Sau khi con em mình tốt nghiệp đại học và bắt đầu “tung cánh ra với đời”, các bậc phụ huynh luôn mong muốn “những chú chim nhỏ” có thể tìm được một công việc ổn định. “Ổn định” từ lâu đã trở thành một quan niệm truyền đời của các thế hệ người Việt Nam đi trước, như một tiêu chuẩn đo lường sự thành công trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khi thời thế thay đổi, với sự năng động và yêu thích thử thách, giới trẻ ngày càng ưa chuộng nghề freelancer – một công việc không gắn liền với sự ổn định. Freelancer dần dà trở thành một xu hướng việc làm mới mẻ, hứa hẹn tiềm năng phát triển trong bối cảnh cách mạng 4.0 với nhiều sự đổi mới đột phá.
Bảng xếp hạng
trường đại học tốt nhất việt nam
Freelancer – phá bỏ ranh giới an toàn
Thật ra, chúng ta không có một cụm từ ngắn gọn, súc tích nào để định nghĩa chính xác freelancer là gì. Từ bản chất của nghề nghiệp khá mới mẻ này, freelancer có thể được xem là những người làm việc theo hình thức tự do, không thuộc sự quản lý của cơ quan hay tổ chức nào.
Các freelancer sẽ bán “chất xám”, cung cấp những dịch vụ mà thị trường có nhu cầu dưới dạng các thỏa thuận, hợp đồng ngắn hạn. Do đó, giữa freelancer và những chủ dự án thường không có ràng buộc lâu dài. Là một freelancer, bạn thậm chí còn có thể làm cho nhiều khách hàng cùng một lúc.
Nghề freelancer đang dần trở thành xu hướng việc làm trong thời đại mới (Nguồn: collectivehub)
Đến đây, chắc có lẽ nhiều bạn sẽ thắc mắc: Vậy bản chất freelancer là gì? Nhân viên toàn thời gian (full-time) hay bán thời gian (part-time)? Nhiều người cho rằng freelancer chỉ là nghề tay trái, bán thời gian của các bạn muốn kiếm thêm thu nhập, nhưng thực chất công việc này cũng có dạng toàn thời gian. Các freelancer full-time từ bỏ vị trí hiện tại và tập trung 100% quỹ thời gian làm công việc tự do tại nhà.
Nghề freelance đích thị là công việc trong mơ của những bạn trẻ yêu thích sự tự do, sáng tạo, đam mê khám phá bản thân và bứt phá mọi giới hạn, khuôn khổ.
Các lĩnh vực có nhu cầu nguồn nhân lực freelancer cao bao gồm dịch thuật, viết lách, thiết kế đồ họa, IT, lập trình, thiết kế website, sản xuất phim và video… Chỉ kể đến đây thôi, chúng ta cũng có thể thấy được tiềm năng dẫn đầu xu hướng việc làm của nghề freelancer.

Bạn đã hiểu đúng về nghề freelancer? (Nguồn: YouTube – FBNC Vietnam)
Làm nghề freelancer – nhiều điểm cộng bất ngờ
Với sự khác biệt “độc nhất vô nhị” không thể tìm thấy ở bất cứ ngành nghề nào, công việc freelancer cũng đem đến cho bạn nhiều điểm cộng nổi bật.
-
Được tự do làm việc bất kỳ nơi đâu, bất cứ nơi nào
Trở thành một freelancer, bạn sẽ không cần phải chán ngán với lịch làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều như nhân viên văn phòng, cũng chẳng cần phải đến công ty. Một freelancer có thể tùy ý điều chỉnh giờ làm việc sao cho phù hợp với bản thân, miễn là hoàn thành công việc được giao một cách chất lượng.
Nghề freelancer không có khái niệm “lương cứng”, thu nhập của bạn đồng nghĩa với số lượng công việc đã hoàn thành và tâm sức được bỏ ra. Sự siêng năng, có tâm trong công việc và ham học hỏi là những yếu tố giúp thu nhập của bạn có thể “sinh sôi nảy nở” lên gấp nhiều lần.
-
Không “dưới trướng” một ai
Khi dấn thân vào con đường làm nghề freelancer, bạn không phải chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai. Chính bạn sẽ là ông chủ của mình, tự bản thân quản lý tiến độ công việc và chịu trách nhiệm cho sản phẩm.
-
Có cơ hội phát triển bản thân
Do bản chất công việc, các freelancer cần trau dồi kiến thức liên tục và nâng cao kỹ năng nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn, từ đó cũng mài giũa bản thân. Giá trị bản thân chính là thước đo sự thành công của một freelancer.
Nghề freelancer đem đến vô số những điểm cộng bất ngờ (Nguồn: mediabistro)
Liệu nghề freelancer có ẩn chứa rủi ro?
Bất kỳ công việc nào cũng sẽ có những lợi, hại chúng ta cần “cân, đo, đong, đếm” một cách kỹ càng và freelancer không phải là ngoại lệ. Nhanh chóng trở thành một xu hướng việc làm tiềm năng, nghề freelancer đồng thời mang đến nhiều điểm trừ và thách thức “không phải dạng vừa đâu”.
Nếu đã có chút “rung rinh” trước nghề freelancer, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ những khó khăn sau đây:
-
Thu nhập “lên xuống” thất thường
Như đã đề cập ở trên, thu nhập của nghề freelancer phụ thuộc vào số lượng sản phẩm bạn sáng tạo nên và sự năng suất của bản thân. Do đó, thu nhập không ổn định là điều dễ hiểu.
-
Tỉ lệ cạnh tranh cao
Đối với các bạn “chân ướt chân ráo” bước vào công việc này, nếu không có kỹ năng nổi trội và chỉ làm những việc tương đối dễ, bạn sẽ phải đối mặt với tỉ lệ cạnh tranh vô cùng cao. Do đó, không ngừng phát triển bản thân là phương châm tối thượng của các freelancer.
-
Sức khỏe giảm sút nếu không sắp xếp công việc hợp lý
Đôi khi các bạn freelancer có cơ hội làm việc với khách hàng nước ngoài, do đó, việc hoạt động lệch múi giờ cũng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, thức khuya làm việc và áp lực cao cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của freelancer.
-
Đi ngược lại với kỳ vọng của bố mẹ
Không phải ai làm nghề freelancer cũng được bố mẹ thông cảm, nhiều bậc phụ huynh không có khái niệm chính xác về freelancer là gì. Do đó, nhiều bạn freelancer bị xem là vô công rồi nghề, suốt ngày lông bông, ru rú trong phòng...
Làm freelancer, bạn phải chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách (Nguồn: trustradius)
Những khó khăn, thử thách mà nghề freelancer thật không dễ để đối mặt chút nào phải không? Bạn có dám đương đầu tất cả?
Sau khi xem xét kỹ lưỡng những điểm sáng, tối của nghề freelancer, bạn nghĩ đây có phải công việc phù hợp với năng lực bản thân? Nếu bạn dám bứt phá, bước ra khỏi vùng an toàn, freelancer là cơ hội để bạn bay cao và xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Thanh Thảo (Tổng hợp)