Tìm được một nhân viên có năng lực, thích hợp với môi trường làm việc của doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Chưa kể, người tuyển dụng còn phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định có nên chọn nhân viên đó hay không để tiết kiệm chi phí và thời gian. Sau đây, Edu2Review sẽ bật mí những kiến thức và kỹ năng tuyển dụng để hỗ trợ cho công việc của bạn thật tốt trong vai trò tìm kiếm nhân lực cho công ty.
Cấu trúc của một buổi phỏng vấn
Theo các chuyên gia nhân sự, việc có nhiều hơn 1 người phỏng vấn sẽ giúp quá trình đánh giá trở nên khách quan hơn. Điều này giảm đi nguy cơ ứng viên được lựa chọn dựa trên cảm tính của một cá nhân.
Nắm rõ cấu trúc của một buổi phỏng vấn là việc nên làm (Nguồn: hoangkhanhnhatrang)
Tiến trình phỏng vấn nên được thực hiện như sau:
Phần 1: Giới thiệu
Dành ra một vài phút trò chuyện để giúp ứng viên cảm thấy thoải mái hơn. Bạn cũng có thể giới thiệu qua về quy trình phỏng vấn.
Phần 2: Đặt câu hỏi phỏng vấn
Bạn nên bắt đầu với các câu hỏi chung để khai thác thông tin của ứng viên và tìm hiểu xem họ có đáp ứng đủ tiêu chuẩn công việc hay không. Người tuyển dụng chuyên nghiệp nên tránh đặt các câu hỏi về chiều cao, cân nặng, tôn giáo, vùng miền, giới tính... trong quá trình phỏng vấn.
Phần 3: Bổ sung một bài kiểm tra nhỏ nếu cần
Để đánh giá đúng thực lực của ứng viên, bạn nên có một bài kiểm tra vào ngày phỏng vấn. Tùy vào yêu cầu của vị trí đang tuyển, bạn có thể bổ sung bài kiểm tra về tính cách, thái độ, khả năng làm việc nhóm, tư duy, kinh nghiệm công việc...
Phần 4: Tổng kết
Người phỏng vấn sẽ tạo cơ hội cho ứng viên đặt câu hỏi, sau đó đưa ra một mốc thời gian để trả lời các câu hỏi kèm theo thông báo thời hạn nhận kết quả. Kết thúc buổi phỏng vấn, bạn nên gửi lời cảm ơn tới ứng viên vì đã tham dự.
Một số kỹ năng nhà tuyển dụng cần có
Nhà tuyển dụng là người thường xuyên phải gặp gỡ các ứng viên và bàn bạc chiến lược tuyển dụng với sếp, đồng nghiệp và các công ty đối tác, thậm chí được đánh giá như là bộ mặt của cả một tổ chức. Vì vây, bạn phải thực sự là người biết cách gây thiện cảm và khéo léo trong giao tiếp.
Giao tiếp tốt giúp bạn thành công trong công việc (Nguồn: eju)
Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn quản lý nhân sự nội bộ dễ dàng hơn. Dưới đây là một số mẹo mà bạn cần biết:
- Khi gặp mặt trực tiếp với người khác cần trao đổi thông tin rõ ràng
- Nói chuyện qua điện thoại cần phải ngắn gọn, dễ hiểu để người nghe nắm bắt được hết cuộc hội thoại
- Trao đổi qua thư từ, email hay các tài liệu khác cần phải chuyên nghiệp, không quá dài dòng, không sai lỗi chính tả
Hiểu rõ vị trí tuyển dụng
Trước khi đăng thông báo tìm ứng viên, bạn cần chắc chắn rằng đã nghiên cứu kỹ công việc mà mình sẽ tuyển dụng. Bạn phải tìm hiểu xem những kiến thức và phẩm chất của người đi phỏng vấn có phù hợp với yêu cầu công việc hay không. Ngoài ra, nhà tuyển dụng còn phải đánh giá các kỹ năng mềm của ứng viên, như:
- Tính độc lập trong công việc
- Sự năng động
- Tinh thần làm việc nhóm
- Làm việc có tổ chức và đa nhiệm tốt
- Khả năng làm việc dưới áp lực cao
- Giao tiếp tốt
- Linh hoạt trong xử lý tình huống
- Tự tin
Nghiên cứu CV của ứng viên trước khi phỏng vấn
Đây là việc nhân sự bắt buộc phải làm. Ngoài ra trong thời đại số, bạn nên cân nhắc nghiên cứu thêm hồ sơ của ứng viên trên các mạng xã hội, như Facebook, Google Plus...
Đọc CV thật kỹ để hiểu được ưu và nhược điểm của ứng viên (Nguồn: alrasub)
Ghi chú trong khi phỏng vấn
Bạn có thể nhớ thông tin của 1 hay 2 ứng viên nhưng khi con số lên đến 5 hay 10 hoặc nhiều hơn thì bạn sẽ cần đến những ghi chú cụ thể. Vì vậy, người tuyển dụng phải có công cụ để lưu lại các thông tin thật rõ ràng của từng ứng viên.
Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp trong lúc phỏng vấn bằng cách lắng nghe những gì ứng viên nói. Từ đó, họ sẽ cảm thấy an tâm, tin tưởng và dễ dàng thể hiện được hết khả năng cá nhân. Vì vậy, cơ hội nhận việc của ứng viên cũng sẽ cao hơn. Bạn có thể hướng dẫn hoặc gợi ý họ nói về bản thân, kinh nghiệm và những chuyện mà mình muốn biết để hiểu rõ hơn.
Kỹ năng tuyển dụng chỉ có thể tốt lên qua thời gian nhờ rèn luyện. Sau nhiều lần trải qua thực tế, bạn sẽ tự tổng hợp được cho mình hệ thống các câu hỏi, đánh giá sắc sảo và khách quan hơn. Điều quan trọng nhất là bạn phải tự rút kinh nghiệm, nghiên cứu và hoàn thiện bản thân.
Cẩm Tú (Tổng hợp)