A – B là khối tự nhiên, C – D là khối xã hội, các sĩ tử hẳn đã quá quen thuộc với các thông tin này từ khi bước chân vào cấp 3. Tuy nhiên, các em lại khá mù mờ khi nhắc đến các khối thi nghệ thuật, năng khiếu. Hiện chưa có nhiều trường THPT phổ cập cho các em biết về khối học này và hầu hết học sinh phải tự mình tìm kiếm thông tin về các trường nghệ thuật, năng khiếu như: quy định ra sao, thi khối gì, ngành học nào, trường nào đào tạo…
Nếu đến thời điểm hiện tại, “Khối V là gì?”, “Khối S thi ra sao?” vẫn là những câu hỏi mà sĩ tử đang tìm kiếm thông tin thì đây chính là bài viết mà sĩ tử không nên bỏ qua!
Bảng xếp hạng
trường đại học tại Việt Nam
Các khối thi vào trường nghệ thuật, năng khiếu
Hiện nay, có 6 khối thi chính được áp dụng cho tuyển sinh của các trường nghệ thuật, năng khiếu. Mỗi khối bao gồm tổ hợp 3 môn thi, trong đó, thông thường sẽ có 2 môn là môn học phổ thông còn môn thứ 3 là môn năng khiếu. Khi tính điểm, môn năng khiếu thường được nhân hệ số 2 để các trường có thể sàng lọc tốt nhất chất lượng của thí sinh.
-
Khối hội họa (Khối V và khối H)
Đây là khối có nhiều ngành học nhất trong số tất cả các khối nghệ thuật, cũng như là khối “hot” nhất mỗi mùa tuyển sinh khi thu hút hơn hàng ngàn thí sinh quan tâm và dự thi. Tổ hợp môn thi của khối V và khối H lần lượt như sau:
Khối V |
Toán, Lý, Vẽ |
Khối H |
Văn, Vẽ hình họa, Vẽ trang trí |
Trong đó, môn Toán, Lý và Văn sẽ lấy kết quả của bài thi THPT Quốc gia và nhân hệ số 1. Những môn năng khiếu còn lại sẽ được các trường đại học tự tổ chức thi tuyển và tùy vào từng ngành, từng trường mà điểm môn năng khiếu sẽ được nhân lên hệ số từ 1.5 đến 2. Một số ngành xét tuyển khối hội họa có thể kể đến như: Thiết kế đồ họa, Sư phạm mỹ thuật, Công nghệ kiến trúc, Thiết kế thời trang...
-
Khối âm thanh (Khối M và khối N)
Đúng như tên gọi, khối âm thanh thuộc diện tuyển sinh của trường nghệ thuật, năng khiếu về lĩnh vực giọng nói và âm thanh. Khối học này được chia thành 2 khối nhỏ hơn là khối M và khối N.
Đăng ký xét tuyển khối M, thí sinh phải trải qua 3 bài thi: Toán, Văn nhân hệ số 1 và Môn năng khiếu (Hát, Kể chuyện, Thẩm âm tiết tấu, Đọc diễn cảm, tùy vào yêu cầu của trường mà các môn thi có thể thay đổi) nhân hệ số 2. Khối M phù hợp nhất với những bạn có nguyện vọng học giáo dục sư phạm mầm non.
Khối N bao gồm 3 môn thi: Văn, Môn năng khiếu 1 (Kiến thức Âm nhạc Tổng hợp – Xướng Âm) nhân hệ số 1 và Môn năng khiếu 2 (Thanh nhạc và Nhạc cụ) nhân hệ số 2. Thí sinh xét tuyển khối N có thể đăng ký vào các ngành: Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy Âm nhạc, Thanh nhạc, Jazz, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống và Piano.
Tương tự với khối hội họa, khi thi khối âm thanh, thí sinh sẽ sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đối với các môn thi có trong chương trình THPT (Toán, Văn). Với những môn năng khiếu, thí sinh cần theo dõi và đăng ký thi theo lịch trình riêng mà trường đã thông báo.
-
Khối Sân khấu, Điện ảnh (Khối S)
Đây là khối dành cho những bạn có sở thích trình diễn và xây dựng kịch bản sân khấu. Khối S bao gồm 2 khối nhỏ hơn là:
S00 |
Văn, Môn Năng khiếu 1, Môn Năng khiếu 2 |
S01 |
Toán, Môn Năng khiếu 1, Môn Năng khiếu 2 |
Tuyển sinh của trường nghệ thuật, năng khiếu sân khấu điện ảnh tương đối khó hơn các nhóm ngành năng khiếu khác khi thí sinh dự thi còn phải đáp ứng các yêu cầu khá cao về ngoại hình, chiều cao, chất giọng… Cụ thể, những điều kiện đó là:
- Về chiều cao: từ 1m55 trở lên đối với nữ và 1m65 đối với nam ứng tuyển các ngành diễn viên sân khấu điện ảnh, diễn viên chèo, diễn viên rối và diễn viên cải lương.
