Trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp cho học sinh là 1 trong những phương pháp chọn nghề phù hợp với năng lực, dành cho các bạn trẻ còn đang hoang mang trên con đường sự nghiệp tương lai.
Nhưng “chín người mười ý”, không phải lúc nào bạn cũng nằm vào mẫu số chung mà các bài trắc nghiệm chuẩn hóa này đề ra. Vì vậy, bạn cần những phương pháp khác để “đo ni đóng giày” nghề nghiệp thích hợp nhất cho bản thân mình.
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Phân tích SWOT để khám phá tiềm năng vô hạn bên trong mình
Phân tích SWOT là phương pháp phổ biển, thường được sử dụng để đề ra chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu bạn không biết mình thích nghề gì và công việc nào phù hợp cho bản thân, phương pháp này sẽ trở thành “phao cứu sinh” cho bạn.
Dựa vào những câu hỏi gợi ý, các bạn sẽ tự mình phân tích 4 nội dung: điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và khó khăn (Threats) mà mình gặp phải khi lựa chọn một nghề nghiệp nhất định. Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu liên quan đến khả năng, sở thích của bạn, còn cơ hội và khó khăn hướng đến môi trường kinh tế, xã hội hiện tại ở Việt Nam.

Bạn đã hiểu về bản thân để lựa chọn được ngành nghề phù hợp? (Nguồn: svvn)
Điểm mạnh (Strengths)
- Công việc nào mà bạn có khả năng làm tốt hơn những người khác?
- Bạn có bằng cấp, chứng chỉ nào mà những người cùng trang lứa ít khi sở hữu?
- Đặc điểm nào khiến mọi người ấn tượng về bạn?
- Bạn có những tính cách nào khiến cho người khác cảm thấy yêu thích?
- Thời điểm bạn cảm thấy tự hào về bản thân nhất là vì điều gì?
Điểm yếu (Weaknesses)
- Tính cách nào bạn thấy bản thân cần thay đổi nhất?
- Lý do gì khiến bạn hay làm hỏng việc?
- Ưu thế nào mà bạn không có như những người khác?
- Mọi người hay than phiền điều gì về bạn?
- Những trường hợp nào làm bạn cảm thấy mất tự tin?
Cơ hội (Opportunities)
- Nhu cầu thị trường đang cần nhân sự trong những lĩnh vực nào?
- Những đổi thay trong kỷ nguyên công nghệ mới sẽ mang đến những cơ hội gì cho bạn?
- Ngành nghề hiện tại tăng trưởng ra sao, có dự báo sẽ bão hòa nhân lực trong những năm tới?
- Trong xã hội đang có những điều gì thay đổi hay sự kiện gì quan trọng, mang đến cơ hội cho bạn?
- Xu hướng ngành nghề nào đang hot, được nhiều người lựa chọn?
Nguy cơ (Threats)
- Sự can thiệp của công nghệ thay đổi gây đe dọa tới những vị trí, ngành nghề nào?
- Ngành nghề nào đang có nhiều sự cạnh tranh, bùng nổ nhân lực?
- Vị trí công việc có bị thay đổi hoặc đào thải trong thời gian sắp tới không?
- Ngành nghề nào tiềm tàng mối nguy hiểm, hoặc có những bất lợi khó vượt qua được?
Sau khi trả lời tất cả những câu hỏi trên, bạn có thể tổng hợp lại các đáp án và đưa ra lựa chọn sao cho tận dụng được cả điểm mạnh và cơ hội sẵn có, đồng thời tránh né khéo léo điểm yếu và nguy cơ mà mình có thể gặp phải.

Hãy tận dụng điểm mạnh và cơ hội mà mình đang có, bạn nhé! (Nguồn: kenh14)
3 câu hỏi cơ bản định đoạt cả tương lai
Bên cạnh phân tích SWOT, 1 cách đơn giản hơn giúp học sinh chọn nghề phù hợp với năng lực là trả lời 3 câu hỏi cơ bản:
- Bạn thích làm gì?
- Bạn có thể làm tốt cái gì?
- Nhu cầu xã hội đang cần những nghề nào?
Vùng giao thoa giữa 3 đáp án mà bạn đưa ra chính là những lựa chọn nghề nghiệp lý tưởng cho bạn. Hay nói cách khác, 3 bước cần làm trong quá trình chọn nghề là xác định cái mình thích (sở thích), xem xét cái mình giỏi (thế mạnh), tìm hiểu cái xã hội đang cần (nhu cầu).
Điều gây khó khăn nhiều nhất với học sinh là không hiểu hết những khả năng của bản thân, chưa biết mình giỏi cái gì để đưa ra quyết định cho phù hợp. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể áp dụng phương pháp 20 đôi mắt để tìm ra thương hiệu cá nhân của mình trong mắt người xung quanh.
Cụ thể, bạn cần tiến hành phỏng vấn ít nhất 20 người quen biết, thân cận hàng ngày về những "điểm mạnh thương hiệu" của mình. Mỗi người sẽ phác thảo những nét riêng ấn tượng về bạn, nhưng chính các nhận xét trùng lặp mà bạn được nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ khắc họa rõ hơn về điểm mạnh của bạn.

Trải nghiệm nhiều sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân mình (Nguồn: suckhoegiadinh)
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp hộp diêm với phương châm “cọ xát để trưởng thành”. Các que diêm tiềm năng sẽ không bao giờ bùng cháy được nếu bạn chưa một lần mang nó ra khỏi hộp và cọ xát. Chọn ngành chọn nghề cũng như vậy, bạn không biết mình thích nghề gì vì chưa có đủ trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ, nếu muốn biết mình có tiềm năng làm nhà báo hay không, bạn phải dành thời gian quan sát sự vật sự việc, đưa ra quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó và “soi tỏ” lòng mình bằng ngòi bút. Sau đó, bạn có thể nhờ người thân, bạn bè đánh giá thành quả viết lách của bạn.
Chính những trải nghiệm thực tế sẽ mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về 1 ngành nghề tưởng chừng như xa lạ. Nếu không có điều kiện tự trải nghiệm, bạn có thể đến tham quan nơi làm việc hoặc phỏng vấn những người hiện đang công tác trong ngành để có thêm nhiều thông tin về con đường sự nghiệp tương lai.
Vậy đấy, trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp cho học sinh không phải là phương pháp duy nhất hay tối ưu nhất giúp bạn lựa chọn công việc phù hợp. Càng xác định sớm nghề nghiệp yêu thích, bạn càng có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho những thách thức và trở ngại mà mình sẽ gặp phải đấy!
Yến Nhi (Theo Kênh tuyển sinh)