Việc nên học tiếng Trung hay tiếng Nhật phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân như mục tiêu tương lai, sở thích riêng, khả năng tiếp thu... Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ đều có những đặc trưng độc đáo, mang lại những cơ hội và thách thức khác nhau. Xem xét những yếu tố đặc biệt này, bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định để tự trả lời câu hỏi: nên học ngoại ngữ nào?
Xem ngay bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Vì sao tiếng Nhật được đánh giá là khó học?
Ngữ pháp “khó nhằn”
Tiếng Nhật có rất nhiều cách chia động từ và tính từ, phụ thuộc vào thì quá khứ hay hiện tại, câu khẳng định hay phủ định. Ngoài ra, thể lịch sự và thể thân mật cũng có điểm khác biệt, nên mỗi câu bạn phải nhớ ít nhất... 2 cách nói khác nhau! Vì vậy, trong nhiều trường hợp, dù đã học tiếng Nhật suốt một năm nhưng bạn vẫn không thể hiểu người bản xứ nói gì, chỉ vì họ dùng cách nói thân mật, khác xa với thể lịch sự thường gặp trong lớp học.
Ngoài ra, câu tiếng Nhật cũng đi theo thứ tự khá “lạ lẫm” (chủ ngữ – vị ngữ – động từ), trong khi tiếng Việt và tiếng Trung có cùng cấu trúc (chủ ngữ – động từ – vị ngữ). Điều này có thể gây khó khăn cho người Việt khi học tiếng Nhật.
Hãy lưu ý trong việc sử dụng thể lịch sự và thân mật của tiếng Nhật (Nguồn: theepochtimes)
Từ có nhiều cách đọc
Bạn nghĩ rằng việc ghi nhớ các nét của Hán tự là khó khăn? Thử thách thật sự chỉ bắt đầu khi bạn phải thuộc muôn vàn cách đọc của một từ! Tiếng Nhật mượn ký tự Trung Quốc vào ngôn ngữ, dẫn đến một Hán tự có thể có số lượng lớn các cách đọc, gồm âm thuần Nhật, âm Hán Nhật và một số âm thay đổi khi đứng cùng nhau hay đứng riêng rẽ.
Ví dụ: 下 (hạ)
- Âm Hán Nhật: か (ka), げ (ge)
- Âm thuần Nhật: 下りる (oriru), 下ろす (orosu), 下さる (kudasaru), 下す (kudasu), 下る (kudaru), 下がる (sagaru), 下げる (sageru), した (shita), しも (shimo), もと (moto)
Đại từ nhân xưng đa dạng
Khi học tiếng Nhật, việc sử dụng đại từ nhân xưng thường được giản lược với những cách nói thông thường nhất, chứ không đa dạng như trong thực tế. Người Nhật có rất nhiều đại từ nhân xưng khác nhau, phụ thuộc vào vai vế, chức vụ, giới tính... của người nói và người nghe.
Trong những tình huống giao tiếp thường ngày, bạn phải linh hoạt thay đổi đại từ nhân xưng sao cho phù hợp:
- Đại từ nhân xưng lịch sự khi trò chuyện cùng người lớn tuổi hoặc cấp trên
- Đại từ nhân xưng trang trọng khi làm việc với khách hàng
- Đại từ nhân xưng nữ tính/nam tính khi hò hẹn người yêu
- Đại từ nhân xưng thân mật khi gặp gỡ người thân, bạn bè
Ví dụ: Một số đại từ nhân xưng mang nghĩa “chúng tôi/chúng ta”:
- Cách nói chuẩn mực: 私たち (watashitachi)
- Dùng cho lãnh đạo: 我々 (wareware)
- Dùng cho con trai: 僕たち (bokutachi), 僕ら (bokura)
- Dùng cho đàn ông trưởng thành: 俺たち (oretachi), 俺ら (orera)
Đại từ nhân xưng thay đổi theo đối tượng giao tiếp (Nguồn: medium)
Học tiếng Trung cũng mang lại nhiều thử thách không kém!
Âm đọc tương tự nhau khá nhiều
Khi so sánh học tiếng Nhật và tiếng Trung, phát âm tiếng Trung sẽ khó hơn khá nhiều vì có những âm tiết tương tự nhau nối thành câu, đặc biệt gây khó khăn trong việc nghe rõ lời nói của người bản xứ.
Bên cạnh đó, rất nhiều người nói tiếng Hoa nặng giọng địa phương. Như khi một người giọng Hà Bắc nói xuè xuě, bạn có thể đoán rằng đây là cách phát âm địa phương cho từ 泻血 (nghĩa là chảy máu dữ dội), nhưng thật ra chính là từ 献血 (nghĩa là hiến máu).
Các cụm thành ngữ, tục ngữ, từ địa phương làm khó người nghe
Tiếng Trung có không ít các thành ngữ, tục ngữ từ kho tàng văn học đồ sộ, nhưng những gì bạn được học chỉ như “muối bỏ bể” mà thôi. Bạn sẽ bắt gặp vô tận những thành ngữ, tục ngữ lạ lẫm và phải “đoán già đoán non” về nghĩa bóng cũng như cách viết của chúng.
Ví dụ:
- 英雄所见略同 (yīngxióng suǒjiàn lüètóng): ý tưởng lớn gặp nhau
- 净身出户 (jìngshēn chū hù): trắng tay (rời đi mà không có gì cả, để chỉ những khó khăn mà người phụ nữ phải đối mặt sau khi ly hôn)
Ngoài ra, tiếng Trung còn có rất nhiều tiếng lóng và từ địa phương. Ví dụ khi một người từ Bắc Kinh nói rằng ai đó trông 怯 (qiè), điều đó không có nghĩa là hèn nhát, mà thể hiện sự tẻ nhạt, lỗi thời, nhàm chán.
Khi ý tưởng lớn gặp nhau, người Trung dùng thành ngữ 英雄所见略同 (Nguồn: 15five)
Cấu trúc ngôn ngữ quá linh hoạt, thiếu tính hệ thống
Nếu so sánh học tiếng Nhật và tiếng Trung, ngữ pháp tiếng Nhật phức tạp hơn, dẫn đến cấu trúc và hệ thống cũng rõ ràng hơn. Một khi bạn đã hiểu ngữ pháp và cách sử dụng, mọi thứ sẽ đi theo những đường hướng rất cụ thể. Như cách nói địa phương trong tiếng Nhật thường liên quan một cách có hệ thống với ngữ pháp chuẩn, dẫn đến việc học tập và ghi nhớ cũng dễ dàng hơn.
Tiếng Trung thì linh hoạt và thay đổi đa dạng hơn, cần học qua trải nghiệm thực tế, ghi nhớ theo cách “thuộc lòng” chứ khó mà đưa vào hệ thống rõ ràng được. Như cách phát âm của các ký tự phải kèm theo âm điệu (từ này đọc là qìng hay qíng?), buộc người học phải nhớ để nói cho chính xác.
Sau một số phân tích về góc độ ngôn ngữ từ Edu2Review, hẳn là bạn đã có cái nhìn toàn diện hơn về hai thứ tiếng này. Nhưng chỉ có bản thân bạn mới trả lời được câu hỏi “mình nên học ngoại ngữ nào?”, vì thực tế tiếng Trung và tiếng Nhật có những đặc điểm tạo nên sự khó, dễ khác nhau.
Giờ thì hãy hít một hơi thật sâu, suy nghĩ kỹ càng và đưa ra quyết định: nên học tiếng Trung hay tiếng Nhật?
Yến Nhi (Tổng hợp)
Nguồn: Quora