- Độ tuổi: 17 - 22
- Không bị ngọng hoặc dị tật khác.
- Biết sử dụng máy cơ đối với ngành quay phim điện ảnh.
- Đã tốt nghiệp trung cấp/cao đẳng múa đối với ngành biên đạo múa.
Giới thiệu ngành Diễn viên Sân khấu – Điện ảnh (Nguồn: YouTube – Sân khấu – Điện ảnh TV)
-
Khối văn hóa, truyền thông (Khối R)
Khối R có 6 tổ hợp nhỏ tương ứng với các môn thi như sau:
Khối R00 |
Văn, Sử, Năng khiếu Báo chí |
Khối R01 |
Văn, Địa, Năng khiếu Biểu diễn Nghệ thuật |
Khối R02 |
Văn, Toán, Năng khiếu Biểu diễn Nghệ thuật |
Khối R03 |
Văn, Tiếng Anh, Năng khiếu Biểu diễn Nghệ thuật |
Khối R04 |
Văn, Năng khiếu Biểu diễn Nghệ thuật, Kiến thức Văn hóa Xã Hội Nghệ thuật |
Khối R05 |
Văn, Tiếng Anh, Năng khiếu Kiến thức Truyền thông |
Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng từ nhóm năng khiếu nghệ thuật, song khối R yêu cầu thí sinh phải có óc tư duy logic và biết cách phân tích sâu sắc về các vấn đề báo chí, văn hóa, xã hội, truyền thông, quảng cáo… Vì vậy, khối học này này phù hợp với những đối tượng đam mê các ngành nghề phóng viên, nhà báo, bình luận viên, quảng bá văn hóa...
Phương án tuyển sinh của trường nghệ thuật, năng khiếu
Đầu tháng 5/2021, nhiều phương án tuyển sinh của các trường đại học đã được chính thức công bố. Do đặc thù đào tạo, khối nghệ thuật thường tuyển rất ít sinh viên. Thí sinh cần phải tra cứu và chuẩn bị thật kỹ không chỉ kiến thức, kỹ năng, tinh thần mà còn là giấy tờ, hồ sơ để có thể nắm chắc cơ hội đậu đại học.
Theo đề án tuyển sinh 2021 của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trường tuyển 419 sinh viên cho 7 chuyên ngành. Năm nay, trường không xét tuyển thẳng mà kết hợp thi với xét tuyển. Thí sinh được quyền lựa chọn điểm trung bình 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của môn Toán hoặc môn Văn để xét tuyển. Ngoài ra, các em còn bắt buộc thi thêm hai môn năng khiếu là Bố cục màu và Hình họa.
Năm nay, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam lấy chỉ tiêu 130 cho 5 ngành học: Hội họa, Đồ họa, Thiết kế đồ họa, Điêu khắc và Sư phạm mỹ thuật theo phương thức xét tuyển điểm ngữ văn kết hợp với thi năng khiếu. Theo đó, điểm trung bình môn văn của thí sinh trong 3 năm học cấp 3 phải đạt tối thiểu 5 điểm, riêng đối với ngành Sư phạm mỹ thuật là 6.5 điểm.
Kỳ thi năng khiếu của trường sẽ diễn ra từ 12-16/7 với các môn thi: Bố cục, Phù điêu, Hình họa, Tượng tròn, Trang trí.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tuyển 150 thí sinh cho 8 ngành. Sĩ tử có thể lựa chọn 2 phương thức tuyển sinh chính: thi kết hợp xét tuyển hoặc xét tuyển (áp dụng với thí sinh tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã tốt nghiệp THPT).
Với phương thức thi kết hợp xét tuyển, thí sinh phải trải qua bài kiểm tra Cơ sở (chuyên môn chính), Cơ bản (Kiến thức âm nhạc tổng hợp) và kết hợp với điểm ngữ văn để tạo thành tổ hợp 3 môn. Điểm văn phải trên 5 và có thể lấy từ một trong hai kết quả: điểm trung bình Văn 3 năm 10, 11, 12 hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường sẽ nhận hồ sơ từ 10/5 đến hết 20/6, dự kiến tuyển sinh trong hai ngày 12-13/7.
Edu2Review sẽ còn cập nhật thêm nhiều thông tin tuyển sinh của trường nghệ thuật, năng khiếu để hỗ trợ sĩ tử theo dõi và lựa chọn đúng trường, đúng ngành. Một lưu ý nhỏ cho các sĩ tử đó là, những trường nghệ thuật, năng khiếu đều tổ chức kỳ thi năng khiếu theo lịch trình riêng chứ không đồng nhất với lịch thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, thí sinh cần truy cập trang thông tin của trường thường xuyên để cập nhật những thông báo mới nhất, đừng để chỉ một phút sơ sót mà bỏ lỡ mất tương lai!
>>Giải đáp nhanh thông tin hướng nghiệp 2021 tại đây
Hoàng Quyên (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: hutech