Kỹ thuật máy tính là sự kết hợp giữa Máy tính và Kỹ thuật điện. Ngành này tập trung vào lập trình trên tất cả các nền tảng: vi xử lý, các thiết bị nhúng và máy vi tính. Theo khảo sát gần đây, ngành Kỹ thuật máy tính đang là một trong những ngành thiếu nhân lực nhất và đặc biệt là trong vòng 10 năm tới.
Bạn đã sẵn sàng để trở thành những người đón đầu xu thế với ngành học đầy tiềm năng này chưa? Hãy khám phá ngay danh sách các trường đại học có đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính được Edu2Review tổng hợp.
Bảng xếp hạng các trường đại học
tốt nhất Việt Nam
Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM
Đại học Quốc gia TPHCM là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học – công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Trường có 7 đơn vị thành viên: Đại học (ĐH) Bách Khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Tế, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế – Luật, Viện Môi trường – Tài nguyên.
Trong đó, ĐH Công nghệ Thông tin là cơ sở đào tạo chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngành Kỹ thuật máy tính là 1 trong số 9 ngành học ở trường. Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Xem thêm đánh giá của sinh viên
về Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM
Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận vai trò chuyên viên phân tích, thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng, phần mềm máy tính, thiết kế các hệ thống số, hệ thống nhúng; trở thành cán bộ nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm nghiên cứu hay giảng dạy các môn liên quan đến kỹ thuật máy tính tại cơ sở giáo dục.
Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Công nghệ được thành lập ngày 25/5/2004 trên cơ sở khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trải qua chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã khẳng định vị thế là một trong những trường đào tạo, nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật hàng đầu cả nước.
Chương trình đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính tại Đại học Công nghệ với thế mạnh về khoa học và công nghệ liên quan có khả năng:
- Giúp sinh viên biết và thực hành thiết kế hệ thống dựa trên nền tảng máy tính (bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm).
- Phát triển sự hiểu biết và áp dụng khoa học cơ bản, toán học, khoa học điện, điện tử và tin học vào thực tiễn của ngành Kỹ thuật máy tính.
- Phát triển kiến thức và kỹ năng cần có cho nghề nghiệp tương lai trong ngành Kỹ thuật máy tính.
- Hiểu về tương tác giữa ngành Kỹ thuật máy tính với xã hội, kinh doanh, công nghệ và môi trường.
Xem thêm đánh giá của sinh viên
về Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Giới thiệu về Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguồn: YouTube - Đại học Công nghệ)
Bên cạnh trường Đại học Công nghệ, Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có tuyển sinh chương trình Tin học và Kỹ thuật máy tính với ngôn ngữ đào tạo là tiếng Anh. Nếu bạn có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt và đam mê theo đuổi ngành học này thì đây cũng là một sự chọn đáng cân nhắc.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Danh sách các trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính sẽ không thể nào thiếu trường Bách Khoa Hà Nội – ngôi trường có bề dày thành tích và hệ thống chương trình giảng dạy đa dạng. Kỹ thuật máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin.
Người học sẽ được đào tạo kiến thức cơ bản về toán, kỹ thuật điện tử, giải thuật, cơ sở dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin... Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có kỹ năng phát triển giải pháp hệ thống hoàn chỉnh cả phần cứng và phần mềm, đặc biệt là khả năng tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm.
Xem thêm đánh giá của sinh viên
về Đại học Bách Khoa Hà Nội
Ngành học này tuyển sinh khối A0 (Toán – Lý - Hóa) và A1 (Toán – Lý – Anh). Trong đó môn Toán tính hệ số 2. Tại Đại học Bách Khoa, sinh viên có thể theo đuổi chương trình chính quy và tích hợp với thời gian học tập tối ưu, cụ thể như sau:
- Đào tạo Cử nhân: 4 năm
- Đào tạo tích hợp Cử nhân – Kỹ sư: 5 năm, theo hai định hướng chuyên ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu hoặc Hệ thống nhúng và IoT.
- Đào tạo tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ: 5,5 năm
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có truyền thống 121 năm (1898-2019) xây dựng, là trường đại học công lập cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ chất lượng cao cho đất nước. Trường đã đào tạo nhiều thế hệ thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động được xã hội đánh giá cao. Vì thế, nhà trường rất xứng đáng được góp mặt trong danh sách các trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính uy tín nhất.
Xem thêm đánh giá của sinh viên
về Đại học Công nghiệp Hà Nội
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính tại Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ được trang bị 3 nhóm kiến thức chính:
- Lập trình nhúng: Viết phần mềm điều khiển thiết bị, lập trình hệ thống (phần cứng, phần mềm), viết phần mềm ứng dụng trên thiết bị.
- Thiết kế phần cứng hệ thống: Thiết kế vi mạch số, mạch tích hợp trong thiết bị điện tử.
- Thiết kế, triển khai các hệ thống mạng: Xây dựng, tư vấn triển khai ứng dụng mạng, quản trị hệ thống mạng, tư vấn và hỗ trợ bảo mật hệ thống.
Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên
Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính tại đây đào tạo chuyên sâu về một trong hai lĩnh vực:
- Lập trình hệ thống nhúng – Embedded System: Đào tạo các kỹ sư có thể xây dựng các hệ nhúng mới và làm chủ các công nghệ của những hệ nhúng đang thịnh hành trên thị trường hiện nay như điện thoại, tivi, tủ lạnh, điều hoà, máy giặt, robot...
- Quản trị hệ thống máy tính – Maintaining Computer System: Tập trung đào tạo kỹ sư chuyên sâu về quản trị hệ thống máy tính, bảo mật an ninh dữ liệu cho máy tính, chống lại sự xâm hại của virus và các hacker, thiết kế, cài đặt và vận hành máy tính/ hệ thống mạng máy tính cũng như các dây truyền tự động sử dụng công nghệ máy tính.
Xem thêm đánh giá của sinh viên
về Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền Thông - Đại học Thái Nguyên
Chương trình đào tạo từ 4 – 4,5 năm, sinh viên ra trường sẽ có bằng Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật máy tính. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo bậc đại học, bạn có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu cao học để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.
Theo thống kê, 100% sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính của trường đã có việc làm phù hợp sau 6 tháng tốt nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2017, Samsung đã triển khai chương trình học bổng lên đến 54 triệu/ người cho sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính có kết quả học tập khá trở lên.
Là một ngành học tiềm năng nhưng Kỹ thuật máy tính cũng đồng thời là một ngành học khó, có các kiến thức chuyên ngành phức tạp. Với những gợi ý trên, hy vọng bạn đã có được một lựa chọn phù hợp với bản thân. Chúc bạn thành công!
Khuê Lâm (Tổng hợp)