Sumimasen, hay còn được phát âm như suimasen hoặc sumasen, là một trong những từ đầu tiên được giảng dạy khi bạn học tiếng Nhật giao tiếp cơ bản, bởi vì nó được sử dụng thường xuyên trong nhiều tình huống đời sống hàng ngày.
Trong phần lớn trường hợp, sumimasen được biết đến với nghĩa “xin lỗi” hoặc “làm phiền bạn”. Nhưng không chỉ vậy, cách diễn đạt linh hoạt này thật sự mang đến nhiều sắc thái tinh tế trong các bối cảnh giao tiếp khác nhau của người Nhật, dựa trên nền tảng văn hóa tương đối khác lạ tại xứ sở hoa anh đào.
Xem ngay bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Sumimasen có nghĩa là gì?
Như đã đề cập ở trên, nghĩa cơ bản nhất về mặt ngôn ngữ của sumimasen là “xin lỗi” hoặc “làm phiền bạn”.
Tuy nhiên, như bạn có thể đoán được qua việc nghe từ đó quá thường xuyên trong giao tiếp hàng ngày, sumimasen là thói quen xã hội hơn là một biểu hiện của cảm xúc. Mặc dù người Nhật hay được nhận xét là lễ độ quá đáng, nhưng sumimasen mang nhiều ý nghĩa hơn là phép lịch sự thông thường.
Theo nhà ngôn ngữ học Goffman, sumimasen mang 2 ý nghĩa chính: biểu hiện của sự hối lỗi hoặc xã giao. Sự hối lỗi được thể hiện khi một người có hành vi sai trái, gây ảnh hưởng đến người khác. Còn xã giao là hình thức duy trì mối quan hệ xã hội, như cách bạn hay nói “Xin chào, dạo này thế nào rồi?” thay vì im lặng lướt qua khi gặp mặt người quen.
Tuy nhiên, cách sử dụng thực tế của sumimasen có thể đi xa hơn 2 ý nghĩa mà Goffman đã gán cho nó. Risako Ide, cũng là một nhà ngôn ngữ học, đã cho thấy điều này thông qua 7 cách sử dụng khác nhau của sumimasen trong các đoạn hội thoại tiếng Nhật thường ngày.
Xã giao là tình huống thường gặp để nói sumimasen (Nguồn: arleneanddennis)
Có thể bạn chưa biết: 7 cách dùng khác nhau của sumimasen
- Chân thành xin lỗi
Đây là nghĩa gốc trong tiếng Nhật giao tiếp cơ bản của cụm từ sumimasen, được dùng khi bạn cần xin lỗi một ai đó. Cụm này đồng nghĩa với gomennasai, hay trang trọng hơn là moushiwake gozaimasen.
Vì vậy, bạn có thể nói sumimasen khi cần một lời xin lỗi chân thành và thẳng thắn. Ví dụ: すみません、先約があります。– Xin lỗi, tôi đã có một cuộc hẹn khác rồi.
- Vừa cảm ơn vừa xin lỗi
Ngoài nghĩa là lời xin lỗi chân thành, sumimasen còn có thể được sử dụng để thể hiện cảm xúc lẫn lộn giữa hối tiếc và biết ơn. Ví dụ trong trường hợp bạn mua hàng với giá 310 yên, đưa cho người thu ngân 400 yên, cô ấy hỏi bạn có 10 yên không, bạn đưa tiền và cô ấy liên tục lặp lại câu “sumimasen”.
Nếu từng gặp tình huống này, bạn có thể nghĩ rằng người thu ngân đã quá lễ độ khi xin lỗi nhiều lần cho một vấn đề nhỏ như vậy. Tuy nhiên, sumimasen trong hoàn cảnh này không chỉ thể hiện sự hối lỗi vì khiến bạn phải lấy thêm 10 yên từ trong ví, mà phần nhiều hơn là bày tỏ lòng biết ơn bạn đã vượt qua cảm giác phiền hà để giúp đỡ cô ấy.
Nhìn chung, sumimasen có khả năng truyền tải cả cảm giác hối tiếc và biết ơn. Thực tế, sử dụng sumimasen trong các tình huống như trên có thể được coi là một lời cảm ơn lịch sự hơn so với arigatou, vì nó cho thấy nhận thức về khó khăn của người khác và thêm sắc thái khiêm tốn vào cuộc hội thoại tiếng Nhật.
