Đúng như những gì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2019, đề thi năm nay được thầy cô và các bạn thí sinh đánh giá là khá "dễ thở" nhưng vẫn có sự phân hóa hợp lý, vừa tạo điều kiện để học sinh có thể dễ dàng tốt nghiệp, vừa thắt chặt và đảm bảo chất lượng đầu vào đại học. Vì vậy, kết quả năm nay có chuyển hướng khả quan hơn so với năm 2018 nhưng hiện tượng cơn mưa điểm 10 như năm 2017 sẽ không lặp lại.
Bảng xếp hạng trường
đại học tại việt nam
Đề thi môn Văn: An toàn và chưa hợp lý?
Như mọi năm, đề thi Ngữ văn được chia ra làm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Trong đó, phần đọc hiểu được đánh giá là khá nhẹ nhàng, sát với thực tế và gần gũi với thí sinh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" ở phần 5 điểm đã phần nào "hạ phong độ" của các sĩ tử.
Thầy Vũ Nam Thái, giáo viên trường THPT Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng ngữ liệu trong đề thi vừa đủ, đánh giá được năng lực của học sinh cho cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, phần lớn học sinh sẽ giải quyết đề thi ở mức độ cơ bản nên dự đoán phổ điểm ở khoảng 5,5-6,5 và khó có bài đạt điểm 9.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, nói: "Với đề này, học sinh bình thường cũng sẽ viết được nhưng chưa chắc học sinh giỏi văn sẽ viết hay. Vì ngoài việc cảm được vẻ đẹp của dòng sông, thí sinh cần có những trải nghiệm thực tế đời sống nữa. Không có được điều đó, bài viết chỉ dừng ở mức khá thôi".

Đề thi môn Văn: An toàn và chưa hợp lý? (Nguồn: VTC 1 – Tin tức)
Đề thi môn Toán: Thí sinh nắm chắc cơ hội tốt nghiệp
Nhiều giáo viên dạy Toán nhận xét đề thi Toán năm nay khá hay, có sự phân hóa rõ rệt và đáp ứng yêu cầu của kỳ thi "2 trong 1" này. Đề bài gồm có 50 câu trắc nghiệm, trong đó học sinh học lực trung bình có thể làm được 60%. Phần còn lại yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kiến thức, có kỹ năng phân tích, tổng hợp tốt. Mặc dù không đánh đố thí sinh và mức độ tính toán khá ít nhưng số người đạt điểm 9, 10 sẽ không nhiều.
"So với đề thi THPT năm 2018, đề năm nay dễ hơn, học sinh mức độ trung bình phổ điểm có thể làm được từ 4-6 điểm, học sinh khá sẽ làm mức độ từ 5-7 điểm, mức độ điểm từ 8-10 theo tôi sẽ nhiều hơn. Khả năng năm nay sẽ có nhiều học sinh đạt kết quả cao" – thầy Đinh Hữu Lâm, giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) nhận xét.
Đề thi môn Toán được đánh giá dễ hơn so với năm ngoái (Nguồn: thanhnien)
Đề thi môn tiếng Anh: Điểm 10 sẽ có nhưng hạn chế
Đề tiếng Anh có tất cả 50 câu trắc nghiệm, trong đó có 15 câu phân loại thuộc phần đọc hiểu. Đa số câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức từ vựng và giảm bớt phần ngữ pháp. Điều này phù hợp với chủ trương đổi mới trong giáo dục hiện nay, đó là bám sát thực tiễn, có tính ứng dụng và giảm bớt tính hàn lâm. Vì vậy, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay sẽ ở mức 6-8 điểm và dự kiến có thể là môn "bội thu" điểm 10 trong tất cả các môn thi.
Thí sinh Kim Ánh chia sẻ: "Phần đọc hiểu rất phức tạp, em nghĩ chỉ có những bạn học chuyên Anh văn hoặc học thêm ở các trung tâm Anh ngữ có kiến thức xã hội tốt thì mới có thể làm được".
