Đại học Thủy Lợi có rất nhiều cựu sinh viên tài ba đã trở thành những doanh nghiệp nổi tiếng (Nguồn: hội sinh viên ĐH Thủy Lợi)
Doanh nhân nổi tiếng bước ra từ mái trường Đại học Thủy Lợi đều là những “ông lớn” trong các ngành từ hàng không, đô thị, thủy lợi cho đến sân Golf. Họ là những cựu sinh viên đã làm rạng danh ngôi trường của mình, đồng thời trở thành niềm tự hào của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Ông Lê Văn Kiểm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (HĐQT CTCP) Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành
Sinh viên Đại học Thủy Lợi có lẽ đã nghe danh của vị doanh nhân này qua quỹ học bổng mang tên "Lê Văn Kiểm và gia đình". Đây chính là quỹ học bổng của ông Lê Văn Kiểm dành cho sinh viên Đại học Thủy Lợi với số tiền là 10 tỷ đồng cách đây vài năm.
Là cựu sinh viên khóa 6 của Đại học Thủy Lợi, cũng là một cựu chiến binh trong chiến tranh, trong nền kinh tế thị trường, ông nổi lên như một thuyền trưởng vững tay lái trước bao sóng gió bởi biến động từ các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngày nay, tên tuổi của ông thường được nhắc đến với thương hiệu sân golf Long Thành – một sân golf tuyệt đẹp toạ lạc trên 350 ha đất. Ông cũng là chủ của khu du lịch và khách sạn Thùy Dương. Trong kinh doanh, ông luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu và dành nhiều thời gian cho các công việc từ thiện.
Vào khoảng năm 1978, ông bắt đầu làm kinh tế tư nhân và được xem là người đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980. Những bước khởi nghiệp đầu tiên của ông bắt đầu với việc sản xuất thức ăn gia súc để phục vụ cho số đông người chăn nuôi.
Đến năm 1981, với công việc độc đáo, ông Kiểm thu được lợi nhuận rất cao cho đến khi nhiều nhà kinh doanh khác nhảy vào thị trường.
Sau đó, ông Kiểm chuyển hướng kinh doanh với công thức làm bột màu xây dựng. Với độc quyền công nghệ sản xuất bột màu không bị phai màu, ông Kiểm đã tích lũy và sở hữu hơn nửa tấn vàng.
Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990, Huy Hoàng – công ty đầu tiên mà ông thành lập, là một trong những công ty thành công hàng đầu trong lĩnh vực may mặc, gia công xuất khẩu.
Năm 2014, Ông Kiểm còn cam kết đóng góp 25 triệu đôla chung với quỹ từ thiện của vợ chồng Bill Gates, Bill and Melinda Gates Foundation, để lập quỹ Vietnam Health Fund phục vụ các hoạt động y tế từ thiện tại Việt Nam.
Đến nay, ông Lê Văn Kiểm là một tên tuổi lớn, một doanh nhân lâu năm được mọi người ngưỡng mộ. Đặc biệt hơn ông còn được mệnh danh là “Sứ giả của lòng nhân ái” với những đóng góp to lớn trong các hoạt động từ thiện.
>> Top 10 trường đại học có cơ hội việc làm cao nhất tại TP HCM
Ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Giao thông (HĐQT CTCP Intracom) – tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 2
Trong tập 4 mùa 2 chương trình Shark Tank Việt Nam, bên cạnh những gương mặt quen thuộc, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của một nhân tố mới. Đó là Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Intracom.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi vào năm 1985, ông Việt dành 16 năm để công tác tại công ty Sông Đà, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo từ giám đốc xí nghiệp, phó giám đốc rồi giám đốc công ty.
>> Xem thêm đánh giá của sinh viên về trường Đại học Thủy lợi
Năm 2002, ông Việt thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom), kinh doanh theo hướng đa ngành, từ xây dựng, thủy điện, bất động sản đến y tế.
Điểm đặc biệt trong phương thức hoạt động của Intracom chính là văn hóa “Từ bi – Trí tuệ” xây dựng trên nền tảng Phật giáo:
“Cuộc sống cũng như kinh doanh, con người không khinh ghét, không cạnh tranh thiếu lành mạnh mà che chở, tạo giá trị cho nhau để cùng đạt được mục đích là no ấm hạnh phúc.”
Là một người dám mơ ước và dám chinh phục, ông Việt từng chia sẻ với báo chí:
“Tôi từng nói với người thân rằng, nếu cuộc đời tôi giống với người khác tôi sẽ tự kết liễu cuộc sống của mình. Vì muốn thành công mình phải khác người”.
Và với tinh thần không chịu khuất phục chỉ làm “bản nháp của cuộc đời”, Shark Việt cũng đem khao khát mãnh liệt đó ghi dấu trên từng chặng đường sự nghiệp của ông. Ông cũng dành lời khuyên tương tự cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp:
“Mỗi startup phải là một chiến binh thực sự, có hoài bão lớn nhưng hành động phải thiết thực, luôn trau dồi kiến thức cho bản thân”.
Ông Nguyễn Mai Đô – Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC
Năm 2017, Trung tá Nguyễn Mai Đô – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC vinh dự được tôn vinh trong top 100 gương mặt Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu và được trao tặng giải thưởng Sao đỏ nhờ những đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC – nơi ông Nguyễn Mai Đô đang quản lý, là một trong những công ty đứng đầu về hạ tầng hàng không.
Công ty này đã thực hiện triển khai nhiều công trình phục vụ quốc phòng, kinh tế quốc dân hiện đại và có tầm cỡ như: Cải tạo sân bay Đà Nẵng, nâng cấp sân bay Cam Ranh, Phù Cát, Vũng Tàu, công trình xây dựng Học viện Phòng không – Không quân, sân đỗ máy bay A75 (Tân Sơn Nhất), xây dựng đường cất, hạ cánh sân bay Liên Khương (Đà Lạt), nâng cấp sân bay Phú Bài (Huế)…
Ngoài việc thành công trên thương trường, ông cũng đã có rất nhiều đóng góp dành riêng cho ngôi trường Đại học Thủy Lợi như trao tặng học bổng, mở những chương trình tiên tiến chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng nhân tài.
Ông Nguyễn Mai Đô không chỉ là niềm vinh dự, niềm vui của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC mà còn là niềm tự hào của Đại học Thủy Lợi khi có một cựu sinh viên (khóa 32) thành công trong công cuộc xây dựng đất nước.
Ngoài những tên tuổi vừa kể trên, Đại học Thủy Lợi cũng là cái nôi của rất nhiều những tên tuổi doanh nhân nổi tiếng thành đạt khác. Biết đâu sau này, bạn cũng sẽ là một trong số họ?
Hiếu Lễ (tổng hợp)