Cảm ơn sao cho khiêm tốn? Sumimasen! (Nguồn: travelandleisure)
- Đưa ra yêu cầu
Sumimasen cũng có thể được sử dụng trước khi đưa ra yêu cầu cho một người nào đó, tương tự như cách bạn hay dùng “excuse me” trong tiếng Anh. Ví dụ: すみません、もう一度言っていただけますか。– Xin lỗi, bạn có thể lặp lại điều đó không? Trong trường hợp này, sumimasen có thể dịch là “xin lỗi”, “vui lòng” hay “bạn có phiền không nếu...”.
Phân theo 2 nhóm của Goffman thì đây chính là biểu hiện của sự hối lỗi cho bất kỳ cảm giác khó chịu nào mà lời yêu cầu có thể gây ra cho người đối diện. Nếu du lịch sang Nhật Bản, cụm từ giao tiếp tiếng Nhật cơ bản này thường gặp khi bạn được yêu cầu thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ, hay bạn muốn nhờ ai đó giúp đỡ.
- Gây sự chú ý
Cho đến lúc này, tất cả những cách sử dụng sumimasen mà chúng ta đã thảo luận đều có liên quan đến cảm giác hối tiếc và biết ơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cụm từ giao tiếp tiếng Nhật cơ bản này cũng biểu thị cảm xúc, mà cụ thể nhất là trong trường hợp cần thu hút sự chú ý.
Vẫn có nhiều người bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói ano, konnichiwa hoặc thậm chí là hắng giọng, nhưng sumimasen thường được sử dụng giữa những người không quen biết nhau như một cách lịch sự để thu hút sự chú ý.
Nói sumimasen để khơi gợi sự chú ý trên phố đông người qua (Nguồn: businessinsider)
- Thay thế lời tạm biệt
Ngược lại với việc thu hút sự chú ý để mở đầu câu chuyện, sumimasen còn được dùng thay thế lời tạm biệt khi bạn rời đi. Ví dụ:
A: じゃ、 すみません。– Tạm biệt nhé.
B: あ、お大事 に。– Ừ, bảo trọng nha.
Ở đây, sumimasen đồng nghĩa với những cụm từ kết thúc hội thoại tiếng Nhật khác như konnichiwa hay sayoonara. Cách nói này không nhằm biểu thị cảm xúc mà chỉ là thói quen giao tiếp thường thấy, hay còn được xếp vào nhóm “xã giao” theo Goffman.
- Câu trả lời khẳng định
Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản, cách dùng sumimasen như một câu trả lời khẳng định có thể sẽ hơi xa lạ. Như trong trường hợp chờ giao dịch tại ngân hàng, người ta sẽ nói thêm sau khi gọi tên bạn: “お待たせしました。– Cảm ơn bạn đã chờ đợi”. Khi đó, bạn có thể đáp lời là “すみません。– Tôi biết rồi”.
Nói cách khác, sử dụng sumimasen là cách “ừ” lịch sự, cho thấy bạn đã nghe và hiểu thông điệp được truyền đạt. Cách dùng này không hiếm thấy trong giao tiếp tiếng Nhật cơ bản, nhưng vẫn có thể gây bối rối cho những người lần đầu tiên đến với xứ sở hoa anh đào.
Hãy nói sumimasen những khi bạn... không có gì để nói (Nguồn: visit-minato-city)
- Lấp đầy khoảng trống trong giao tiếp
Bạn hãy tưởng tượng tình huống khi bạn đi mua sắm và được người bán hàng hướng dẫn cách điền vào phiếu cung cấp thông tin. Sau khi kiểm tra lại, người bán hàng nói “sumimasen” như một câu trả lời khẳng định, rồi bạn cũng nhắc lại “sumimasen”.
Lý do bạn nói “sumimasen” trong hoàn cảnh này là thay thế cho sự im lặng xấu hổ bằng một cụm từ chung chung, thể hiện sắc thái lịch sự nhưng không mang ý nghĩa gì cụ thể. Vì vậy, để lấp đầy những khoảng trống thỉnh thoảng xuất hiện trong giao tiếp, bạn có thể mỉm cười và nói “sumimasen” một cách thật lịch sự.
7 cách sử dụng sumimasen này đi theo sự phân chia của nhà tâm lý học Risako Ide, nhưng thực tế còn có nhiều trường hợp đa dạng hơn nữa. Để nói tự nhiên tiếng Nhật giao tiếp cơ bản, bạn cần tiếp xúc thường xuyên với người bản xứ hoặc tạo cho bản thân môi trường học qua thực hành kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Yến Nhi (Theo Tofugu)
Nguồn ảnh cover: tes