Để có thể học tốt tiếng Nhật, trước tiên, bạn phải làm quen cũng như nằm lòng các bảng chữ cái: Hiragana, Katakana và Hán tự Kanji. Mỗi bảng chữ sẽ có hệ thống phát âm và cách viết riêng biệt, khiến nhiều bạn cảm thấy khó khăn khi ghi nhớ. Sau đây là những cách học bảng chữ cái tiếng Nhật hiệu quả mà bạn nên cân nhắc.
Bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Học bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana
Hiragana là loại chữ viết đầu tiên được chính phủ Nhật Bản sử dụng để dạy cho các em học sinh tiểu học và là loại chữ "mềm" thông dụng nhất hiện nay với những nét uốn lượn mềm mại. Mỗi chữ cái trong bảng đều có quy tắc viết riêng nên nhiều bạn khi mới nhập môn sẽ cảm thấy đau đầu.
Tuy nhiên, đừng vội bỏ cuộc, bạn nhé! Bởi hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp bạn ghi nhớ và học thuộc lòng bảng chữ một cách nhanh chóng, có thể kể đến:
- Sử dụng thẻ flashcard
Flashcard là một loại thẻ mang thông tin và được sử dụng phổ biến cho việc học bài trên lớp hoặc trong nghiên cứu cá nhân. Có thể nói, học qua flashcard chính là một trong những phương pháp học từ vựng tiếng Nhật hiệu quả hiện nay, được nhiều bạn trẻ áp dụng. Việc sở hữu một bộ flashcard để ôn luyện tương đối đơn giản. Bạn dễ dàng tìm thấy tại các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm hoặc có thể tự thiết kế cho riêng mình.
Trên mỗi thẻ, bạn hãy ghi lại một ký tự và chèn thêm hình ảnh tương ứng trong bảng ở mặt trước, trong khi mặt còn lại được dùng để phiên âm cách đọc. Bạn nên xâu các thẻ theo thứ tự của bảng để học từng từ trước, sau đó trộn đều lên và lấy ra một thẻ bất kỳ để kiểm tra độ nhớ của bản thân. Do các bộ flashcard thường khá gọn nhẹ nên bạn có thể cho vào túi xách hoặc ba lô của mình để ôn luyện mọi lúc mọi nơi.
Học qua flashcard là một trong những phương pháp học từ vựng tiếng Nhật hiệu quả hiện nay (Nguồn: Học tiếng Nhật Bản)
- Luyện viết chữ thường xuyên
Đi cùng với cách học trên, bạn nên "sắm" thêm một vài quyển sách để luyện viết các ký tự tiếng Nhật. Giống như việc học tiếng Việt, bạn hãy bắt đầu làm quen với các nét cơ bản trước, sau đó rèn luyện từng chữ một. Có như vậy, bạn mới nắm được cách viết chuẩn cũng như ghi nhớ mặt chữ kỹ càng hơn.
Học bảng chữ cái tiếng Nhật Katakana
Vì chứa nhiều nét thẳng và nét gấp khúc nên chữ Katakana thường trông cứng cáp hơn. Katakana và Hiragana có cách phát âm giống nhau nên công việc bạn cần làm khi học bảng này là ghi nhớ mặt chữ. Một trong những phương pháp ôn luyện mà bạn không thể bỏ qua là luyện viết song song 2 bảng chữ cái Katakana và Hiragana.
Sau khi đã học hết bảng chữ Hiragana, bạn hãy bắt tay làm quen với bảng chữ Katakana nhé! Trong quá trình luyện chữ "cứng", bạn nên tập viết song song cả 2 loại chữ. Việc này không những giúp bạn tránh bị nhầm lẫn các ký tự ở 2 bảng mà còn cho phép bạn ôn lại mặt chữ Hiragana đã học.
Hãy luyện viết các ký tự thường xuyên để ghi nhớ mặt chữ và cách viết chuẩn xác (Nguồn: MCBooks)
Học bảng chữ cái tiếng Nhật Kanji
Kanji được đánh giá là khó học nhất trong 3 bảng chữ cái tiếng Nhật bởi việc ghi nhớ hàng nghìn ký tự tượng hình và nắm bắt các quy tắc ghép từ là một việc làm không phải dễ. Hãy cùng Edu2Review điểm qua một vài cách học bảng chữ cái tiếng Nhật Kanji hiệu quả dưới đây:
- Học qua hình ảnh
Bản chất của Hán tự Kanji là chữ tượng hình, mô phỏng lại các hiện tượng thiên nhiên, sự vật, sự việc quen thuộc trong cuộc sống. Để ghi nhớ bảng chữ này tốt hơn, bạn nên học bằng cách tưởng tượng qua hình ảnh. Ví dụ: Khi học chữ "điền", bạn có thể liên tưởng tới mảnh ruộng hình vuông hay những lúc luyện tập chữ "nhân", bạn hãy nghĩ đến hình ảnh một con người.
- Học theo bộ thủ
Các chữ Kanji được cấu tạo bởi 2 phần chính: phần bộ và phần âm. Có đến 214 bộ thủ trong bảng chữ Kanji nhưng chỉ có 50 bộ là được sử dụng nhiều nhất. Nếu muốn việc học Hán tự trở nên dễ dàng thì bạn hãy bắt đầu từ 50 bộ thủ cơ bản này trước. Bạn cần ôn tập thường xuyên để có thể ghi nhớ các mặt chữ cũng như phân biệt được những nét viết tương tự nhau.
Bạn nên bắt đầu từ các bộ thủ Hán tự cơ bản trước (Nguồn: học tiếng Nhật)
Trên đây là những cách học bảng chữ cái tiếng Nhật hiệu quả mà Edu2Review muốn giới thiệu cho bạn. Tuy nhiên, dù là áp dụng theo phương pháp nào thì sự kiên trì và lòng quyết tâm vẫn là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc ôn luyện.
Minh Thư (Tổng hợp)