lĩnh vực như quảng cáo, giáo dục, nghệ thuật... khi cần giải quyết các vấn đề đòi hỏi sự đột phá.
Nghĩ và làm khác đi so với số đông hoặc xử lý vấn đề theo nhiều hướng khác nhau sẽ giúp bạn cải thiện được khả năng sáng tạo của bản thân. Nếu thành công bạn sẽ là người tạo ra xu hướng mới, nếu thất bại thì ít ra bạn đã cố gắng hết mình.
Suy nghĩ khác biệt đưa bạn đến nhiều cơ hội hoàn toàn mới (Nguồn: freepik)
5. Kỹ năng làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc nhóm có thể hiểu đơn giản là mọi người cùng nhau đóng góp thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó. Cách làm việc này giúp bổ sung những thiếu sót của các thành viên còn lại, giúp công việc đạt được kết quả tốt cũng như nâng cao tinh thần đồng đội.
Trong một cuộc thảo luận, tất nhiên không tránh những mâu thuẫn hay ý kiến trái chiều làm cho không khí trao đổi thông tin trở nên "nảy lửa". Để tránh tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số phương pháp làm việc nhóm hiệu quả:
- Biết lắng nghe
- Khả năng thuyết phục
- Phân công công việc hợp lý
- Có trách nhiệm với công việc
Mọi người cùng nhau chung tay để hướng tới lợi ích chung (Nguồn: pixabay)
Luôn học hỏi và trau dồi bản thân là một điều tất yếu cho những ai muốn thành công trong cuộc sống. Mọi sự nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Hy vọng bài viết trên phần nào đã cho bạn biết cần chuẩn bị các kỹ năng văn phòng nào cho công việc của mình.
Minh Thiện (Tổng hợp)