Nguyễn Hương Ly (12A1, THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) cho biết: “Đề Anh khá dễ, em tự tin mình sẽ được 9 điểm. Em nghĩ điểm môn Toán và Anh sẽ cứu lại điểm của 3 môn tổ hợp sáng nay”.
Phổ điểm môn tiếng Anh năm nay sẽ ở mức 6-8 (Nguồn: lhu)
Đề thi Khoa học tự nhiên: Môn Hóa "dễ nuốt", Lý – Sinh "khó nhai"
Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên bao gồm 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút. Trong đó, để Hóa được đánh giá là khá hay, có tính phân loại cao. Dự đoán, thí sinh khó đạt điểm 10 nhưng từ 7 đến 8 sẽ nằm trong tầm tay.
Ngược lại, hai môn Vật lý và Sinh học lại mang tính thách thức hơn. Đặc biệt, những câu phân loại ở đề thi Vật lý lại nặng về thuật toán hơn là kiến thức Vật lý. Bạn Lê Thiện Khiêm, học sinh chuyên Lý, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM cho biết: "Là dân chuyên Lý, em vẫn không thật sự tự tin mình làm bài được tốt môn Lý. Đề Lý khó hơn em hình dung".
Nhiều thầy cô nhận định câu hỏi của đề Sinh dễ hiểu, không đánh đố thí sinh, nhiều câu vận dụng kiến thức thực tế nhưng cũng có khoảng 5 – 6 câu có nhiều đáp án đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức, có tư lô-gic. Với thời gian 50 phút và mức độ đề như thế này, thí sinh khó có thể đạt điểm 10 nhưng điểm 9 là có khả năng.
Đề thi Khoa học tự nhiên: môn Hóa "dễ nuốt", Lý Sinh "khó nhai" (Nguồn: htt)
Đề thi Khoa học xã hội: Môn Địa và GDCD "nhẹ nhàng", đề Sử khiến thí sinh hoang mang
Nhìn chung, tổ hợp môn Khoa học xã hội năm nay dễ hơn so với năm 2018, nhưng không dễ với phần đông thí sinh vì cần phải học kỹ, hiểu sâu. Cụ thể, đối với đề thi môn Lịch sử, thí sinh không quá khó khăn ở 30 câu đầu nhưng những câu còn lại chủ yếu nằm ở phần Lịch sử Việt Nam đòi hỏi kỹ năng phân tích và so sánh. Một sĩ tử chia sẻ: "Em hoàn thành 30 câu, còn 10 câu không chắc chắn do cần tư duy, liên hệ thực tiễn, nếu chỉ học thuộc sách giáo khoa thì không thể làm được".
Đề thi môn Địa lý được nhận xét là khá dễ, thí sinh chỉ cần dựa vào Atlat và phần biểu đồ thuộc chương trình lớp 12 là có thể làm được phần lớn câu hỏi. Các câu hỏi không đánh đố, suy luận một chút là có thể trả lời. Bạn Lê Phước Anh: "Đề tương đối dễ, thí sinh trung bình dễ lấy được 5 điểm. Một số câu hỏi với các phương án khá giống nhau, nếu không đọc kỹ thì sẽ bị đánh lừa". Với đề thi GDCD, câu hỏi tập trung ở phần pháp luật, yêu cầu vận dụng hiểu biết để giải quyết tình huống, thí sinh chỉ cần đọc, hiểu lý thuyết là có thể làm được trên 7 điểm.

Tổng quan về kỳ thi THPT quốc gia 2019 (Nguồn: YouTube – VTC1)
Từ những thông tin trên đây có thể thấy rằng, kỳ THPT quốc gia 2019 đã khá thành công về công tác ra đề khi đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi 2 trong 1. Và với sự thay đổi này, tin chắc rằng phổ điểm của sĩ tử sẽ khả quan hơn, đồng nghĩa với việc điểm chuẩn tuyển sinh đại học năm nay sẽ nhiều biến động theo chiều hướng tăng lên. Cụ thể như thế nào mời các bạn đón đọc ở những bài viết tiếp theo trên Edu2Review nhé!
Mai Trâm (Tổng hợp)