Trong những năm gần đây, trò chơi điện tử đang dần trở thành “ông vua không ngai” độc chiếm bảng xếp hạng phương thức giải trí của giới trẻ. Vì vậy, nghề thiết kế game cũng được “thuận nước đẩy thuyền”, nằm trong top những công việc hot nhất mà nhiều bạn trẻ muốn “dấn thân” vào.
Chân dung nghề game designer: “Em” là ai?
Những người làm nghề thiết kế game (hay còn có tên gọi “sang chảnh” là game designer) sẽ vận dụng các quy tắc và thẩm mỹ thiết kế nghệ thuật vào quá trình tạo ra trò chơi điện tử.
Nói nôm na thì công việc của họ cũng có ảnh hưởng và tầm quan trọng như một đạo diễn trong ekip làm phim vậy, nhưng những gì họ quản lý không phải con người mà là những yếu tố cơ bản của game, bao gồm âm thanh, đồ họa, câu chuyện, cơ chế, đối tượng, môi trường...
Game designer là người quản trị để các yếu tố này tương tác với nhau, tạo thành một hệ thống khép kín trong tương tác giữa máy tính với người dùng, mà không cần đến sự điều khiển và điều hướng tiến độ của con người. Nói cách khác, game designer sẽ chú trọng phương thức người chơi tiếp cận game để giúp nâng tầm trải nghiệm của họ.
Tổng quan về nghề và lộ trình thăng tiến của một game designer (Nguồn: YouTube – Thiết kế Game)
Cụ thể hơn, những vị trí mà một game designer có thể phụ trách bao gồm:
- Level designer: thiết kế các màn chơi, xếp đặt phương hướng hành động để người chơi vượt qua thử thách. Không chỉ xây dựng màn chơi đẹp mắt, level designer còn điều hướng tương tác sao cho trò chơi vừa thú vị lại vừa không quá khó.
- System designer: thiết kế, điều chỉnh, cân bằng các hệ thống như nâng cấp, chiến đấu, kiếm tiền... giúp tạo mối liên kết chặt chẽ và hài hòa.
- UI designer: thiết kế giao diện người dùng (user interface) để giúp người chơi tương tác dễ dàng và hiệu quả.
- Lead designer/ Creative director: quản lý toàn bộ dự án, đồng thời là người trao đổi với các team code, art, producer...
- Content designer/ writer: viết nội dung cốt truyện, truyền thuyết, lời thoại, xây dựng thế giới...
Lập trình game học ngành gì?
Hiện tại chưa có trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam nào chuyên đào tạo nghề thiết kế game cho sinh viên. Nếu đây là định hướng nghề nghiệp tương lai mà bạn lựa chọn, bạn có thể đăng ký những ngành học này để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất:
- Ngành Thiết kế Đồ họa: Đại học RMIT, Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học FPT...
- Ngành Mỹ thuật Đa phương tiện: trường FPT Arena.
Để trở thành một game designer chuyên nghiệp, bạn cần nhiều kiến thức và kỹ năng tổng hợp từ những ngành học khác nhau. Đầu tiên là lập trình để thử nghiệm concept, bạn có thể bắt đầu với C# – một ngôn ngữ khá phổ biến và không quá khó học.
Bên cạnh khả năng đọc hiểu và phân tích logic cao, hiểu tâm lý học cơ bản cũng là một tiêu chí cho game designer, vì nói đến cùng thì nghề thiết kế game hướng đến tạo ra những trải nghiệm thú vị nhất cho người chơi. Việc nắm vững tâm lý học hành vi giúp bạn hiểu được lý do vì sao người chơi hành động theo một cách nhất định, từ đó điều chỉnh thiết kế của mình cho phù hợp hơn.
Ngoài ra, trang bị kiến thức toán học vững vàng cũng là một điểm cộng, vì bạn sẽ cần kỹ năng này khi giải quyết những vấn đề liên quan đến cân bằng chỉ số trong game.
Với những nét phác họa sơ lược về nghề thiết kế game, hẳn là bạn cũng đã hiểu hơn công việc của các game designer rồi phải không? Nếu bạn có đam mê với trò chơi điện tử, thích sáng tạo ra những câu chuyện thú vị và mang tới những trải nghiệm tuyệt vời đến cho mọi người, đây sẽ là một ngành nghề đáng để bạn cân nhắc.
Bảng xếp hạng trường đại học
tốt nhất Việt Nam
Yến Nhi (Tổng hợp)